Tiếng nói từ 'người trong cuộc' 2K7 và những trăn trở, kỳ vọng của lứa học sinh sắp tới
Đằng sau những phân tích phổ điểm, những nhận định chuyên sâu về đề thi và chính sách, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 còn là câu chuyện về hàng triệu học sinh. Đó là những 'công dân kỷ nguyên số' đầu tiên trải nghiệm Chương trình GDPT 2018 và đối mặt với tác động của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.
Trong 3 kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu đến quý độc giả các góc nhìn về:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phép thử đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phổ điểm - phép thử năng lực và bài học cho từng môn
Kỳ 3: Thông tư 29: 'Cú hích' hay 'rào cản' cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025?
Để hiểu rõ hơn những cảm xúc và trải nghiệm chân thực trong hành trình đầy thử thách này, những tiếng lòng đã được lắng nghe từ các thí sinh vừa hoàn thành "phép thử" lớn, cùng những học sinh, phụ huynh của thế hệ 2K8 - những người sẽ tiếp bước vào kỳ thi lịch sử.
Hành trình 2K7: Thích nghi, bứt phá và đối mặt "phép thử kép"
Đỗ Thái Bình (học sinh lớp 12 Trường chuyên Khoa học tự nhiên), thí sinh thi khối B00 có nguyện vọng 1 vào ngành Y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội, đã có kết quả xuất sắc với Toán 10, Hóa 9,5, Sinh 9,5.
Thái Bình chia sẻ về kỳ thi năm nay: "Em nghĩ đề thi các môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt là Sinh học và Hóa học, không còn nặng phần tính toán mà đòi hỏi áp dụng linh hoạt lí thuyết vào giải quyết các bài tập tình huống. Chính cách học theo Chương trình GDPT 2018 đã rèn cho em khả năng tư duy logic, phản biện và chủ động tìm tòi ngay từ đầu, giúp em tự tin hơn với những dạng bài mới lạ".
Tuy nhiên, Bình cũng thừa nhận quá trình thích nghi không hề dễ dàng. "Ban đầu, chúng em khá lúng túng vì không còn những bài giảng "cầm tay chỉ việc" quá nhiều, vì chương trình thi năm đầu nên chính các thầy cô cũng có phần mông lung, không biết sẽ thi gì để có thể ôn sát, hiệu quả. Nhưng cũng chính vì vậy, các thầy cô luôn khuyến khích chúng em tự tìm tòi, thảo luận. Áp lực là phải chủ động hơn rất nhiều, nhưng chính điều đó đã rèn cho em khả năng tự học và giải quyết vấn đề", Bình tâm sự. Với Thái Bình, được học và thi theo chương trình mới là một cơ hội để phát triển toàn diện, song cũng đòi hỏi sự nỗ lực gấp đôi.

Sau những giờ phút căng thẳng, vòng tay yêu thương từ gia đình là nguồn động viên lớn nhất cho các sĩ tử. Ảnh: Tuấn Anh
Không phải học sinh nào cũng có khả năng tự học tốt và nhanh chóng thích nghi như Thái Bình. Đối với nhiều em, đặc biệt là những học sinh có học lực trung bình hoặc khá, việc thích nghi với chương trình mới đã khó, lại càng khó hơn khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm có hiệu lực.
Vũ Tiến An, một học sinh đạt 22 điểm khối A00, thừa nhận đã trải qua giai đoạn "hoang mang" vào cuối lớp 12. "Môn Toán năm nay đề phân hóa cao. Bình thường, nếu có chỗ nào không hiểu hoặc muốn luyện thêm dạng khó, chúng em sẽ tìm các lớp học thêm bên ngoài. Nhưng năm nay việc đó khó khăn hơn hẳn vì các quy định mới", Tiến An kể. "Thời gian đầu em khá lo lắng vì cảm thấy thiếu hụt, nhưng sau đó phải tự điều chỉnh phương pháp học, tập trung nghe giảng trên lớp hơn và tìm kiếm tài liệu từ thư viện, internet".
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng may mắn thích nghi và tự điều chỉnh được như Tiến An, một thí sinh giấu tên có kết quả chưa như mong đợi với tổng điểm khối D01 chỉ đạt 19 điểm bày tỏ sự tiếc nuối. "Môn Toán và Tiếng Anh năm nay đề khá khó. Em thường đi học thêm để củng cố. Khi Thông tư 29 ra, em không còn tìm được lớp phù hợp. Dù đã cố gắng tự học và hỏi thầy cô trên lớp, nhưng kiến thức vẫn không đủ để làm bài tốt". Thí sinh này cho rằng, với những học sinh chưa thực sự chủ động và cần được chỉ dẫn cặn kẽ nhiều hơn, việc cắt giảm dạy thêm mà không có sự hỗ trợ đủ mạnh, đủ kịp thời từ nhà trường có thể gây ra những khoảng trống kiến thức.
Lứa học sinh sắp tới – Trăn trở và kỳ vọng nối tiếp
Kết quả và những câu chuyện từ kỳ thi của lứa 2K7 không khỏi khiến phụ huynh và học sinh 2K8 - những người sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2026 thêm phần lo lắng và trăn trở.
Chị Đỗ Hà Phương (phường Hồng Bàng, Hải Phòng), mẹ của một học sinh lớp 11 (2K8) chia sẻ: "Tôi vừa mừng cho các cháu 2K7 vượt qua được kỳ thi, nhưng cũng không khỏi lo cho con mình. Cháu năm nay sẽ lên lớp 12 và đối mặt với kỳ thi tương tự. Chúng tôi thấy đề thi khó hơn, đòi hỏi tư duy nhiều hơn, trong đó việc học thêm bên ngoài lại bị siết chặt. Tôi rất mong có thêm những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn nữa về cách ôn luyện, các dạng đề, và đặc biệt là tăng cường các hoạt động hỗ trợ học tập trong nhà trường để phụ huynh như chúng tôi an tâm hơn".
Hoàng Bảo Lam (học sinh lớp 11 tại Hà Nội), người sẽ lên lớp 12 vào năm học tới bày tỏ sự lo lắng nhưng cũng đầy quyết tâm: "Sau khi thấy đề thi và phổ điểm của các anh chị 2K7, em và các bạn cũng thấy áp lực hơn. Đặc biệt là môn Toán, đề rất khó.
Vào năm học tới, chúng em sẽ bắt đầu thay đổi cách học, chủ động tự tìm hiểu tài liệu, luyện tập các dạng bài vận dụng nhiều hơn. Em cũng cố gắng hỏi thầy cô ngay trên lớp nếu có gì không hiểu, vì biết rằng không thể phụ thuộc nhiều vào các lớp học thêm nữa. Mặc dù lo lắng, nhưng chúng em cũng mong muốn chương trình mới sẽ giúp mình phát triển năng lực thực sự và chuẩn bị tốt hơn cho đại học và tương lai. Em cũng hy vọng đề thi năm tới "dễ thở" để chúng em vào được trường đại học mà mình mong muốn".
Những câu chuyện của Thái Bình, Tiến An cùng nỗi lo và hy vọng của chị Hà Phương và em Bảo Lam là đại diện cho những cung bậc trải nghiệm của các thế hệ học sinh và phụ huynh trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Rõ ràng, kỳ thi này không chỉ là một cuộc kiểm tra kiến thức, mà còn là hành trình rèn luyện bản lĩnh, khả năng thích nghi và tính tự chủ của các em. Dù có những khó khăn, thách thức ban đầu, nhưng chính những thay đổi này đã buộc học sinh phải thoát ly khỏi lối học thụ động, tìm tòi và khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân. Đây là một bước chuyển mình cần thiết, không chỉ cho kết quả của một kỳ thi, mà còn cho cả hành trình trưởng thành và phát triển của những công dân tương lai.
Tiếng lòng của "người trong cuộc" chính là những dữ liệu sống động, những bài học quý giá, giúp ngành giáo dục tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện để Chương trình GDPT 2018 thực sự phát huy hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho các thế hệ học sinh tiếp theo.