Tiếng chuông chùa nơi đầu sóng
'Cả nước có Trường Sa, Quân khu 3 có đảo Trần' là câu nói ví von đầy tự hào của những người lính đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc.
Qua mỗi năm, quân và dân nơi đây lại hân hoan chứng kiến đảo Trần “thay da đổi thịt” với những công trình, diện mạo mới. Và mùa Xuân này, mái chùa cong vút giữa biển trời Đông Bắc sẽ là điểm tựa tinh thần cho người dân nơi đầu sóng ngọn gió.
Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền gần nhất 25km nhưng chỉ cách đường phân định trên vịnh Bắc bộ chừng 5km. Gần chục năm trước, gia đình chị Đồng Thị Nhâm rời vùng quê ven biển Hải Hà, Quảng Ninh ra đảo Trần lập nghiệp và cũng chừng ấy năm đón Tết giữa bốn bề sóng gió. Chị Nhâm kể: Bám đảo, bám biển, ngư dân luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của những người lính biên phòng, lính đảo. Với sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, từ chỗ "khát" điện, "khát" nước ngọt, nay đảo Trần nay đã có điện lưới, có đường giao thông, điểm trường, bưu điện, cột cờ chủ quyền quốc gia...
Dù vậy, người dân trên đảo vẫn luôn mong mỏi về một ngôi chùa như điểm tựa tâm linh nơi đầu sóng ngọn gió. Chị Đồng Thị Nhâm cho biết: "Chúng tôi ở đây làm nghề cá, luôn mong muốn có một ngôi chùa để thờ cúng, lên chùa lên đền mùng Một hôm Rằm để ra sông ra biển cho yên tâm, thuận buồm xuôi gió."
Năm 2018, được sự đồng ý của tỉnh Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát, xây dựng ngôi chùa mang tên Trúc Lâm đảo Trần. Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh là người đã rẽ tán rừng rậm, vượt bãi cát dài để khảo sát địa hình, phác nên những nét đầu tiên của mái chùa trên đảo. Tháng 10/2022, công trình chùa Trúc Lâm đảo Trần chính thức khởi công.
Từ bờ sóng vỗ, ngư dân, du khách sẽ tới đền thờ Đức Thánh Trần, lên cổng tam quan, lầu vọng cảnh, gác chuông, bước 333 bậc thang để lên tới ngôi Đại hùng bảo điện, chiêm bái Đức Phật và Trúc Lâm tam tổ. Ông Đỗ Quốc Thắng, Công ty Mỹ thuật TW, Chỉ huy trưởng công trình chùa Trúc Lâm đảo Trần cho biết, kiến trúc của chùa mang đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Cả trăm người thợ giỏi, nghệ nhân từ các làng nghề truyền thống chung tay chế tác, thi công bằng các loại vật liệu gỗ lim, đá, gạch nung, để ngôi chùa luôn vững vàng trước gió bão.
Ông Đỗ Quốc Thắng cho biết: "Với đặc thù công trình văn hóa này, các làng nghề ở các tỉnh, đội thợ nào tốt nhất thì chúng tôi mời tham gia. Anh em thợ ra đây cảm thấy tinh thần khác trong bờ, làm việc gì cũng thiêng liêng, mọi người hết sức cố gắng. Từ tờ mờ sáng đã dậy, tối mịt mới về, quý từng giây từng phút, tất cả cho công việc."
Thế nhưng, đảo xa, không ít ngày biển động, sóng gió. Tàu vận chuyển chẳng thể cập bờ, máy móc, nhân công thiếu thốn. Thượng tọa Thích Thanh Lịch xúc động: "Công trình này mặc dù thi công trên biển đảo, điều kiện vô cùng khó khăn và phức tạp nhưng được sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô, các cán bộ chiến sĩ trên đảo cùng với người dân đã chung tay góp sức với Ban dự án, lập kế hoạch cụ thể và triển khai các hạng mục công trình một cách sớm nhất. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão này sẽ phục vụ cho người dân và các cán bộ chiến sĩ trên đảo, đặc biệt là những người đánh bắt xa bờ trên biển có nơi để thắp hương, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa."
Ước mong của chị Nhâm và 12 hộ dân đảo Trần đã thành hiện thực. Với ngôi Đại hùng bảo điện và Nhà thờ tổ cơ bản hoàn thành đúng dịp Tết Quý Mão, Chùa Trúc Lâm đảo Trần tổ chức Lễ đón Giao thừa cùng khóa lễ cầu an cho ngư dân trên đảo. Khói nhang trầm lan tỏa, câu kinh, nhịp mõ yên bình giữa trùng khơi.
Mái chùa trên đảo Trần không chỉ là điểm tựa tâm linh, đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân mà còn là điểm đến ý nghĩa nơi tiền tiêu, như nhận định của Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc: "Đảo Trần là một phần thiêng liêng của lãnh thổ quốc gia. Nơi đây đã có cư dân, có lực lượng bảo vệ, nhưng việc có thêm một mái chùa chắc chắn sẽ mang lại những giá trị to lớn. Không chỉ là chia sẻ với những cư dân ở đây, mà còn là nơi để bà con phật tử và người dân có thể đến để chiêm ngưỡng cảnh đẹp, sự giàu có của biển cả, và thêm tự hào, trách nhiệm về lãnh thổ quốc gia. Mái chùa như một dấu mốc, không chỉ của Phật giáo, mà còn là dấu mốc của lịch sử dựng nước và giữ nước. Mái chùa sẽ mang lại cho người dân những cảm xúc, gắn liền mảnh đất xa xôi này với đất mẹ quê hương."
Từ đất liền đến với đảo xa, mái chùa vút cong nổi bật giữa mây trời, sóng nước. Mùa xuân này, đại hồng chung được đúc và tiếng chuông chùa sẽ vang xa giữa biển trời Đông Bắc, vì bình yên và trọn vẹn bờ cõi./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tieng-chuong-chua-noi-dau-song-post997719.vov