'Tiếng gọi nơi hoang dã' - Giàu chất nhân văn
Hình ảnh chú chó Buck trong tác phẩm 'Tiếng gọi nơi hoang dã' của nhà văn Mỹ Jack London (1876 - 1916) đã in đậm trong trái tim hàng triệu người đọc các thế hệ khắp thế giới hơn một thế kỷ qua. Trở thành biểu tượng của khát vọng vượt qua áp bức để đến tự do vĩnh cửu, có thể nói đây là hình tượng chú chó nổi tiếng nhất thế giới mọi thời đại trong văn học.
Vì sự nổi tiếng và thân quen như: tuyết trắng, hàng thông xanh miền cực Bắc bao la giá lạnh mà mọi bạn đọc của cuốn “Tiếng gọi nơi hoang dã” đều có chút băn khoăn trước khi xem bộ phim cùng tên phiên bản thứ 5 phát hành đầu năm 2020. Tuy vậy, khi xem phim, hình ảnh chú chó Buck tung tăng nghịch ngợm hồn nhiên trên thảm cỏ ở tòa biệt thự của thẩm phán Miller nơi thung lũng Santa Clara tràn ngập ánh sáng thì khán giả thở phào vì rất thân quen: À Buck của ký ức mình đây rồi. Các tình tiết tiếp nối tràn ngập trên khung hình lấp lánh đưa chú chó Buck đến với miền cực Bắc Alaska với dân đào vàng cuối thế kỷ XIX như hơi tuyết phả trang sách ùa vào tâm hồn khán giả. Phim đã đi theo mạch của truyện, có khi còn giàu lãng mạn và chất thơ bằng những khung hình tuyệt đẹp cảnh núi đồi và cánh đồng tuyết trắng mà trong truyện không miêu tả.
So với truyện thì bộ phim phiên bản 2020 giàu tính nhân văn hơn, nhiều cảm xúc chân tình giữa con người và loài vật. Trước hết, nhân vật chính là chú chó Buck vô cùng đáng yêu, hiền lành, khác hẳn chú chó lai sói như trong truyện đã miêu tả với đôi tai to thẳng đứng như chóp núi tuyết, mắt rực lửa và tiếng hú dưới trăng thật âm vang man dại của loài sói. Đó chính là ý đồ của đạo diễn muốn dành cho khán giả, đặc biệt các bạn nhỏ về hình ảnh mới của chú chó nổi tiếng.
Trong truyện, ngay từ những trang sách đầu tiên, phút giây thanh bình, vui vẻ ở nhà chủ cũ (thẩm phán Miller) thật ngắn ngủi, tiếp nối là những tháng ngày bị đày đọa, đối xử tàn nhẫn bởi những con người độc ác, vì thế trong những dòng văn như tự sự của Buck thật dữ dội, có lúc vô cùng tàn bạo để tồn tại trước đồng loại hung bạo và con người ích kỷ. Cho đến tận trang văn cuối cùng, dưới ánh trăng hoang lạnh, những hành động của Buck cũng vẫn thể hiện đầy đủ những gì man dại của loài thú hoang dã. Với phim thì khác, nhà làm phim hầu như lược bỏ những chi tiết vô cùng ghê rợn như: cảnh những tên bắt trộm siết cổ Buck; tên áo đỏ thuần phục Buck để biến chú chó trông nhà thành chó kéo xe tuyết bằng dùi cui vô cùng tàn bạo; cảnh Buck chiến đấu để chiếm lĩnh ngôi đầu đàn với Spitz, một con chó Skimo hùng dũng…
Đặc biệt, chi tiết cuối là John Thornton - ân nhân cứu mạng Buck đã bị thổ dân bản địa giết hại ở nơi khai thác vàng vùng Yukon được thay thế bằng nhân vật khác cũng có trong truyện là gã Hal vô cùng tàn nhẫn, đã từng tra tấn hành hạ Buck sau khi bị bắt, bắt Buck cùng đồng loại kéo xe nặng tới kiệt sức và suýt bị chết chìm dưới dòng sông băng White. Đây là sự tráo đổi nhân vật rất sáng tạo và hợp lý có logic, hợp với thời đại. Nhân vật John Thornton do tài tử gạo cội Harrison Ford đóng là một người trung niên đau khổ với đầy tâm trạng cô đơn, khác xa với truyện chỉ là người tốt bụng yêu loài vật. Trong phim, nhân vật John Thornton giàu tính vị tha, không ham vàng bạc nhưng trong truyện thì nhân vật này có chất người hơn, thực tế hơn nên sức thuyết phục hấp dẫn hơn so với điện ảnh.
“Tiếng gọi nơi hoang dã” phiên bản phim năm 2020 một lần nữa trình diễn một loại hình phim về loài vật đẳng cấp vượt trội, đó là kỹ thuật live action và hoạt hình làm cho những con thú trở lên sống động, biểu cảm từng động tác tới khuôn mặt, thực hơn và đồng cảm với con người hơn. Điều này không phải nền điện ảnh nào cũng làm được. Phim đem lại nhiều tình tiết vui nhộn hài hước, thực sự đem tiếng cười tự nhiên, trong trẻo cho khán giả, nhất là các bạn nhỏ. Có thể nói, bộ phim là bản tình ca vĩnh cửu của thiên nhiên, loài vật, ở đó tính hướng thiện luôn là trái tim và tâm hồn của bức tranh tuyệt đẹp này.
Dương Trang Hương