'Tiếng loa Biên phòng' phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã triển khai nhiều biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ngoài quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác hải sản đúng pháp luật. Tại Đồn Biên phòng Sa Huỳnh, mô hình 'Tiếng loa Biên phòng tuyên truyền chống khai thác IUU' đã góp phần làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản.
Ngư dân tích cực tham gia tuyên truyền
Hồi kẻng báo thức buổi sáng vừa xong, Trung úy Nguyễn Đức Thiện, Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sa Huỳnh vội vã chằng chiếc loa di động lên xe máy, chạy một mạch về hướng cảng cá Sa Huỳnh. Đưa tay mở công tắc nguồn, đâu đó trong chiếc loa, một giọng nam to, rõ phát ra: “Kính mời bà con ngư dân lắng nghe chương trình tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Đồn Biên phòng Sa Huỳnh...".
Sau lời chào mời, nội dung các văn bản khai thác, đánh bắt hải sản “sát sườn” với quyền lợi của ngư dân được người lính Biên phòng trích dẫn, phát sóng âm vang khắp cảng. Thi thoảng, Trung úy Thiện nhẹ nhàng điều chỉnh nút volume để âm thanh tuyên truyền không bị lấn át bởi tiếng bà con nơi đây đang mua bán, trao đổi hàng hóa.
Cứ như thế, hơn 3 tháng nay, mỗi sáng ra cảng, người dân lại thấy Trung úy Thiện đều đặn mở loa, đứng chờ. Và chuyện “Tiếng loa Biên phòng tuyên truyền chống khai thác IUU” được người dân rỉ tai, lan truyền. Tàu thuyền ngoài biển, người lao động trong khu dân cư “theo” tiếng loa về cảng cá Sa Huỳnh đông hơn. Họ vào cảng làm ăn, mưu sinh và được nghe BĐBP phổ biến các kiến thức pháp luật.
“Tiếng loa Biên phòng thật sự hữu ích với bà con ven biển” - chị Võ Thị Hồng Hải (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) khẳng định. Chị Hải cho biết, buôn bán ở cảng cá, ngày nào chị cũng nghe BĐBP tuyên truyền. Lúc đầu nghe chỉ vì tò mò, nhưng càng nghe, chị càng thông hiểu pháp luật, trong đó có những lỗi vi phạm mà trước đây, chồng chị (chủ tàu đánh bắt xa bờ) thường hay mắc phải. Sau ngày lao động, chị Hải về nhà trao đổi lại cho chồng nghe những gì mình nắm được từ BĐBP.
Từ một chủ tàu vi phạm, bị cơ quan chức năng xử lý, chồng chị trở thành ngư dân gương mẫu. Giọng chị Hải khảng khái: "Chồng mình đi làm ở ngoài biển làm sao ổng biết BĐBP nói gì. Mình làm ở đây, nghe cái loa “kẹo kéo” phát nhiều lần rồi mình cũng nhớ. Mình điện thoại nói với ổng, không đánh bắt vùng biển nước ngoài, mua máy giám sát hành trình cho tàu và giấy tờ phải đầy đủ theo quy định. Mình nói sao, chồng làm vậy. Giờ, tàu cá của gia đình mình không còn bị phạt nữa".
Trong lúc hệ thống loa truyền thanh của địa phương chưa “tỏa sóng”, thì mô hình phổ biến pháp luật lưu động của Đồn Biên phòng Sa Huỳnh phát huy khá hiệu quả. Thường trực ở cảng cá và di chuyển qua các bến bãi, khu dân cư, "Tếng loa Biên phòng" như nhịp cầu kết nối chủ trương của Trung ương, địa phương và các cơ quan chức năng về chống khai thác IUU đến với ngư dân; thông tin cho họ biết chế tài xử phạt của các nước có biển tiếp giáp. Đặc biệt, nhắc nhớ chủ tàu, thuyền trưởng chuẩn bị đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang bị trước khi vươn khơi, bám biển.
Hướng về chiếc tàu đang cập cảng, Đại úy Lê Quang Đạo, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sa Huỳnh chia sẻ: Từ bao đời nay, ngư dân Sa Huỳnh vẫn giữ nghề đánh bắt giã cào. Khi nguồn hải sản bị cạn kiệt, nghề “cào kéo” gặp khó thì ngư dân cũng “bỏ mặc” việc đăng ký, đăng kiểm, gia hạn giấy phép khai thác. Biển “nghèo”, kinh tế eo hẹp, mưu sinh trên sóng, nhưng bà con cũng chỉ có tấm lưới, con thuyền mà chẳng trang bị gì cho phương tiện của mình. Chúng tôi muốn sử dụng biện pháp tuyên truyền để thay đổi tư duy và lối làm ăn tự do, tự phát.
“Hơn 3 tháng thức khuya, dậy sớm “cắm loa” ở cảng cá tuyên truyền, bà con tiếp thu khá nhiều vấn đề do đơn vị cung cấp. Cụ thể ở đây là ý thức chấp hành của ngư dân chuyển biến rõ rệt. Tàu thuyền xuất bến đều đầy đủ giấy tờ, trang bị” - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sa Huỳnh cho biết.
Sa Huỳnh từng là “điểm nóng” về đánh bắt sai vùng, trái tuyến ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đến nay, tỷ lệ tàu vi phạm đã giảm đến mức thấp nhất. Ông Đỗ Văn Chút, thuyền trưởng tàu cá QNg98065TS chia sẻ: “BĐBP kiểm tra chặt chẽ, nhưng ngư dân đi làm cũng không thiếu sót. Tàu do tôi chỉ huy luôn tuân theo những quy định của Nhà nước, đánh bắt có giấy phép, nhật ký khai thác cũng được ghi chép chỉn chu”.
Đồng hành cùng địa phương phát triển nghề cá bền vững
Quyết tâm chống khai thác IUU của BĐBP Quảng Ngãi được thấy rõ qua kết quả triển khai thực thi các nhiệm vụ, giải pháp. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng triệt phá đường dây môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, BĐBP Quảng Ngãi tổ chức tuần tra trên bộ, trên biển được gần 300 lượt. Kiểm tra, kiểm soát trên 10.000 lượt tàu cá, gần 69.000 lượt ngư dân; lập hồ sơ xử phạt và tham mưu cho chính quyền địa phương xử phạt hành chính 41 trường hợp vi phạm về ngắt thiết bị giám sát hành trình; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ...
Trung tá Đỗ Tài Năng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Ngãi chia sẻ, chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, BĐBP Quảng Ngãi đã điều 7 lượt tàu, 50 cán bộ, chiến sĩ thực hiện 3 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển. Qua đó, đã phát hiện hàng chục phương tiện nghề cá hoạt động trên vùng nước nội thủy và lãnh hải của tỉnh Quảng Ngãi có dấu hiệu hành nghề sai vùng, đánh bắt sai tuyến.
“Qua tuần tra, chúng tôi đã phát hiện 11 tàu cá không đảm bảo các loại giấy tờ theo quy định, hoạt động sai vùng khai thác. Đặc biệt, phát hiện 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định ra vùng biển tỉnh Quảng Ngãi khai thác. Chúng tôi đã bàn giao các vụ việc cho các đồn Biên phòng điều tra, xác minh và tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện (thành phố) xử lý nghiêm minh” - Trung tá Đỗ Tài Năng cho biết.
Vì sự phát triển nghề cá bền vững, BĐBP Quảng Ngãi luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương tuyên truyền ngư dân thay đổi thói quen khai thác tự phát; vận động bà con vừa đánh bắt, vừa tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chung tay gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu.