Trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 với những quy định được đánh giá mang tính nhân văn, bảo vệ các thành viên yếu thế và hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc. Song, để luật thực sự đi vào cuộc sống, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, cần trách nhiệm từ nhiều phía.

Tiểu phẩm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình của phụ nữ xã Mường Lát.
Nỗi đau thầm kín
Sau vụ ly hôn của vợ chồng anh H và chị C, nhiều người dân trong thôn mới biết chị C thường xuyên bị chồng bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Hai vợ chồng cùng tuổi, kết hôn với nhau từ năm 1998 và có với nhau 4 mặt con. Những năm đầu hôn nhân, cuộc sống diễn ra hòa thuận, vui vẻ. Nhưng khi con cái lớn dần, anh H tự dưng sa đà ăn nhậu, rượu chè, về nhà thường xuyên phá phách đồ đạc, có lần đuổi đánh vợ con. Chị C thường nhẫn nhịn để gia đình êm ấm, song được lần này lại có thêm lần khác, anh H không tự kiểm điểm bản thân mà thường “chứng nào tật ấy”. Có lần, vì muốn được yên ổn, chị C phải mang con vào miền Nam sinh sống nhưng anh H vẫn tìm vào tận nơi để đe dọa. Không thể chịu đựng được, chị C đã gửi đơn ra tòa cương quyết đề nghị ly hôn mặc dù anh H vẫn cố níu kéo. Khi tòa án chấp nhận cho vợ chồng ly hôn, chị được giao quyền nuôi con, lúc đó chị C mới cảm thấy thực sự nhẹ nhõm để bắt đầu cuộc sống mới.
Vào cuối năm 2023, vụ việc người bố hành hung con gái, thậm chí cầm hai chân bé gái 3 tuổi ném ra đường khiến cháu bị rạn xương xảy ra ở xã Phú Lâm (nay là phường Trúc Lâm) cũng từng khiến dư luận bức xúc. Đáng nói, vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh nêu trên. Thời điểm đó, cơ quan công an đã vào cuộc, xác minh, và người bố bị khởi tố về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Từ những vụ việc thực tế cho thấy, bạo lực gia đình vẫn luôn âm thầm xảy ra, không phân biệt khu vực, văn hóa, thu nhập, mức sống, tuổi tác, địa vị, mối quan hệ... Đáng nói, bạo lực gia đình âm thầm gây tổn thương cho nhiều người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.
Số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, riêng trong năm 2023, 2024 toàn tỉnh có 1.165 hộ gia đình xảy ra bạo lực với 1.212 vụ bạo lực gia đình được phát hiện (714 vụ bạo lực tinh thần; 265 vụ bạo lực thân thể; 153 vụ bạo lực kinh tế; 80 vụ bạo lực tình dục). Các cơ quan, đơn vị chức năng đã xử lý kịp thời các đối tượng gây bạo lực, trong đó góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với 164 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 25 trường hợp, đặc biệt có 14 trường hợp bị xử lý hình sự.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phòng chống hiệu quả
Triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các cấp, ngành trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động về công tác gia đình. Hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo; đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Các địa phương đã quan tâm, nắm bắt tình hình và việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tuyên truyền cho Nhân dân chấp hành tốt hương ước, quy ước tại thôn, bản, tổ dân phố; hòa giải, xử lý các vụ vi phạm về bạo lực gia đình ngay từ cơ sở. Thực hiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người bị bạo lực gia đình; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vi phạm về bạo lực gia đình; tư vấn, tuyên truyền, giáo dục, góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình.
Đặc biệt, các địa phương đã thực hiện lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống gia đình, từ đó góp phần hạn chế bạo lực gia đình do nguyên nhân khó khăn về kinh tế. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt cho công tác giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực gia đình. Một số vụ việc đã được đưa ra hòa giải thành công tại cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ khi triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gắn với thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã giảm so với những năm trước đây. Song, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra.
Để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả hơn, mỗi cá nhân cần phát huy vai trò của mình, đồng hành với xã hội để lên án, xử lý đúng theo quy định của pháp luật các trường hợp bạo lực gia đình. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, sử dụng mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, truyền thông qua các câu lạc bộ, tổ tự quản, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể... Đưa nội dung giáo dục về bình đẳng giới, kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết xung đột gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình vào các môn học trong nhà trường. Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở nắm vững pháp luật, có kỹ năng vận động, thuyết phục và am hiểu tập quán địa phương. Quan tâm kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Thiết lập các đường dây nóng tại cấp xã để tiếp nhận tin báo về hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho công an xã, tổ hòa giải ở cơ sở trong việc tiếp nhận, phân loại và xử lý thông tin và áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trach-nhiem-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-255247.htm