Tiếng rao lảnh lót phố vui
Phố Quang Trung là một trong những phố điển hình mang nét văn hóa Hà Nội. Hàng cây sấu, xà cừ trên hè luôn là nơi ẩn nấp trong trò chơi trốn tìm tuổi thơ. Dọc phố, nhiều ngôi nhà cổ luôn lấp lánh ánh nắng vàng ruộm bên giàn hoa angtigon màu hồng. Cứ đông về, mưa rét chúng tôi thường nấp dưới những mái nhà ấy và lắng nghe tiếng đàn dương cầm thánh thót trong mưa bay. Những người kéo xe đi ngược chiều gió cùng vành nón lật nghiêng choàng trên vai ướt sũng.
Em thả trăng soi hồ liễu
Đường phố Quang Trung rộng tới 15m, được nối từ ngã tư Trần Nhân Tông tới ngã ba Nhà Chung, dài 900m (thuộc hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng - Hà Nội). Cuối phố là quảng trường Thiền Quang có cụm tượng CAND mới được dựng rất đẹp và hoành tráng. Đó là biểu tượng cho một đô thị mang danh hiệu Thành phố vì hòa bình do UNESCO tôn vinh (năm 1999).
Tôi đã từng theo bố trông thuê hồ cá hồ Thiền Quang. Ông kể, gốc tên hồ là Liên Thủy thuộc thôn Liên Thủy, huyện Thọ Xương cũ. Sau khi hồ bị lấp ba bề bốn bên để xây phố mới, phần hồ còn lại gần với thôn Thiền Quang nên được chọn đặt tên. Nhà ông chủ hồ cá ở phố Trần Quốc Toản (thôn Liên Thùy cũ) cũng được xây trên phần đất lấp hồ. Do vậy phần đường phố Quang Trung kéo dài từ Trần Quốc Toản tới Trần Nhân Tông cũng là đất lấp hồ mà thành.
Có lần con trai ông chủ cứ đòi theo bố tôi ra hồ Ha-le (Halais-tên hồ thời Pháp thuộc). Cậu chủ đội mũ phớt và đeo kính trắng luôn miệng đọc thơ. Tôi biết cậu đang thất tình nên đi đâu cũng quên đường về. Hoàng hôn vừa buông xuống, cậu chủ ngắm mảnh trăng lưỡi liềm hiện trên nền trời trong veo rồi lẩm nhẩm đọc thầm. Tôi đòi cậu đọc cho nghe những câu thơ mới làm. Cậu khoái chí nhìn tôi với đôi mắt cận lòi như hai hòn bi ve. Bất chợt cậu hắng giọng rồi cất tiếng ngâm: “Em thả diều trăng soi hồ liễu/ Buộc hồn tôi căng vút sợi tình/ Mây trôi…tan… bão gầm, gió réo/ Còn lại sáo ru mộng giấc xanh”. Sau nghe nói, cậu bắt chước nhà thơ Lý Bạch gieo mình xuống hồ Thiền Quang vớt trăng mấy lần suýt chết đuối.
Trên phố, tôi nhớ nhất Trường Tiểu học Quang Trung (số nhà 39) được xây cùng thời với những ngôi biệt thự, từ năm 1920. Mới đầu, dân phố vẫn gọi là Trường Hàng Kèn, vì nằm ở góc ngã tư Quang Trung và Trần Quốc Toản (gọi là phố Hàng Kèn xưa). Sau năm 1945, trường đổi tên là Tiểu học Quang Trung. Mới đây, trường đã được xây dựng khang trang với tiêu chuẩn quốc gia. Đối diện bên đường, dãy nhà số chẵn đều là những công sở và biệt thự lớn.
Nhưng có lẽ đáng kể nhất là Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật ở số nhà 24 Quang Trung (thành lập năm 1945). Cho dù hiện nay, cơ quan này đã được chuyển về 12/88 Duy Tân, Cầu Giấy, nhưng địa chỉ số 24 Quang Trung đã trở thành Nhà sách Sự thật (từ năm 2015). Đây là địa chỉ văn hóa độc đáo nhất trên phố Quang Trung với những góc đọc sách đẹp, yên tĩnh. Kiến trúc nhà sách hiện đại và được xếp vào hàng thư viện có sức thu hút đông đảo bạn đọc. Mấy năm gần đây, phố Quang Trung càng lộng lẫy với các tòa nhà mới. Phố còn có Đại sứ quán nước ngoài đậm những dấu ấn kiến trúc bản địa cổ kính, tô điểm cho phố Quang Trung thật sự mới lạ.
Mùa thu lá bay
Có một ngôi nhà trên phố Quang Trung, tôi đoán chắc rất gắn bó với tuổi thơ của người dân Thủ đô Hà Nội. Đó chính là NXB Kim Đồng (số nhà 55), nơi đã ra hàng chục ngàn cuốn truyện thơ cho thiếu nhi trong suốt 68 năm qua. NXB Kim Đồng luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của bạn đọc nhỏ tuổi. NXB được thành lập theo sáng kiến của nhà văn Tô Hoài, tên của NXB kế thừa tên tủ sách Kim Đồng ra đời ở chiến khu Việt Bắc (1948).
Sự ra đời NXB Kim Đồng (1957) làm tiền đề cho sự ra đời những tác phẩm văn học thiếu nhi cùng những sách kể chuyện về đất nước, danh nhân, âm nhạc, mỹ thuật… rất phong phú. Hiện nay nhà sách Kim Đồng cũng được mở rộng tại đây và là nơi giao lưu trao đổi nhiều vấn đề về tương lai của thiếu nhi gắn bó với 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng. Nhà sách Kim Đồng nhìn sang hồ Thiền Quang với những hàng cây phượng đỏ cùng liễu ven hồ thơ mộng. Trên bờ hồ rộng rãi cũng là nơi những cụ già tập dưỡng sinh và dạo chơi vào những ngày hè nóng nực. Đây là trục đường gắn với con đường đi về các phố chợ như Trần Nhân Tông và Hai Bà Trưng.
Sớm sớm bốn mùa, những gánh hàng hoa thường đi qua phố Quang Trung vào chợ. Những lời rao trên phố luôn nuôi dưỡng những ký ức thân thương bao đời nay. Vì thế, phố Quang Trung càng có sức quyến rũ vào mùa thu lá bay. Gió hướng nam từ hồ Thiền Quang thổi về đem theo mùi hương hoa sữa thơm ngát. Đường phố bỗng trở nên huyền ảo với hình ảnh: “Lá vàng xao xác trên đường/ Gió đầy ngõ vắng vấn vương mắt người/ Tiếng rao lảnh lót phố vui/ Mở bung ô cửa một trời nắng soi”. (Chu Ngọc Viên).
Ngược lại với cuối phố, nơi luôn sầm uất thì đầu phố Quang Trung lại trầm lắng trong không gian của mặt sau Thư viện Quốc gia và nhà công sở. Nhưng nơi đây vẫn tồn tại hai ngôi nhà tập thể số 4A và số 5. Đây là hai khu nhà tồn tại từ những năm đầu giải phóng Thủ đô 1954 cho tới nay. Có lẽ bà con khu nhà tập thể số 5 không thể quên chuyến đi bộ xuyên Việt của nhà văn Hòa Vang (1946-2006) và nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (1958-2001), hồi năm 1993. Nhà văn Hòa Vang (tên chính Nguyễn Mạnh Hùng) sinh năm 1946 tại Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội. Gia đình ông ở số nhà 5 phố Quang Trung từ đầu thập niên 1960.
Chuyến đi xuyên Việt của hai người ngày đó được coi là một sự kiện đặc biệt trong làng văn chương. Ngôi nhà số 5 là nơi hai người chuẩn bị ý tưởng và hành trình đi bộ rất kỹ lưỡng. Cuối cùng, hai người đã chọn ngày cá tháng Tư (1/4/1993) khởi hành từ trụ sở Báo Văn nghệ (số 17 Trần Quốc Toản). Điều thú vị trong chuyến đi bộ này, nhà văn Hòa Vang đã về lại Quảng Trị nơi ông đã cầm súng chiến đấu (1972). Tại chiến trường gian khổ với bom đạn ngày đó, ông đã gặp một bà mẹ quê ở Hòa Vang (Đà Nẵng). Bà đã dành trọn cuộc đời cống hiến sức lực và tâm huyết cho công cuộc đánh Mỹ. Nhà văn rất cảm phục và đã lấy tên Hòa Vang làm bút danh từ đó.
Sau chuyến đi bộ xuyên Việt trở về, nhà văn Hòa Vang đã viết được những cuốn tiểu thuyết như: “Tại quỷ” (1993); “Hiện tượng Hveya” (1998); và “Năm tháng và mẹ” (2006). Nhưng thật bất ngờ, nhà văn Hòa Vang đột ngột qua đời vì bệnh hiểm nghèo.
Hương xuân về phố
Tòa cao ốc trang hoàng lộng lẫy chào mừng năm mới làm cho đường phố Quang Trung sôi động hẳn. Vườn hoa đầu phố cũng được giăng cờ và những khóm hoa cúc vàng nhú nụ. Một đoạn đầu phố nhìn sang vườn hoa xinh xắn nằm giữa ngã ba Quang Trung - Tràng Thi và Nhà Chung. Đây là nơi hội tụ những nhà báo cùng văn nghệ sĩ tới gặp gỡ tại quán cà phê Vân Yến. Đối diện vườn hoa bên phố Nhà Chung có Công ty in Báo Hà Nội mới, nơi tôi làm việc trước đó hàng chục năm. Vườn hoa đầu phố Quang Trung trở nên thân thiết với tôi cùng những người bạn tâm giao.
Lại nhớ mùa xuân năm ấy, tôi chờ họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm đưa tranh minh họa tới nhà in để kịp thời gian làm báo Tết. Hoàng Hồng Cẩm đưa tôi bức tranh với những hàng nước mắt còn vương lại sau cơn say bí tỉ. Anh đã vẽ trong cơn say ấy. Đó là bức tranh cành đào với sự run rẩy đầy cảm xúc từ trong nét vẽ và sắc màu dễ thương của anh. Mỗi bông hoa như một giọt lệ mừng xuân về. Khi đó đã 23 giờ đêm. Tôi cũng mừng phát khóc vì bức vẽ đã tới kịp giờ hẹn cuối cùng.
Chuyện ấy diễn ra cách đây gần 30 năm vào đúng cữ xuân về. Bởi khi đó cà phê Vân Yến, cũng như hôm nay, đã bật cái đĩa than với giọng hát Khánh Ly đầy mê hoặc ru tôi “Mùa xuân trên những mái nhà/ Có con chim hót tên là ái ân/ Sen hồng một nụ/ Em ngồi một thuở/ Một thuở yêu nhau” ("Đóa hoa vô thường" - Trịnh Công Sơn).
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tieng-rao-lanh-lot-pho-vui-i754739/