Tiếng gõ
Cà Mau, nơi đó có rất nhiều con sông, có vô vàn chiếc cầu và có một miền đất tên Năm Căn, một miền đất gần như tận cùng đất nước thuộc tỉnh Cà Mau.
Những địa danh ở mỗi miền đất thành tên từ những câu chuyện cũ mà thành, Năm Căn cũng vậy. Năm Căn hiện là tên thị trấn của huyện Ngọc Hiển, nằm bên bờ phải sông Cái Lớn, nơi đây thường là bến tàu để đưa các đoàn khách đi thăm Mũi Cà Mau. Cái tên Năm Căn theo giải thích vì ban đầu có một người Hoa đến vùng này cất 5 căn trại đáy, là các căn nhà ven biển giăng lưới cố định bắt cá. Từ năm căn trại này mà khi dân cư đông dần thành địa danh Năm Căn. Tôi dẫn giải ra đây vì tôi tới Năm Căn, và tôi đi tìm má tôi.
Lần trước, tôi đi theo đoàn công tác đến đây, chỉ dừng lại, đợi tàu rồi đi ra Mũi Cà Mau trên chiếc tàu cao tốc. Tôi không chú ý đến Năm Căn vì chỉ thấy đây là một khu phố bình thường, có khác chăng là bao quanh mênh mông nước và các cây bần, cây đước. Ấn tượng của tôi là những hàng bán rất nhiều cá khô đủ loại, ai cũng nói cá khô nơi này rất ngon.
Nhưng lần đến đó, chỉ là một chuyến đi qua, chỉ để ngắm nhìn, rồi tần ngần đố nhau từ Cà Mau để đến được Năm Căn có bao nhiêu cái cầu? Lần này lại khác, lần này là tôi đi tìm quá khứ, hay nói đúng hơn là tôi đi tìm mảnh vỡ của cuộc đời tôi mà lâu rồi không thể nào hàn gắn nữa, tôi đi tìm má. Tôi đi tìm má như đang bơi trên một dòng sông, mà nước từ thượng nguồn cứ hung hãn trôi về. Quanh tôi chẳng có một mảnh gỗ nào để bám vào, tôi đuối sức nhưng vẫn cố bơi. Và cuối cùng tôi đã vào bờ. Má tôi đang ở đâu đó ở Năm Căn, bà ở xa tôi quá và chưa bao giờ tôi hình dung ra được điều này.
Bạn đã từng ăn mì gõ chưa? Là xe bán hủ tiếu mì đẩy đi dạo các con hẻm nhỏ, âm thanh hai thanh gỗ gõ vào nhau tạo thành lời mời gọi. Tôi sống với ba vào những ngày thơ ấu ở một xóm nhỏ mà mọi người gọi là xóm mì gõ. Nơi này là những người tạm cư, sống bằng nghề mỗi ngày đẩy chiếc xe bán hủ tiếu, mì hoành thánh... đi mọi ngõ ngách để bán. Gọi là mì gõ vì để bán được, tới một nơi nào đó, dùng hai thanh tre khô để có âm thanh trong và loang xa đi vào xóm gõ nhịp tạo ra âm thanh, người cần ăn sẽ gọi và mang mì tới cho họ. Cả tuổi thơ tôi, ban đêm theo chân ba đi bán mì, ban ngày đi học, ngày tháng cứ trôi qua như vậy. Ba và tôi khác hơn những người tha hương khác là có hẳn một ngôi nhà, dẫu không to lớn nhưng là nhà của mình. Đó là căn nhà nội để lại. Những ngày bán mì gõ cùng ba như thế, tôi nhủ mình sẽ cố gắng xoay xở để mai sau cuộc đời của cha con sẽ thay đổi, chứ không lẻ rồi ba sẽ già, lại vẫn cứ đẩy chiếc xe bán mì đi khắp thành phố. Nhưng bán mì gõ đôi khi cũng bị đuổi như đuổi ma quỷ, vì khi gõ âm thanh làm cho nhiều người bực mình.
Thật ra thì tôi cũng có một gia đình, nhưng má bỏ tôi đi khi tôi còn nhỏ. Cuộc nhân duyên của ba và má cũng bắt đầu bằng cái xe mì gõ như thế. Cuộc tình rất chân chất không hoa tặng, chẳng hẹn hò ở quán cà phê hay tổ chức tiệc sinh nhật, mà cần nhau. Má là cô gái ở tận Năm Căn, tìm đến thành phố trong cuộc mưu sinh với khó khăn vô vàn. Má cũng thuê một căn phòng gần chỗ ba ở, hằng ngày má đi làm công nhân, đợi đón xe đưa đi tận đầu ngõ, tối mịt má về. Rồi má bệnh, bị thất nghiệp. Ở cái khu phố nghèo đó con người rất tình cảm, nhưng bận rộn áo cơm nên chẳng lo lắng cho được ai, nên má bệnh vẫn chỉ một mình như thế. Ba đã lo chở má đi bệnh viện, vét tiền để dành đóng viện phí cho má, và từ đó thành tình yêu. Má về với ba không lễ cưới và tất nhiên cũng không có hôn thú, chỉ là níu giữ nhau bởi cái tình, bởi là hai con người cần có nhau trong thành phố rộng lớn, có trăm con đường đưa người đi về muôn hướng.
Nhưng tình yêu và cám dỗ của cuộc đời là hai phạm trù khác nhau. Má bỏ chiếc xe mì gõ của ba để theo một người đàn ông, mà một lần tình cờ đi bán hàng má đã lọt vào mắt ông ta. Tất nhiên là giữa xe mì gõ đêm đêm đẩy đi qua những con hẻm, bữa đắt bữa ế không thấy tương lai và một cuộc sống sung sướng hơn, má đã chọn lựa để rũ bỏ.
Không ly dị, chẳng giã từ, khi ấy hình như tôi mới vừa 4 tuổi. Má nhẹ nhàng bước ra khỏi nhà vào một đêm hình như có nhiều tiếng chó sủa vu vơ, cánh cửa mở không một tiếng động, má theo tình yêu. Hình như đêm hôm đó ba biết má ra đi, ba chỉ nằm trên giường, ôm tôi nhìn theo mà nước mắt âm thầm lăn trên gương mặt sạm nắng vì mãi lang thang ở mọi con đường. Ba không ngăn cản, vì có ngăn cản thì trái tim của má đã không còn thuộc về, má cũng sẽ đi thôi. Lá thư má để lại ba đọc vào sáng hôm sau, ba không nói gì, chỉ im lặng nhìn con kênh sau nhà đang dâng nước, lục bình cứ trôi lên trôi xuống. Ba đốt lá thư thành tro, bung rải trên con kênh hững hờ kia.
Giờ thì thời gian đã qua lâu rồi. Con đường được mở rộng, khu nhà ở phải giải tỏa, nhà tôi được cấp ở một khu mới đẹp hơn và khang trang hơn. Ba không còn đẩy xe mì gõ, mà mãi sau này ba mới nói cho tôi hay là ba vẫn duy trì nghề này vì hy vọng sẽ gặp lại má, và cũng có thể má sẽ tìm ra ba sau khi chán chê cuộc tình mới. Ba chờ đợi cho đến khi tôi học xong đại học, mau chóng có việc làm, đủ để lo cho ba. Tuy nhiên qua nhà mới, ba vẫn mở một hàng tạp hóa nhỏ, nói rằng để có người đi ra đi vô, được nghe tiếng nói cười. Ba đợi mãi mà má không trở lại.
Thời gian ấy có biết bao nhiêu biến đổi, thằng con trai bị má bỏ lại là tôi đã lập gia đình, ngày hôn lễ chỉ có ba đại diện đàng trai, khuyết một chỗ của má. Tưởng rằng ba quên, vì ba không nhắc má. Nhưng rồi buổi tối ba gọi tôi ra phòng khách: "Má con đang ở Năm Căn, bả đang bệnh".
Đó là một buổi chiều ở Năm Căn. Bây giờ phố xá rộng, nhiều cửa hàng bán đủ mọi vật dụng, nhưng nhà của má không ở phố, nhà của má ở hút sâu bên trong mênh mông nước. Lạ là Năm Căn nơi nào cũng có nước, nơi nào cũng có những chiếc cầu nho nhỏ để nối chân người đi. Tôi đã tìm ra nhà má. Con đường vào nhà má, ba đã từng đến nên ba chỉ cho tôi. Cảnh vật có thể thay đổi, nhưng khi hỏi nhà, ai cũng chỉ cho tôi. Một người quen từ Năm Căn đã tìm đến và kể cho ba chuyện má. Sau khi bỏ cha con chúng tôi, má và người đàn ông của má đã về lại Cà Mau, sống bằng nghề buôn bán hải sản. Tuy nhiên, một thời gian sau thì ông ta phụ tình má, nhưng má không thể trở lại, thế là má về Năm Căn. Má bị bệnh phổi rất nặng, do má thường xuyên lặn hụp trên sông để bắt nghêu, quanh má không có ai. Chỉ là âm thanh của nước triều đang lên réo rắt.
Tôi mong rằng hôm đó trời có mưa. Mọi người thường kết thúc một câu chuyện buồn bằng một cơn mưa làm đẫm đất trời. Năm Căn không mưa cũng rất buồn, buồn bởi những bờ kênh những cây bần cứ chồm vươn lên, những con cá thòi lòi thỉnh thoảng nhảy bung lên khi nước triều rút xuống. Má nằm trên giường bệnh, chỉ nhìn tôi và khóc. Tôi nắm tay má, bàn tay má rất nhỏ. Má bỏ tôi đi khi tôi còn nhỏ, trong giấc mơ của tôi má là bà tiên với đôi cánh trắng và nụ cười rất đẹp. Nhưng má nằm ở đó, rất tiều tụy, má nằm trong mênh mông buồn. Còn tôi cứ ngồi im bên cạnh, tôi cứ ngồi mà trong đầu lại nhớ về tiếng gõ của hai thanh tre thời nhỏ, tôi gõ rất đều đi vào các con hẻm, để báo hiệu cho mọi người là tôi bán mì gõ. Lòng tôi sao rỗng không.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tieng-go-20210123201313791.htm