Tiếng loa an ninh, trật tự, an toàn giao thông
Mô hình Tiếng loa an ninh, trật tự, an toàn giao thông (ANTT, ATGT) của Công an huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An qua thời gian triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tuyên truyền rộng rãi đến người dân các xóm, ấp về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến ANTT, ATGT,...
Đổi mới hình thức tuyên truyền
Năm 2019, Công an huyện Vĩnh Hưng triển khai mô hình Tiếng loa ANTT, ATGT nhằm đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đưa công tác này đi vào chiều sâu, rộng khắp đến tận xóm, ấp cho mọi người dân thông hiểu, chấp hành nghiêm, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua thời gian thực hiện, mô hình mang lại những kết quả khả quan, các văn bản mới về công tác bảo đảm ANTT, ATGT được thông tin, tuyên truyền sâu, rộng đến người dân.
Về hình thức hoạt động, Công an huyện giao lực lượng Đoàn Thanh niên phối hợp Đội Xây dựng phong trào soạn thảo, trình Ban Chỉ huy Công an huyện phê duyệt, sau đó phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện thu âm, bảo đảm thời lượng tuyên truyền từ 10 - 15 phút cho mỗi lần phát trên xe lưu động. Nội dung truyền tải đến người dân: Những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ANTT, ATGT; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông. Công an huyện phát động người dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, ATGT, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tham gia giữ gìn ANTT,...
Mỗi tháng, Tiếng loa ANTT, ATGT phát 2 kỳ, mỗi kỳ 2 ngày, mỗi ngày phát lưu động tại 2 xã trên những tuyến giao thông liên xã, liên ấp và luân phiên phát rộng khắp trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện. Do có thể cơ động nhiều địa điểm, mô hình đã mang kiến thức pháp luật cần thiết đến với người dân tại những nơi mà hệ thống loa của địa phương chưa phát thanh tới. Ngoài ra, mô hình còn giúp người dân nắm được những thông tin cần thiết trong bất cứ thời gian nào, ngay cả khi đang lao động, sản xuất.
Ông Lê Văn Nhỏ (ấp Thái Quang, xã Thái Trị) cho biết: “Trước đây, do bận công việc đồng áng nên đôi khi không dự được những buổi tuyên truyền của địa phương. Qua hình thức tuyên truyền này, người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, từ đó hiểu và ý thức hơn trong việc tham gia và vận động người dân tham gia giữ gìn ANTT nơi mình sinh sống".
Thượng tá Lê Thanh Thủy - Trưởng Công an huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Thông qua mô hình, chúng tôi muốn tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kịp thời thông tin rộng rãi đến người dân về những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo đảm trật tự, ATGT, góp phần giữ gìn ANTT tại địa bàn”.
Phát huy hiệu quả mô hình
Thời gian qua, tình hình ANTT, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng cơ bản được giữ vững, ổn định. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi, các loại tội phạm như trộm cắp, buôn lậu hàng cấm, vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy,... và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và sức khỏe của người dân.
Theo đánh giá của Công an huyện Vĩnh Hưng, trong đó có nguyên nhân là kiến thức pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân tuy có thực hiện nhưng có lúc, có nơi chưa đi vào chiều sâu, chưa rộng khắp, còn mang nặng hình thức, hiệu quả mang lại chưa cao.
Từ khi triển khai mô hình cho đến nay, Công an huyện tổ chức phát gần 90 kỳ (gần 360 ngày), tại hơn 700 lượt xã, thị trấn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội. Qua đó, người dân tiếp thu và cùng thực hiện, giúp lực lượng công an kịp thời nắm tình hình, trấn áp tội phạm, kéo giảm các vụ việc liên quan đến ANTT, ATGT. So cùng kỳ năm 2021, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xảy ra 17/29 vụ việc, trong đó, xảy ra 11/13 vụ về trật tự xã hội, 5/10 vụ ma túy, 0/4 vụ về kinh tế, 1/2 vụ tai nạn giao thông.
Theo Thượng tá Lê Thanh Thủy, thời gian tới, Công an huyện tiếp tục duy trì, nâng chất mô hình để tuyên truyền sâu, rộng cho người dân thông hiểu các nội dung liên quan đến ANTT, ATGT, trong đó, tập trung tuyên truyền về tình hình và thủ đoạn của tội phạm trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển và mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy; băng nhóm cố ý gây thương tích và tình hình vi phạm giao thông để người dân tham gia cùng lực lượng công an trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo đảm ATGT trên địa bàn./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tieng-loa-an-ninh-trat-tu-an-toan-giao-thong-a142564.html