Tiếng thét - một mã văn hóa...!
Hầu như trong nền văn hóa nào cũng xuất hiện biểu tượng âm thanh tiếng thét, dĩ nhiên có nhiều hơn trong văn chương. Không chỉ là âm thanh, tiếng thét là ký hiệu, là một mã văn hóa ký gửi trong đó những bản sắc rất riêng của từng thời đại, từng vùng miền, thậm chí từng cá nhân. Chỉ xin được khái lược những nét cơ bản, tiêu biểu.
Ấn Độ huyền bí và linh thiêng là một trong những cái nôi sớm nhất của văn minh nhân loại. Đó là một đại dương mênh mông của thần thoại, huyền thoại, thần tích... Chỉ riêng sử thi “Mahabharata” với độ dài bằng 7 “Iliad” và “Ôdyssey” cộng lại có nhân vật trung tâm là các dũng sĩ rất tiêu biểu cho cá tính, tâm hồn Ấn Độ vị tha, bao dung, hòa giải. Là sử thi nên thi pháp hành động luôn được coi là điểm nhấn của các màn giao đấu kiêu hùng dữ dội.
Trên chiến trường Kurukshetra cả thảy 18 ngày có hàng chục dũng sĩ đánh nhau đều theo “quy trình” thành công thức: Hành động tự giới thiệu (diện mạo, vũ khí); Hành động hạ nhục đối phương (tư thế, lời thách, lời rủa...); Hành động thị uy sức mạnh (tiếng thét, múa đao, kiếm, giương cung...). Trận đánh giữa dũng sĩ Arjuna và Bhima thì tiếng thét như một sự kích thích, như gáo dầu đổ vào ngọn lửa sắp tàn làm cho nó bùng lên ác liệt hơn.
Số là Arjuna thấm mệt muốn tháo lui thì Bhima kiêu hãnh với mình mẩy đỏ lòm những máu mà thét lên một tiếng đắc thắng làm cho Arjuna bừng tỉnh mà lao vào huyết chiến mạnh mẽ hơn. Chính vì thế sử thi “Mahabharata” rất chú ý đến việc miêu tả những cơn giận của các dũng sĩ. Cơn giận càng lớn, càng bị nén lại tiếng thét bật ra càng to. Cơn giận dữ được coi là động cơ để dẫn tới mục đích trả thù. Sự trả thù bằng cách chém giết lại là một sự kích thích mới cho những trận giao tranh mới. Cơn giận nọ là nguồn cơn của trận đánh kia dẫn tới một trận đánh khác để “rửa nhục”. Kiểu kết cấu dây chuyền, sự kiện nọ nối sự kiện kia kết thành bộ sử thi đồ sộ vĩ đại, đặc sắc này.
Đặc trưng của mỗi trận giao đấu là nhân vật nào hầu như cũng thét lên không chỉ thách thức, làm nhục đối thủ bằng xương bằng thịt, còn là thách thức, làm nhục thần thánh vì mỗi dũng sĩ thường có vị thần bảo trợ. Ví như trận đánh giữa Bhima và Jarasandha kéo dài 13 ngày, khi Jarasandha kiệt sức thì “Bhima nhấc bổng đối thủ lên, quay tít đến một trăm vòng, ném phịch y xuống đất, túm lấy cẳng tước người y làm hai rồi thét lên mừng rỡ”. Chỉ vì tiếng thét ấy mà ngay sau đó hai nửa thân của Jarasandha bỗng chập làm một rồi một Jarasandha mạnh mẽ hơn sừng sững trên chiến địa...
Như vậy âm thanh của tiếng thét góp phần làm ra sự vang vọng của tác phẩm, không chỉ theo nghĩa đen, tạo ra không khí chiến trận, mà còn theo nghĩa bóng, tiếng thét ấy vọng ra mọi chân trời văn hóa mang theo âm hưởng tinh thần Ấn Độ đến với thế giới! Thế nên Ấn Độ làm phim về “Mahabharata”, chọn diễn viên dũng sĩ, ngoài ngoại hình thì “tiếng thét” là một tiêu chí cơ bản!
Không chỉ có ở “Mahabharata” mà hầu như ở mọi bộ sử thi đều có thi pháp âm thanh này. Với “Iliad” và “Ôdyssey”, các nhân vật dũng sĩ cũng đều mượn đến “tiếng thét” để hả cơn giận dữ hoặc để khiêu khích, hạ nhục hay hù dọa đối phương. Tên tác giả Hô-me có nguồn gốc từ chữ Hô-me-rốt nghĩa là người mù, rất có thể để chỉ nhiều người mù kiếm sống bằng cách đi kể rong về những câu chuyện đánh nhau. Họ phải kể như thật, giọng phải thật tốt, thật vang để khi cần cũng thét lên, mà gói trong tiếng thét ấy là biết bao những cung bậc tâm trạng: đau đớn, giận dữ, căm hờn, hả hê, giễu cợt, khích bác...
Nhưng bước ra khỏi mảnh đất chiến trường của sử thi cổ đại để sang thời trung đại thì tiếng thét chỉ có ở nhân vật dũng sĩ với tính cách tương ứng. Vì nhân vật thần thoại chưa có sự phát triển tính cách, chỉ là đại diện cho phẩm chất nào đó. Phải mất hàng nghìn năm tiếng thét mới cụ thể hơn, mang sắc thái tính cách nhân vật rõ hơn.
“Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung - một trong “tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc là một bộ tiểu thuyết lịch sử “bảy phần thực ba phần hư” với “tứ tuyệt”: tuyệt gian (Tào Tháo), tuyệt nhân (Lưu Bị), tuyệt nghĩa (Quan Công), tuyệt dũng (Trương Phi). Nhưng chỉ nhân vật Trương Phi là có tiếng thét. Quan Công đánh nhau cực giỏi, qua năm ải chém sáu tướng nhưng không dùng tiếng thét còn Trương Phi không đánh nhau vẫn thét, thậm chí tiếng thét ấy có sức mạnh đẩy lui hàng chục vạn quân. Trước sức mạnh quân Tào, phía Thục phải rút lui, đợi Lưu Bị cùng gia tướng đã sang sông, Trương Phi cùng vài chục quân sĩ làm hậu quân chặn địch.
Với ngoại hình dữ tợn, râu tóc dựng ngược, cưỡi tuấn mã Ô Chuy tay cầm xà mâu nặng hơn trăm cân như một anh hùng thiên sứ nhà Trời, Trương Phi đứng trấn giữ cầu Trường Bản. Giống như sử thi Ấn Độ, lời tự giới thiệu cũng là lời thách: “Ta là Trương Dực Đức người nước Yên đây, ai dám cùng ta quyết tử!”. Các tướng lĩnh tài ba của Tào Tháo không ai dám manh động. Bỗng Trương Phi thét lên, một tiếng thét dữ dội, thách thức, đe dọa mạnh mẽ, uy lực đến mức một tướng Tào là Hạ Hầu Kiệt vỡ mật ngã ngựa mà chết. Phân tích nhân vật Trương Phi không thể thiếu tiếng thét này, nó như một sản phẩm của tính tình nóng nảy, bộc trực, dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng sống mái với kẻ thù...
Trong không gian chiến trận đậm tinh thần sử thi tiếng thét luôn vọng hai chiều, không chỉ hướng về đối thủ, còn hướng về quân mình để khích lệ, để tăng thêm nhuệ khí. Thế nên trong các trận đánh không thể thiếu âm thanh tiếng trống, tiếng la, tiếng thét... của quân lính hai bên.
Nhưng không chỉ có ở sử thi, mà trong thể loại có không gian nghệ thuật gần như tĩnh lặng tuyệt đối, là thơ Thiền cũng có tiếng thét. Đó là trường hợp tiếng thét rất lạ trong “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư: “Trạch đắc long xà địa khả cư/ Dã tình chung nhật lạc vô dư/ Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh/ Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Mảnh đất long xà chọn được nơi/ Tình quê lai láng suốt ngày vui/ Có khi xông thẳng lên đầu núi/ Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”. Tiếng thét này không chỉ vang vọng trong thơ Thiền Lý Trần như “một cảm hứng đạo học” hay một trạng thái “đốn ngộ” của sự giải thoát trực cảm tâm linh. Hơn thế, nó còn vang vọng vào cả bầu trời văn hóa trung đại như một lời đối thoại với hư vô, như một khát vọng phi thường vượt ra khỏi cái thông thường để hòa nhập vào tạo hóa. Đó là âm thanh làm bừng tỉnh vũ trụ!
Chuyển sang thời hiện đại, không chỉ tiếng thét mà âm thanh (nghệ thuật) nói chung lại chuyển hướng đi sâu vào thế giới nội cảm con người. Tiếng thét nhỏ dần, thậm chí bằng không. Đó là trường hợp nói về tiếng thét mà không có tiếng thét nhưng người đọc vẫn cảm thấy có, thậm chí còn dữ dội hơn nhiều tiếng thét vật lý.
Lỗ Tấn có tập “Gào thét” tập hợp 14 truyện ngắn đầu tay (viết từ 1918-1922) nhưng không truyện nào miêu tả âm thanh tiếng thét. Lỗ Tấn kể lại khi còn du học ở Nhật Bản thấy một người Trung Hoa bị trói nhưng rất đông người xem với vẻ mặt đần độn, vô cảm, ông mới thấy “điều chúng ta cần làm trước tiên là biến đổi tinh thần họ, theo tôi hồi đó, muốn biến đổi tinh thần họ, tất nhiên không gì bằng dùng văn nghệ”. Thế là ông “lao đầu vào việc tìm hiểu “quốc dân tính”.
Tháng 5-1918 ông có truyện ngắn “Nhật ký người điên” tuyên chiến chống lễ giáo đạo đức phong kiến, lên án lịch sử “ăn thịt người”. Trong truyện ngắn “Thuốc” lạnh lùng kể câu chuyện lấy bánh bao tẩm máu người, hơn nữa là máu người cách mạng, “lấy về còn nóng hôi hổi, ăn cũng còn nóng hôi hổi” để chữa bệnh lao, “cam đoan thế nào cũng khỏi”…
Thì ra một khi con người ta sa vào tình trạng ngu muội thì cũng không có nhân tính, càng không thể biết đến chân lý khoa học, chưa nói đến chuyện “làm cách mạng”. “Cố hương” cũng là căn bệnh nhưng là căn bệnh an phận thủ thường, “mũ ni che tai”,... cũng nguy hiểm không kém vì nó nhốt con người vào nhà tù của sự bàng quan, ích kỷ, u mê. Nổi bật là “A.Q chính truyện” phê phán đau đớn căn bệnh chủ nghĩa thất bại đã đầu độc “quốc dân tính” của người Trung Quốc.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đằng sau “gào thét” là tiếng hát lạc điệu của dân tộc Trung Hoa được Lỗ Tấn “thét” lên để “cảnh tỉnh quốc dân” đang mê ngủ. Nhưng hiểu theo nghĩa “gào thét” thì tập truyện cũng đúng là tiếng thét xót xa, đau đớn cho số phận cả một dân tộc đang ngơ ngác trong bóng đêm. Đó là tiếng thét báo hiệu cần một sự đổi thay triệt để, tiếng thét thức tỉnh cả một thời đại. Cổ nhân có câu: “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh” phải chăng là để chỉ những trường hợp này!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tieng-thet-mot-ma-van-hoa--i665225/