Tiếng rao nhắc nhớ nao lòng
Trưa hè vọng một tiếng rao/ Nhớ canh hến Thượng nôn nao muốn về. Đó là câu ca dao cửa miệng của người dân Xứ nghệ sống xa quê. Khi đi xa, những gì dù bình thường nhất được nhắc cũng sẽ khiến người ta nhớ đến nao lòng.
… Ngày nào cũng có chừng năm sáu người đàn bà, đàn ông đi qua lối phố nhỏ. Tôi biết khá rõ điều đó vì những tiếng rao. Đầu tiên, sáng sớm độ 6 giờ, là người phụ nữ. Tiếng rao đi trước chị ta chừng 20 bước: "Bún không? Ai bún đây!". Tôi thường mua bún của chị này ăn với mắm, bởi là sinh viên ở trọ nên món bún mắm là hợp lý nhất, vừa rẻ lại vừa no. Có lần chị bán bún hỏi tôi: "Em người xứ Nghệ à?". Tôi dạ! Và cũng biết chắc chắn chị ấy không phải là người gốc TP HCM vì giọng nói lờ lợ của xứ Quảng hay Phú Yên gì đó.
Chị vội vả rời đi, tiếng rao của chị mờ dần rồi mất hút. Không lâu sau đó là sự xuất hiện của người đàn ông: "Ai bánh bao đây"; tiếng rao có sử dụng công nghệ, phát ra từ loa nên rất đều và luôn rõ. Chừng mươi phút sau là người phụ nữ khác. Tiếng rao được phát ra từ phía chiếc xe máy tuềnh toàng của chị: "Ai bánh nậm, bánh chưng, bánh giò, chả lụa đây…".
Người phụ nữ này thường đến khu tôi ở trọ sau khi đã đi qua vài khu phố khác, tôi đoán vậy vì giọng rao nghe đã hơi đùng đục, khàn khàn. Có lần mua bánh nậm ăn cho mềm và dễ tiêu, tôi hỏi chị làm nghề này được bao năm rồi. Chị trả lời: Hơn 20 năm. Từ khi lấy chồng là bắt đầu nghề này để mưu sinh. Nay con chị đã học đại học năm 3. Và rất nhanh, chị cũng tự hào: "Con bé học rất giỏi, hy vọng nay mai đổi đời, giúp mẹ!...".
Tôi nhận thấy một điều ấm áp ở đây khi nói chuyện với những người bán hàng rong này bởi độ chính xác câu chuyện rất cao. Họ thổ lộ tình cảm rất mộc mạc, chân thành. Với họ, khi có tiền cũng mua được, không có tiền vẫn "mua trước, trả sau" một cách vô tư. Đôi lần tôi mua nợ vì không có tiền lẻ, vì chưa có "phụ cấp".
Đến khi có tiền trả, tôi hỏi mình nợ bao nhiêu thì nhận được những câu trả lời đại loại: "Chú ăn chú nhớ, còn chú quên thì thôi cũng được!" hay "Thôi đủ thiếu gì đâu em, chị tặng!". Tất nhiên tôi nhớ, mua hàng phải trả tiền sòng phẳng. Nhưng lòng tôi lâng lâng một niềm hạnh phúc vì trong cuộc sống đầy vất vả, khó khăn vẫn luôn tồn tại những tình cảm hết sức hồn hậu, trong sáng, tốt đẹp. Chiều và tối, tiếng rao bánh mì, hột vịt lộn, phở gánh… cứ thay phiên nhau nhẫn nại văng vẳng từng ngày, từng đêm trong ngõ phố.
Trong suốt mấy năm học ở đây, tiếng rao của những người lao động nghèo như là người bạn thân thiết, nhắc nhở tôi cố gắng học tập tốt hơn, đôi khi nhắc tôi hãy sống tốt hơn; và tôi thấy hình như mọi người đều có chung cảm nhận ấy. Nhiều tiếng rao nhưng đọng lại và sâu lắng trong tôi là những tiếng rao "mộc". Đầu buổi tiếng rao trong trẻo, dần về sau cứ đục khàn đi, như một sự nỗ lực vĩ đại và vĩnh cửu để vươn lên trong cuộc sống.
Tiếng rao "mộc" bỗng dâng làm tôi thêm đói, càng nhớ bánh, nhớ bún… à mà không, là nhớ tiếng rao xứ Nghệ. Tiếng rao làm tôi nhớ đến nao lòng: "Hến đơi… Ai hến đơi/ Nác ngọt rọt to/ Đoong đầy, bán rẻ/ Ai hến đơi….".
Tôi nhớ, hến sông La ngọt, chắc thịt, khi ăn rất thơm ngon và tươi. Hến sông La là đặc sản xứ Nghệ. Mùa hè, ăn cơm chan canh hến hay hến xào xúc bánh đa cực ngon mà dân gian vẫn lưu truyền từ ngàn xưa cho đến hôm nay. "Hến đơi!"… Thương nhớ vô vàn xứ Nghệ thân yêu.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/tieng-rao-nhac-nho-nao-long-20230722203309994.htm