Tiếng nói lịch sử ủng hộ tuyển Việt Nam
Trong lịch sử các kỳ AFF Cup và tiền thân là Tiger Cup, đã 2 lần có 4 đội cùng vào bán kết là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia. Trong cả 2 lần đó, tuyển Việt Nam đều vào bán kết với vị trí nhì bảng và thẳng tiến đến trận chung kết của giải. Hy vọng rằng, điều đó sẽ được lặp một lần nữa tại AFF Cup 2020.
Chắc hẳn đến bây giờ, vẫn còn nhiều người hâm mộ bóng đá nước nhà nhớ đến Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup), giải đấu mà 4 đội là chủ nhà Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Indonesia giành quyền vào bán kết. Chủ nhà Việt Nam kết thúc vòng bảng ở vị trí nhì bảng và đụng độ Thái Lan ở bán kết, trong khi Singapore đối đầu Indonesia.
Thời điểm đó, Thái Lan rất mạnh và được đánh giá cao hơn nhiều tuyển Việt Nam, thế nhưng cơn địa chấn đã xảy ra trên sân Hàng đẫy. Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hồng Sơn, Văn Sỹ Hùng đã thay nhau bắn phá giúp tuyển Việt Nam thắng đậm Thái Lan 3-0.
Cho đến bây giờ, đó cũng là trận đấu thắng đậm nhất của tuyển Việt Nam trước Thái Lan. Sau địa chấn trước Thái Lan, các tuyển thủ Việt Nam tràn đầy hưng phấn để có lần đầu tiên lên đỉnh khu vực, thế nhưng cái lưng của Sasikumar đã phá hỏng giấc mơ của tuyển Việt Nam.
10 năm sau, tại AFF Cup 2008, cả Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều vào bán kết. Chỉ khác là Singapore gặp Việt Nam ở bán kết, còn Indonesia chạm trán Thái Lan. Lúc đó, Singapore đang là đương kim vô địch của giải và được đánh giá cao hơn Việt Nam. Thế nhưng một lần nữa, tuyển Việt Nam gây bất ngờ khi đánh bại Singapore 1-0 trong trận bán kết lượt về (hòa ở lượt đi) để tiến vào chung kết gặp Thái Lan.
Trong trận chung kết đáng nhớ đó, tuyển Việt Nam tiếp tục làm nên bất ngờ khi đánh bại Thái Lan 2-1 ở trận chung kết lượt đi trên sân Rajamanagala. Đến trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình, pha đánh đầu kinh điển của Công Vinh ở phút bù giờ hiệp 2 đã khiến sân Mỹ Đình dường như nổ tung, vì không những là bàn gỡ hòa 1-1 mà nó còn giúp tuyển Việt Nam có lần đầu tiên trong lịch sử vô địch AFF Cup.
Điểm đặc biệt trong 2 kỳ AFF Cup kể trên là tuyển Việt Nam đều vào bán kết với vị trí nhì bảng và tại AFF Cup 2020 cũng vậy. Đó như một cái duyên và sự sắp đặt của định mệnh, khi tại mùa giải năm nay, thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-seo dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể giành ngôi đầu bảng B, qua đó gặp Thái Lan ở bán kết. Chính trận bán kết "siêu kinh điển" giữa Việt Nam và Thái Lan này đã gợi lại cho người hâm mộ về kỳ Tiger Cup 1998 đáng nhớ đó.
Xét về chiều sâu lực lượng, thể lực cũng như giá trị đội hình thì Thái Lan đều nhỉnh hơn Việt Nam do có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài cũng như được nghỉ nhiều ngày hơn. Thế nhưng, nhờ được trui rèn ở vòng loại World Cup thứ 3 World Cup 2022, được đá với các đội bóng có đẳng cấp hàng đầu châu lục với các lối chơi khác nhau.
Từ khả năng ban bật, phối hợp nhỏ nhanh ở trung lộ như Nhật Bản, Trung Quốc rồi đến khả năng tổ chức tấn công biên, không chiến trong vòng cấm của Australia, Arabia Saudi hay Oman đã giúp cho thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-seo thu được nhiều bài học bổ ích và không bị động cho dù Thái Lan chơi thế nào đi nữa.
Nhờ kinh nghiệm, bản lĩnh đó, cùng với sự trở lại của Tiến Linh với cú đúp ở trận gặp Campuchia đã giúp người hâm mộ tự tin rằng, tuyển Việt Nam có đủ khả năng để vượt qua Thái Lan, thẳng tiến vào chung kết và nối dài câu chuyện lịch sử ở mỗi kỳ AFF Cup.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tieng-noi-lich-su-ung-ho-tuyen-viet-nam-134291.html