Tiếng nói cử tri |Số 36|: Quy hoạch 'treo' bao giờ thôi nhức nhối?
Dự án 'treo', chậm tiến độ, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư chưa thỏa đáng. Thậm chí đã được tái định cư nhưng hàng trục năm vẫn không được cấp sổ đỏ hiện đang trở thành một 'vấn nạn' khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, làm nham nhở bộ mặt đô thị và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân sống trong vùng quy hoạch cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Hậu quả thì đã rõ, nhưng câu chuyện xử lý các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ vẫn đang là vấn đề nan giải nhiều năm nay. Chính điều này đã gây bức xúc trong dân của nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian vừa qua.
Hơn 130 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch dự án khu đô thị mới tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông gửi đơn tới Chương trình “ Tiếng nói cử tri” của THQH Việt Nam phản ánh về việc dự án này kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân khiến cho họ rơi vào cảnh đi không được, ở lại cũng chẳng xong.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng các dự án xin cấp phép đầu tư nhưng chỉ đầu tư nhỏ giọt hoặc bỏ hoang. Mới đây UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các cơ quan lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để triển khai nhưng không đưa vào sử dụng, bỏ hoang, để dân lấn chiếm đất. Sau khi thanh tra, nếu dự án nào có sai phạm sẽ chấn chỉnh, nếu không khắc phục sẽ kiên quyết thu hồi. Người dân hi vọng rằng, sau quyết định mạnh tay này sẽ không còn tồn tại những dự án treo làm khổ người dân như thời gian vừa qua.
Còn tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam, hiện đang phổ biến tình trạng người dân sẵn sàng hiến hàng nghìn mét đất để làm các dự án, xây dựng trung tâm hành chính. Tuy nhiên công tác đền bù rất chậm hoặc không thỏa đáng, việc đo đạc, xác định diện tích còn nhiều sai sót khiến người dân bức xúc kéo dài.
Đã có khoảng 11,6 triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó, nhóm ý kiến về thu hồi đất, trưng dụng đất nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Thu hồi đất là một trong những vấn đề cốt lõi trong lần sửa luật này, bởi hai lý do. Một mặt, việc thu hồi đất và không đền bù thỏa đáng là nguồn cơn lớn nhất của tranh chấp đất đai, tích tụ nhiều bức xúc và bất ổn xã hội. Hi vọng thời gian tới, sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua sẽ phần nào chấm dứt được những bất cập mà người dân Quảng Nam đang gặp phải như chương trình đề cập.
Mời quý vị theo dõi nội dung chương trình!
Trần Tiến