Tiếng cười giễu cợt trong tiểu thuyết của Milan Kundera
Milan Kundera chỉ ra trong xã hội hiện đại, con người đang quá tôn sùng tốc độ, sự mù quáng của đám đông và chiến thắng vẻ vang của văn hóa đại chúng
Tiểu thuyết "Chậm" (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2019) của Milan Kundera khá mỏng so với những tiểu thuyết trước đó của ông như "Đời nhẹ khôn kham" hay "Sự bất tử" nhưng vẫn đi theo mạch ngầm mà chính ông đã khơi lên từ những tác phẩm ban đầu: tiếng cười ý nhị đầy giễu cợt trong một thế giới nghiệt ngã, vô tri, hướng dần đến sự hủy diệt.
Chất chứa những nghịch lý
"Chậm" có thể không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Kundera nhưng nó có ý nghĩa nhất định trong sự nghiệp của ông. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được ông viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ của đất nước mà ông đã chọn đến định cư. Cho nên, có thể thấy ở đây một sự dò dẫm thích nghi của một người cố sử dụng ngoại ngữ như bản ngữ, vì thế có thể lý giải sự "kiệm lời" đột ngột của Kundera, thận trọng dựng lên một công trình mới trên nền chất liệu ngôn ngữ mới.
"Chậm" mang trong mình nó nghịch lý, một cuốn tiểu thuyết tên "Chậm" nhưng có thể được đọc rất nhanh, với dung lượng chưa đến 200 trang, người đọc có thể "băng" qua cuốn tiểu thuyết trong một buổi hệt như mối tình ngắn ngủi đầy nhục dục của chàng hiệp sĩ vô danh thế kỷ thứ XVII với một mệnh phụ, tận hiến cho một đêm mặn nồng rồi biệt ly mãi mãi.
Song hành cùng cuộc phiêu lưu tình ái một đêm của chàng hiệp sĩ là câu chuyện của chính tác giả diễn ra trong một kỳ nghỉ ở lâu đài trung cổ, và bạn ông: Vincent đắm chìm vào mối tình thoáng qua với một phụ nữ, đấy là còn chưa nói đến những nhân vật mà Kundera gọi là "vũ công" như Berck và Immaculata. "Chậm" vì thế lại mang thêm một nghịch lý khác, tuy bị giới hạn trong một dung lượng ít nhưng ta có cảm giác bởi sự hiện diện của quá nhiều, như thể có rất nhiều "vũ công" đứng chung một sân khấu chật ních, cố tranh nhau xuất hiện dưới ánh đèn màu. "Vũ công" là một khái niệm mà Kundera nhắc đến ngay từ đầu, dùng để chỉ những con người cơ hội, tranh thủ cảm tình trước phương tiện truyền thông, nơi mà lần nữa, tốc độ đóng vai trò quan trọng. Phải biết tranh thủ từng khoảnh khắc để nắm bắt những khuôn hình vàng có thể biến mình thành vĩ nhân trước mắt công chúng.
Lý thuyết gia cự phách
Milan Kundera không chỉ là một tiểu thuyết gia mà còn là một lý thuyết gia cự phách. Trong những bài tiểu luận hàn lâm của mình, ông nói về nghệ thuật tiểu thuyết, về những lý thuyết văn học, dùng tiểu thuyết như một cách thực hành các lý thuyết văn học của ông, hình thành nên phong cách đặc trưng ở tiểu thuyết của mình. Tiểu thuyết "Chậm" có thể coi là một điển hình cho phong cách này. Truyện đề cập đến tiểu thuyết "Les Liaisons dangereuses" (tạm dịch: "Những mối quan hệ nguy hiểm") của Choderlos de Laclos, bộ tiểu thuyết đồ sộ của thế kỷ XVII để làm lối dẫn vào những mê lộ phức tạp, đan xen những câu chuyện cách nhau vài thế kỷ, song hành trong cùng một chủ đề chung nhất về mối quan hệ ràng buộc giữa tốc độ và sự quên lãng.
Milan Kundera không hẳn lên án tốc độ, ông chỉ ra trong xã hội hiện đại, con người đang quá tôn sùng tốc độ, sự mù quáng của đám đông và chiến thắng vẻ vang của văn hóa đại chúng. "Chậm" như một sự tiếp nối với cuốn tiểu thuyết cuối cùng được viết bằng tiếng Czech của Kundera: "Sự bất tử". Cuốn tiểu thuyết này có dung lượng gấp 3, 4 lần "Chậm" với một sự nhập nhằng giữa phê bình văn học và tiểu thuyết để đi đến một chủ đề là sự bất tử, có nghĩa là đi đến cái trường cửu, vượt ra khỏi những thoáng hiện của khoảnh khắc để đóng khoảnh khắc vào thời gian. Còn ở "Chậm" là những thoáng hiện trượt vào quên lãng.
Đoạn cuối của cuốn tiểu thuyết "Chậm", Kundera để cho tác giả - người của thế kỷ XX giáp mặt với chàng hiệp sĩ của thế kỷ XVII, như thể vận tốc trượt đi và các khoảng không thời gian giao thoa với nhau. Trong khoảnh khắc hạnh ngộ ấy, người trên phương tiện cơ giới, kẻ ngồi trên lưng ngựa, không ai nói với ai, trên hai phương tiện di chuyển thuộc về không chỉ hai thời đại mà hai nền văn minh khác nhau, họ lướt đi, trong cái nhịp điệu tưởng chừng bất biến của thời gian thường được ví như "bóng câu qua cửa", như thể cuộc đời vẫn lao đi trên hành trình hướng đến sự vĩnh hằng.
Tiểu thuyết gia hàng xuất sắc của thế giới
Trong nhiều năm liền, Kundera luôn được nhắc đến như một ứng cử viên sáng giá của giải Nobel Văn chương. Nhà văn sinh năm 1929 này còn được biết đến bởi bút lực bền bỉ, cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông "Lễ hội của vô nghĩa" (2014) được xuất bản khi ông 85 tuổi. "Đời nhẹ khôn kham" (1984), "Sự bất tử" (1990) và "Chậm" (1993), ba cuốn tiểu thuyết của Milan Kundera ra đời liền kề nhau. Giữa ba cuốn tiểu thuyết là những tập tiểu luận văn học. Có thể thấy ở Kundera sự chuyển dịch giữa các thể loại mà các ranh giới giữa các thể loại ngày càng nhòe đi.
Ngày 1-4-2019, Milan Kundera bước sang tuổi 90. Trải qua nhiều thăng trầm biến động trong lịch sử, chứng kiến sự ra đời và thoái trào của nhiều trào lưu văn học, ông vẫn giữ được vị trí một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc nhất của thế giới.