Tiếng khèn Xuân cực Bắc

Đã rất nhiều lần tự hẹn với mình, rồi lại tự thất hứa với mình, đi tìm hình hài của cây khèn Mông, cây khèn đã mang âm sắc của một vùng văn hóa. Tiếng khèn gọi bạn, gọi tình yêu, tiếng khèn nói lên lòng mình, thổi hồn vào đá, gọi gió, gọi trăng để tìm đến nhau. Vậy mà mãi đến hôm nay, tôi mới trở về với tiếng khèn bằng hình hài chân chất của bầu gỗ, lóng trúc, lưỡi đồng, quấn vỏ đào rừng vàng óng trong đôi tay người nghệ nhân già, nơi xóm núi. Nơi ấy là xóm Tả Cù Ván, thuộc xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tả Cù Ván nằm lọt thỏm trong thung lũng đá mênh mông, sau lưng là đồi trúc 'lạc hồn thu thảo' trải dài như được ai treo vào lưng núi. Đúng là một bản đá, những ngôi nhà đá, bờ rào đá gắn vào hồn đá, trong lòng chảo đá trên điệp trùng biên cương nơi tận cùng đỉnh cao Tổ quốc.

Ảnh: Thái Vũ

Ảnh: Thái Vũ

Cũng có người cho rằng, cây khèn Mông chỉ được dùng trong đám tang, đám hiếu của người Mông, nhưng tôi thì không thấy thế. Tôi đã đi hàng trăm phiên chợ tết trên khắp vùng người Mông sinh sống, chợ nào chẳng có tiếng khèn nơi "đầu đường, cuối chợ" mà réo rắt mời gọi bạn tình. Chợ nào, lễ hội nào chẳng có hàng chục cô gái Mông vây quanh những chàng trai Mông vừa thổi khèn, vừa nhào lộn. Để đường về say mèm vì rượu, vì tình mà đôi má đỏ ửng, mắt long lanh, căng chiếc ô che cho chàng trai với cây khèn đã bóng khói bếp và mồ hôi năm tháng.

Dù ai nói thế nào thì nói, tiếng khèn Mông vẫn cứ theo tôi vào các lễ hội, mà Tết Nguyên đán là trong những lễ hội ấy. Nghe kể ngày xửa ngày xưa, con gái người Mông khi đi lấy chồng phải giỏi tay thêu thùa, may vá, ít nhất cũng biết dệt vải, se lanh, may cho bố mẹ chồng, anh em nhà chồng những bộ quần áo trong ngày cưới của mình. Còn người con trai Mông khi muốn trở thành người đàn ông thực thụ của cộng đồng, thành người chồng chính thức của một cô sơn nữ xinh đẹp nào đấy, là cha của những đứa con sau một mùa xuân "kéo vợ" thì ít nhất cũng phải biết làm cho mình một cây khèn, dù biết rằng chàng trai kém cô gái tới vài ba hay cả chục tuổi. Cây khèn và tiếng nói của khèn đã gọi trăng, đón gió, gọi cô gái có đôi mắt đa tình xinh đẹp vượt qua mùa xuân xanh, vượt đá xanh, trời xanh về với mình. Gọi là "kéo vợ" hay vợ chạy theo thì cũng chẳng ai biết rõ, chỉ có cô gái, chàng trai, đôi bàn tay "dính" vào nhau "qua năm đồi, bảy suối" mới biết, rồi tình nguyện thả hồn vào tiếng khèn của chàng trai đã bao đêm gọi bạn.

Xế trưa, tôi tìm đến gia đình ông Mua Sính Pó, một lão khèn vùng đá mà được nhân dân trong vùng gọi là nghệ nhân khèn. Một con người mà mấy chục năm qua đã chuyên tâm truyền nghề và chế tác những cây khèn, những cây khèn mang cả một nền văn hóa dân tộc ở nơi ông. Năm nay, ông Mua Sính Pó đã trên 60 tuổi, có gần 40 năm làm nghề gọt cây, chắp gió thành lời yêu, lời nhớ. Ông đã gửi gắm cả lòng mình, đời mình vào thân gỗ kim giao bóng nước, vào những thân trúc già vàng óng trước sườn non, tạo nên một âm thanh đặc biệt cho một vùng văn hóa.

Ông Pó ngồi trước một đống dóng trúc vàng óng đã được chọn lựa kỹ càng, tay cầm con dao mác sắc lẹm, gõ gõ vào thân cây, nói với chúng tôi bằng tiếng Mông: "Muốn có một cây khèn mang đúng những âm thanh của người Mông bao đời nay thì phải chọn được thân gỗ kim giao vừa ý, chọn được những dóng trúc vừa tầm và không thể thiếu tính kiên nhẫn của người làm ra nó. Khèn của người Mông được làm hoàn toàn bằng những kinh nghiệm cha truyền, con nối, áng chừng bầu gió khoét rộng dài bao nhiêu là vừa đủ, áng chừng dóng trúc to nhỏ thế nào là đến tầm...".

Nói rồi ông Mua Sính Pó nhìn tôi cười, tay ông với cây khèn mới làm xong đêm qua treo trên vách đưa lên môi. Ngón tay ông lần lần đưa vào những khuyết gió để cây khèn thả vào không gian đá trầm ấm một âm thanh đến mê hồn. Tôi đứng lặng như chôn chân vào đá, mắt như dán vào đôi bàn tay của ông, nó không dẻo như tay nhạc công thường thấy trên sân khấu, nó cũng không nuột nà như tay con gái, con trai ở chốn đô thành, mà những ngón tay bẹt ra vì đốc dao, những móng tay đen nhẻm vì than bếp ấy cứ mở ra, đậy vào chập chờn theo ánh lửa trong gian nhà "tranh sáng tranh tối". Vẫn thổi, vẫn lấy hơi, mắt ông lờ đờ như người say, ông từ từ đứng dậy, đôi bàn chân làm mòn lưng đá của ông bắt đầu rót vào mặt đất những tiếng giậm thưa hay dày theo lóng hơi ông nhả trên môi.

Trời ơi, vẫn tiếng khèn, tiếng khèn không thánh thót như sáo, không trầm hùng như tiêu, không réo rắt như kèn, chỉ mang cái âm hưởng đến mềm lòng của người Mông, mang câu ca dao Mông ném vào vách núi, ném vào rừng trúc rì rào, ném vào bếp hồng than đang độ.

Say... rất say... Vai ông đặt xuống mặt đất, hai chân ông vuốt lên trời đối xứng với cây khèn mà lóng gió vẫn cứ mở đều theo điệu chân ông đạp, theo những ngón tay ông mở lóng hay đóng khuyết. Anh con trai ông ở đâu về thấy bố đang biểu diễn khèn, anh cũng với cây khèn trên gác ngô, lau đầu bầu gió vào áo, quệt ngang lưỡi đồng, lấy hơi và hai cây khèn "bố con" bắt đầu chờ nhịp hay chọn nhịp.

Điệu khèn vừa ngắt, Mua Vạn Tủa đứng lên với cái bình tông trên góc gác ngô xuống lắc lắc, rồi rót thứ rượu ngô nhờ nhờ trắng ra cái bát. Anh bưng bát rượu đi về phía tôi: "Hôm nay vui lắm đấy, có được nhà báo tới thăm, đồng bào vùng đá không quen uống nước, chỉ có rượu thôi. Bố tao vui thì bố tao mới thổi khèn đón mày, mày có uống hết bát nước rượu này thì bố tao mới vui...". Chết tôi rồi, tôi không uống rượu bao giờ, mà cũng không thể không uống. Tôi nhìn anh cán bộ huyện, rồi anh cán bộ xã đi cùng để cầu cứu. Nhưng xem ra không ổn, nhìn bát rượu ngô sóng sánh trên tay anh Tủa rồi tôi cũng nghĩ ra cách của riêng mình: "Theo người Mông, đồng bào vùng đá là như thế, nhưng theo người Kinh thì phải "kính lão đắc thọ" mà. Chúng ta đều là người Việt Nam, đều là con một nhà nên tập quán nào cũng là của chung cả thôi. Một bát rượu chia năm là hợp lý, bởi chúng ta có năm người. Nhưng bây giờ để "kính lão đắc thọ", mời cụ Pó nhiều tuổi nhất uống trước...". Thế là tôi đã giải quyết được "bốn phần năm" bát rượu, chứ không thì đêm nay chắc ngủ lại ở Tả Cù Ván mà nghe tiếng thử khèn đêm quyện vào hồn đá để vừa say rượu, vừa say những lóng gió ngọt ngào cùng hồn đá thức thâu canh.

"... Nghề chơi cũng lắm công phu, nghề làm khèn cũng đầy rẫy những gian truân, vất vả, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, đôi lúc phải uống rượu thật say để quên đi tiếng khèn...". Ông Pó bảo vậy chẳng biết có đúng không, chỉ biết rằng đêm nào tiếng thử khèn trong nhà ông cũng vắt lên đỉnh núi.

Ngồi xem nghệ nhân Mua Sính Pó dùng con dao xoay nhỏ, nhọn hoắt trong tay đưa từng đường dứt khoát vào thân gỗ kim giao. Rồi tay ông vuốt nhẹ trên thân cây trúc vàng óng, đã chuốt hết mắt, luồn thử trên thân khèn, hết lần này sang lần khác, qua đầu nhỏ đến đầu to những dóng trúc dần dần được đưa khít vào những nơi đã định. Nếu không có tâm, có lòng yêu say đắm cây khèn, cố công giữ gìn một nét văn hóa, tính bền bỉ, tỉ mẩn và kinh nghiệm lâu năm thì khó lòng làm nổi. Một nghệ thuật chế tác nhạc cụ mà theo tôi thì không có loại máy móc nào thay thế được con người và cũng chẳng máy móc nào có được lòng tự hào trong dòng chảy văn hóa mấy ngàn đời của một dân tộc trên cao nguyên đá.

Nguyễn Quang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tieng-khen-xuan-cuc-bac/