Tiếng sáo của người thương binh
Trên con đường vắng giữa buổi trưa tháng Bảy vút lên một tiếng sáo.
Tôi cũng từ phương xa trở về. Chừng ấy năm đi biền biệt, những trải nghiệm, va vấp, thất bại… đã khiến tôi trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Cột mốc đánh dấu sự chững chạc và đầy trách nhiệm của tôi là khi tôi khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, chiếc nón đội trên đầu có hình ngôi sao lấp lánh.
Ngày còn bé, mỗi lần đi ngang qua con đường này, dù nắng hay mưa, đêm hay ngày, tôi cũng chạy vắt chân lên cổ. Đơn giản vì bên đường là nghĩa địa. Bọn con nít trong làng thường đồn đại về bóng trắng treo lơ lửng trên ngọn cây xù xòa trước nghĩa địa, về những đám lửa cháy lơ lửng trên không trung mỗi khi đêm về gần sáng...
Mẹ tôi nói:
- Có gì mà sợ. Ở đó là nghĩa trang liệt sĩ. Các ông, các chú, các bác, các anh bao bọc mình và đất nước chứ nhát gì mình đâu mà phải sợ?
Bởi vậy, mẹ tôi vẫn thường băng qua con đường ấy mỗi đêm. Có gì ngon lại đội nón lá bưng ra nghĩa trang, thắp hương, mẹ nói: “Cúng cho các liệt sĩ để thể hiện lòng biết ơn! Chúng ta sống trong hòa bình hôm nay đều nhờ vào họ cả!”.
*
Năm tháng dần trôi, tôi không còn thấy sợ nữa. Tôi giờ cũng đã là người lính, dù không phải đối mặt với bom đạn, với sinh tử như thời chiến, song tôi hiểu được nỗi vất vả của các chiến sĩ năm xưa. Tôi tự hứa với lòng sẽ đem hết trí tuệ, sức lực của mình để đóng góp cho đất nước.
Tôi ngồi nghỉ ở gốc cây, chỗ đám trẻ năm nào đồn đại có bóng trắng. Nghĩ lại, tôi cười. Có bóng trắng nào đâu, chỉ thấy cây hiền hòa trổ bóng ôm trùm lấy tôi, xua tan mệt mỏi. Tôi ngả nón ngồi đó dù biết mẹ tôi giờ này đang làm gà nấu cháo, thêm vài món quen đợi tôi về ăn.
Tiếng sáo vẫn vi vút trong không gian. Tôi nhận ra đó không phải gió thổi qua hàng cây hay gió từ bên kia đồi vọng lại mà là tiếng một người đang thổi sáo, với những cung bậc bổng trầm, lúc rớt mất đoạn cuối của giai điệu ngẫu hứng. Chắc người thổi hụt hơi.
Tôi đứng dậy, loay hoay tìm. Kia rồi, sau gốc cây chỗ tôi ngồi dựa lưng có một người đàn ông đang thổi sáo. Không muốn tiếng sáo ngưng lại cũng như niềm cảm hứng trong người đàn ông xa lạ kia bị cắt đứt, tôi đứng im quan sát. Người đàn ông trong chiếc áo lính đã cũ nhàu, tóc râm bạc đang ngồi nâng cây sáo trên đôi tay run run lên môi, hai mắt nhắm nghiền. Tôi đoán ông là cựu chiến binh lỡ đường, cũng như tôi, ông đang ngồi nghỉ chân nhân tiện thổi lên một giai điệu bất chợt.
*
Người đàn ông đã nhìn thấy tôi. Ông hạ cây sáo xuống. Gió mát. Bóng cây rung rinh sau một đợt gió từ bên kia đồi thổi qua. Tôi gật đầu chào ông, tất nhiên là ngả nón. Đó là là phép lịch sự mà mẹ đã dạy cho tôi từ khi tôi còn là đứa trẻ. Nụ cười hiện ra trên khuôn miệng méo xệch của ông.
- Chào cậu thanh niên! Cậu là bộ đội à? Đơn vị nào thế?
Tôi vui vẻ đáp lại. Ông nghe xong phì cười.
- Tốt lắm! Thế hệ trẻ các cậu cần phải cống hiến cho đất nước, cống hiến nhiều nữa là đằng khác. Cậu biết không, chúng tôi đã từng đánh đổi cả sinh mệnh của mình để có được hòa bình hôm nay đấy!
Tôi gật đầu. Thật ra thì trong những năm tháng được sống, tôi vẫn mang trong lòng niềm tri ân sâu sắc dành cho những người đã ngã xuống để chúng tôi có được ngày hôm nay. Mẹ sinh tôi ra trong cảnh thanh bình, tôi chỉ biết đến bom đạn chiến tranh qua phim tài liệu, qua sách sử, qua những câu chuyện chắp nối mẹ tôi kể mỗi khi đêm về, rằng “ba con hy sinh trong trận đánh năm…”, rằng “đã có những thế hệ đã quên mình vì Tổ quốc…”. Tôi chọn đi bộ đội thay vì học kinh tế, văn chương, nghệ thuật… cho thỏa khát khao như những đứa bạn cùng trang lứa. Mẹ ủng hộ quyết định của tôi.
- Bác từ đâu đến, trông bác không giống người làng này. Cháu ở đây, hôm nay được nghỉ phép, cháu về thăm mẹ và nấu mâm cơm cúng cho ba.
- Cậu đoán đúng rồi đấy, tôi không phải người làng này. Tôi từ xa đến. Chúng tôi có hẹn nhau ngày hăm bảy tháng Bảy hằng năm sẽ gặp nhau ở đây để hàn huyên, cậu ạ! Khổ lắm, già rồi nên mỗi lần gặp có nhiều điều để nói, có khi đến tối vẫn chưa xong.
Tôi hỏi tiếp:
- Thế đồng đội bác đâu hết rồi? Cháu thấy mỗi bác ở đây.
- Ở đó đó. - Người đàn ông vừa nói vừa chỉ về phía nghĩa trang bên kia đường, nơi có những nấm mồ nằm yên nhìn mưa nắng, nơi hương hồn liệt sĩ nhìn đất nước đổi thay từng ngày, từng giờ, nhìn thế hệ trẻ tiếp bước xây dựng quê hương.
Khoảnh khắc đó, tôi rùng mình. Tim đập mạnh trong lòng ngực. Và nước mắt ứa ra.
*
Đó là lời hẹn thề của người cựu chiến binh với đồng đội của ông thuở còn “Súng bên súng đầu sát bên đầu” (Chính Hữu), rằng sau này, nếu may mắn còn trở lại hoặc xót xa khi không thể quay về sau cuộc chiến thì mỗi năm, cứ đến ngày 27 tháng 7 sẽ trở lại đây để họp mặt đồng đội.
Người cựu chiến binh già khuôn mặt hiền từ, trên mặt lấm tấm những vết sẹo mà ông bảo là “huân chương chiến trận”.
- Tuổi trẻ của các cậu được đeo huân chương, lĩnh bằng khen thì hạnh phúc vô cùng! Thế nhưng, với chúng tôi, việc nhận huân chương, bằng khen không phải là niềm hạnh phúc đâu.
- Sao vậy ạ? - Tôi hỏi ông.
- Bởi, để đeo huân chương hay lĩnh bằng khen, chúng tôi đã phải trả giá bằng tuổi trẻ, máu và nước mắt, thậm chí là tính mạng. Cậu biết không, những người đồng đội của tôi nằm bên kia để lại nỗi đau cho gia đình và người thân. Nỗi đau đó thì huân chương, bằng khen hay bất cứ lời vinh danh nào bù đắp được?
Tôi im lặng, tự dưng thấy mình xấu hổ. Tôi xấu hổ vì mình đã từng lấy những thứ đó làm niềm tự hào, làm giá trị của tuổi trẻ mà không biết rằng chính sự cống hiến mới là điều đáng tự hào nhất.
Bằng một giọng trầm buồn của người đã từng trải qua rất nhiều đau thương, mất mát, chia lìa trong cuộc sống, người cựu chiến binh có tiếng sáo nức lòng kia đã kể cho tôi nghe về những người đồng đội, về trận chiến cuối cùng: “Năm đó, trước ngày xe tăng chuẩn bị tiến vào Dinh Độc Lập không lâu, chúng tôi phải đối mặt với trận đánh, gần như là cuối cùng. Trận đánh đó, không ít người đã hy sinh. Có những người khi nằm xuống trên chiến trường vẫn còn giữ nét hồn nhiên, tinh nghịch trên ánh mắt bờ môi. Có những người trạc tuổi cậu bây giờ, chưa biết hôn, chưa biết nắm tay một ai. Có những người còn ước ao đất nước thống nhất để trở về nhà tắm sông, làm ná bắn chim hay chơi sậm chơi sụi với lũ trẻ trong làng cho thỏa thích…”.
- Và có cả những người hay thổi sáo như tôi, như Huấn. Cuộc sống quân ngũ chúng tôi đem tiếng sáo ra làm niềm vui. Tôi nhớ Huấn đã hẹn tôi chừng nào nước nhà thống nhất, chúng tôi ngồi thổi sáo cho nhau nghe, thổi đến khi nào mặt trời lặn xuống núi, màn đêm buông… mới thôi. Vậy mà…
Giọng người đàn ông chùng xuống, sền sệt. Nỗi nghẹn ngào len lỏi trong tâm hồn của tôi.
Vậy mà người chiến sĩ tên Huấn đó cũng đã ra đi trong một chiều địch mở cuộc càn quét bất ngờ, đơn vị của ông không kịp trở tay. Trước lúc ra đi, người chiến sĩ ấy vẫn nắm chặt cây sáo trong tay. Máu túa ra bám vào cây sáo trúc… Người đàn ông kể vậy.
Càng xót đau, tôi càng thấy mình may mắn khi được mẹ sinh ra trong hòa bình. Nhưng trách nhiệm của thế hệ tôi là phải biết cha ông mình đã từng hy sinh anh dũng như thế để đem lại cho mình cuộc sống thanh bình hôm nay.
Người đàn ông lại nâng cây sáo lên môi, thổi. Tiếng sáo vi vút lưng trời. Tôi ngồi đó, nghe tiếng sáo. Giữa muôn vạn người quây quanh cũng đang nghe tiếng sáo như tôi. Tôi không nhìn rõ họ. Nhưng tôi biết họ cũng khoác lên mình màu áo xanh như tôi. Và trong tôi cũng có trái tim nhiệt huyết, quả cảm như họ. Dòng máu chảy trong người tôi là dòng máu của những người một lòng thủy chung với quê hương, sẵn sàng đứng lên, thậm chí hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước.
*
- Nào, cậu thanh niên, tôi với cậu cùng qua bên kia thăm đồng đội của tôi, được chứ?
Tôi gật đầu. Người cựu chiến binh cất cây sáo vào trong chiếc túi da cũng đã rất cũ kỹ. Tôi đỡ ông đứng dậy, tôi thấy ông sao giống ba tôi vô cùng, người đã hy sinh trong mùa xưa xa lắc…
Lúc bấy giờ tôi mới để ý thấy một cái chân của ông là chân giả. Thì ra chiến tranh không chỉ cướp đi của ông tuổi trẻ, những người đồng đội, khuôn mặt lành lặn mà còn cướp mất cái chân… Thấy tôi nhìn đăm đăm vào cái chân, mặt đỏ ửng, người đàn ông vỗ vai tôi - cái vỗ vai chắc chắn, như tin tưởng, như yêu thương.
- Đáng gì đâu! Tôi vẫn đi lại bình thường đó thôi. Khi nào tôi còn sống thì tiếng sáo của tôi còn vút lên. Huân không thổi sáo cùng tôi thì tôi thổi sáo một mình. Huân sẽ nghe được, phải không?
Người cựu chiến binh già lại nở một nụ cười. Mếu xệch.
Nắng trưa đứng bóng. Hai con người - một trẻ, một già, một đi trước, một nối tiếp… đang dìu nhau qua bên kia đường. Nơi đó có những nấm mồ được bố trí theo từng hàng, từng lối một cách nghiêm trang. Nơi đó là nơi yên nghỉ của những người đã cống hiến kiệt cùng cho quê hương đất nước…
Tháng 7 năm 2022
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202207/tieng-sao-cua-nguoi-thuong-binh-3127393/