Tiếng rao chum ngày giãn cách

Sự thanh bình sẽ trở lại với mọi làng quê, phố phường vào một ngày phía trước, không xa khi Covid bị đẩy lùi, bằng cả chính những tiếng rao chum bình dị như này.

Chỉ là tình cờ ngày Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, sáng 24/7/2021 tôi không có mặt ở nhà. Trước đấy tôi có chuyến dã ngoại về ngoại thành nằm ở một nhà vườn của bạn để viết cho yên tĩnh. Cái thú về quê, đi núi, ra biển dài ngày sáng tác đã thành nếp trong tôi nhiều năm.

Ngày thứ hai thực hiện Chỉ thị 16, từ sáng sớm trong làng, ngoài ngõ đã vang tiếng loa truyền thanh công cộng đọc chỉ thị giãn cách của thành phố. Việc tuyên truyền này được phát đi phát lại cả ngày. Từ rất sớm tiếng loa đã vang vang. Bỗng tôi phát hiện lẫn trong tiếng loa là tiếng rao bán chum bằng loa pin. Chum đê, chum đê, chum đựng thóc, chum chứa rượu, chum làm tương, chum đựng nước, sạch, tốt, bền, rẻ uy tín, chum đê, chum đê. Tôi ra cổng, anh bán chum cứng tuổi khẩu trang sùm sụp và chiếc xe máy chở đến mấy cái chum các kiểu.

Làng quê Sóc Sơn ngày Hà Nội cách ly

Làng quê Sóc Sơn ngày Hà Nội cách ly

Làng quê có nhà vườn bạn tôi thuộc huyện Sóc Sơn. Làng gần quốc lộ nhưng nét chân quê còn nguyên vẹn. Dường như cuộc sống thị thành chỉ có thể chen nổi vào ngôi làng xưa cũ này bằng những ngôi nhà và tiện nghi đời mới. Đường làng hiển nhiên đã bê tông hóa nhưng chợ làng vẫn vậy. Thích lắm, chợ quê bao giờ cũng là niềm hứng khởi của những người ở phố. Tươi ngon đa dạng và giá rất rẻ. Không rẻ đúng giá không thể tồn tại với người làng.

Tin giãn cách theo Chỉ thị 16 không có gì bất ngờ bởi Hà Nội đang ở tình trạng giãn cách theo Chỉ thị 15+. Không bất ngờ vì con số những ca nhiễm ngoài cộng đồng ở Hà Nội đang ở mức tăng mỗi ngày. Nếu không giãn cách triệt để thì bài học ở các thành phố khác đang nhãn tiền với những gì xảy ra bằng những ca nhiễm nhiều con số.

Đã qua vài đợt Hà Nội thực hiện giãn cách tôi quá hiểu và có không ít kinh nghiệm. Chỗ này phải nói thêm, người Hà Nội thực hiện giãn cách có phần chủ quan nếu không có những biện pháp cứng rắn của hệ thống chính quyền.

Dân phố Hà Nội có thói quen ăn sáng, cà phê dềnh dàng thư giãn nhất là vào cuối tuần. Khi lệnh giãn cách nghĩa là hàng quán đóng cửa không nhận khách, chỉ được bán mang về (theo Chỉ thị 15) thì nói thật khách hàng quen có nhu cầu vẫn được thỏa mãn phần nào bởi cách ăn uống kiểu du kích. Khách vip ruột vẫn có cà phê uống trong góc quán kín đáo, cửa đã được hạ.

Người lạ muốn thưởng thức cà phê chui kiểu này chịu chết chẳng có. Nhưng đến đợt giãn cách này có lẽ chính quyền đã rút ra được kinh nghiệm và người dân cũng đã thấy tiềm tàng sự nguy hiểm chết người của biến thế virut mới nên chắc những cảnh tôi vừa nói sẽ được chấm dứt hoặc hạn chế tối đa. Bằng chứng là những hình ảnh xử phạt vi phạm ngày đầu tiên được chiếu trên ti vi cho thấy sự quyết liệt của cả hệ thống kiên quyết chống dịch.

Làng quê tôi đang tá túc, tôi có cảm giác nhịp sống không mấy thay đổi. Nghĩa là vẫn vắng lặng như mọi khi. Ngoài đường luôn có ít người đi lại. Thi thoảng xe máy và cả ô tô xuất hiện nhưng không nhiều. Không có công an, dân phòng đi lại như ở phố. Đầu, cuối đường vào làng cũng không hề có barie rào chắn hay vọng gác kiểm soát người ra vào.

 Chợ làng vẫn họp vào buổi sáng và chiều muộn nhưng người dân giữ khoảng cách

Chợ làng vẫn họp vào buổi sáng và chiều muộn nhưng người dân giữ khoảng cách

Bạn tôi là một luật sư bảo, nom thế thôi nhưng mọi động thái trong làng chính quyền và bản thân người dân đều nắm rất vững. Ai đi, ai đến, ai ở họ nắm được hết. Như tôi ở ngót nghét hai tuần lễ thì dân phố chợ ở làng đều đã thuộc mặt biết tên và quan trọng nhất bạn tôi đã đăng ký với trưởng thôn. Đăng ký cũng theo kiểu làng xóm bằng miệng đại loại, tôi có anh bạn nhà văn như này như này về ở sáng tác nhé. Cách quản lý kiểu làng tưởng lỏng lẻo hóa ra cực kỳ chặt chẽ. Điểm này thằng tôi vô cùng phục.

Giãn cách Chỉ thị 16 ở làng chỉ nhận ra ở cách thức tuyên truyền và thực hiện của người dân. Các xe hàng rong, các quầy hàng đều có các khẩu hiệu chống dịch. Người dân từ già đến trẻ ra đường có thể không đội mũ bảo hiểm đi xe máy nhưng triệt để đeo khẩu trang. Tôi chưa hề nhìn thấy một ai để mặt trần. Hỏi thì được trả lời, đấy là ý thức người dân tự bảo vệ mình và chấp hành quy định chống dịch. Ai ngang bướng không chấp hành nếu gặp chính quyền tất nhiên sẽ bị phạt thẳng cánh.

Hai ngày, tôi đều đạp xe đi khắp làng tìm hiểu sinh hoạt người dân có gì thay đổi. Hoàn toàn bình lặng. Có ngôi nhà xây dựng dở đã dừng lại công trình theo quy định. Các cửa hàng, cửa hiệu thiết yếu đều mở. Ở làng kể cả ngày thường cũng không có quán ăn, cà phê. Chợ làng vẫn nhộn nhịp vào buổi sáng và chiều muộn. Nhưng rõ ràng người dân chấp hành tốt việc giữ khoảng cách. Có lẽ tôi không được chứng kiến sự điều chỉnh của hệ thống chính quyền với những hộ buôn bán và người dân nên cứ đánh giá cao sự tự giác của mọi người.

Trở lại với tiếng rao bán chum. Tôi hỏi anh đi thế này không bị chặn lại kiểm tra xử phạt hay sao, vì chum đâu phải mặt hàng thiết yếu trong danh mục. Câu trả lời của người bán chum khiến tôi bất ngờ. Không ai hỏi tôi đâu vì tôi người làng, mấy chục năm nay bán chum rồi còn thiết yếu, nông dân chúng tôi cái gì cũng là thiết yếu cả khi nó liên quan đến cái ăn cái mặc anh ạ. Dịch dã gì thì vẫn phải dùng chum nếu có nhu cầu.

Tôi nhìn theo người bán chum. Tiếng rao bằng loa pin vang lên lọt thỏm giữa bốn bề âm thanh loa truyền thanh công cộng, chum đê, chum đê… bỗng dưng gieo vào tôi, dâng lên cảm giác thanh bình, rất thanh bình. Cuộc sống vẫn đang tiếp tục nhịp điệu của nó. Giây phút ấy tôi chợt quên đi dịch dã những ngày căng thẳng. Phải rồi, sự thanh bình sẽ trở lại với mọi làng quê, phố phường vào một ngày phía trước, không xa khi Covid bị đẩy lùi, bằng cả chính những tiếng rao chum bình dị như này. Nói thế liệu có lãng mạn quá không.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ngay-thu-2-ha-noi-cach-ly-tieng-rao-chum-ngay-gian-cach-759499.html