Tiếng thơ vượt miền cổ tích
Tiếng chim xanh biếc (NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2023) là tập thơ thứ 6 của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm. Tập thơ mang những cách tân nghệ thuật cùng với ngôn ngữ thơ làm say lòng người, nhưng cũng rất chân thật và tỉnh thức.
* Tiếng thơ - tiếng lòng thi nhân
Nguyễn Nho Khiêm là một người con của đất Điện Bàn, Quảng Nam. Khi tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng chia tách, anh được coi là một nhà thơ của TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, thơ anh, cũng như cuộc đời anh, luôn gắn liền với mảnh đất miền Trung nắng gió, phong trần và kiêu hãnh, cùng với niềm thương yêu máu thịt với biển trời của quê hương, đất nước. Kinh qua nhiều công việc, từng là Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, nên ở nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm có một phong cách chuẩn mực, sự quan tâm sâu xa đến đời sống và một tinh thần trách nhiệm lớn.
Tập thơ Tiếng chim xanh biếc là tiếng lòng của thi nhân khi đối diện với những vấn đề của cuộc sống, của thực tại. Thơ anh chính là sự chuyển hóa mang nhiều tầng ý nghĩa, làm cho cuộc sống tươi đẹp, bay bổng hơn.
Tập thơ có 4 chủ đề lớn (không chia phần). Mở đầu là Đêm Hội An với 18 bài thơ viết riêng cho thành phố tuyệt đẹp này. Có thể nói đây là những bài thơ lãng mạn, say đắm nhất của tập thơ, là “miền cổ tích” riêng của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, anh chìm đắm vào đó và dâng hiến bằng những vần thơ gan ruột:
Trên con thuyền mấy vòng xuôi ngược
sáng rực lên đèn lồng, sông chếnh choáng say
Khinh khí cầu rạo rực bay, như thể
Phố Sông Hoài bỗng chốc hóa thiên thai.
Có người bảo đến Hội An đừng hôn ở đó
Một đời anh sẽ vang vọng thủy triều…
(Xem khinh khí cầu ở Hội An)
18 bài thơ là những lát cắt của Hội An mà hồn thơ tinh tế, nhạy cảm của tác giả ghi lại; cho đến cuối cùng vẫn là “Đêm Hội An gương mặt nào cũng đẹp/ Tà áo nào cũng lụa Quảng Nam”... Trong sự say mê ấy là niềm tự hào và gắn bó thân thương không định nghĩa được, nhà thơ phải nhờ đến thanh âm, ánh sáng, đến những khoảnh khắc của đêm để khảm khắc lại. Sông Hoài trở thành không gian huyền diệu dung chứa những cảm xúc và khát khao, cho tâm hồn nhà thơ tắm mát.
Các chủ đề còn lại của tập thơ: Khúc xuân phố biển, Biển xanh bóng núi, Chữ tri âm - chính là sự phát triển các tứ thơ mà nhà thơ trao gửi cho quê hương, con người và nghiệp viết. Những bài thơ cũng là sự “dịch chuyển” từ miền cổ tích in dấu thanh xuân vĩnh hằng về với cuộc sống đời thường trong cái nhìn nhân hậu của tác giả.
* Khung trời nghệ thuật rộng mở
Nguyễn Nho Khiêm là con người sống với thơ ca, khung trời nghệ thuật luôn rộng mở xung quanh anh, nên tập thơ rất đa dạng về nội dung. Nguyễn Nho Khiêm cũng là một người yêu cái đẹp, và là cái đẹp của sự toàn vẹn, chân thành. Hội An là một vẻ đẹp riêng trong thơ anh, song quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng cũng luôn đẹp, nên thơ và chất chứa những cảm nghiệm sâu xa. Không mạnh bạo, hùng hồn, câu chữ của Tiếng chim xanh biếc là sự gợi tả:
Bàn chân tôi bước ngang miền sim tím
Gióng tai nghe tiếng chim hót thiên thần
Người nghệ sĩ hai tay nâng ống kính
Chụp tiếng chim gửi ngày mới thanh tân.
(Trên núi Sơn Trà)
Đó có phải là câu trả lời cho sự thắc mắc đối với tựa đề tập thơ? Rõ rồi! Ở đâu có âm thanh đẹp như thế, ở đâu có sự “xanh biếc” của linh giác đến vậy? Hơn 90 năm trước, Bích Khê mượn thi hứng dâng cao đến cuồng loạn để viết những bài thơ về Ngũ Hành Sơn:
Lại chơi hòn Non Nước
Chẳng mọc cánh mà bay
Bạn bè thôi bỏ hết
Ngất ngưởng Vọng Hải Đài
Ngó lên trời xanh ngắt!
Cheo leo quán sông Ngân.
(Ngũ Hành Sơn - khúc hậu)
Đối diện với mảnh đất linh thiêng, những tâm hồn thơ lớn sẽ thức dậy, vươn cao. Nhà thơ Phạm Hầu từng viết: “Giang tay ta vẫy ngoài vô tận/ Hỏi ở xa lòng có những ai?”. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm mượn thiên nhiên bày tỏ: “Trong núi Sơn Trà rừng ôm mây thương nhớ/Tri âm từng tiếng sóng vỗ đá nâu…”.
Sức liên tưởng của Nguyễn Nho Khiêm cũng hết sức đặc biệt, anh có những phát hiện có thể mang sự riêng - chung hòa nhập với nhau, tạo nên một thế giới tươi đẹp, nhân văn lạ thường. Chẳng hạn như bài thơ Cửa sổ trời:
Đà Nẵng có con đường hầm xuyên qua đoạn phố
Ngước nhìn lên thấy cửa sổ trời
…Cửa sổ trời mở về phía nhân gian
Vẽ vòng tròn sinh tử
Tôi nhớ đôi mắt em mở về phía tôi hôm ấy
Có bầu trời vĩnh viễn yêu thương”.
Chỉ một góc nhỏ của nơi chốn cũng mang đến tình yêu bất tử. Quê hương của nhà thơ là vậy, khi anh nhìn “Sau những hàng dừa”:
“Những con tàu thiện chiến
Lịch sử chạy ngang qua
Những thuyền buôn tứ xứ
Tấp nập và hào hoa”.
Khúc xuân phố biển vì vậy không chỉ là mùa xuân, là tuổi xuân, mà đó là tình yêu vừa lý tưởng, vừa đời thường được trao gửi trong thầm lặng. Và từ đó, một góc đời, một mảnh tình riêng hướng đến cuộc sống rộng lớn hơn, trong tâm thế đầy khát vọng, thăng hoa. Biển xanh bóng núi là phần thơ dày dặn, được chăm chút kỹ lưỡng của Nguyễn Nho Khiêm. Trong đó, anh viết về tình yêu quê hương, Tổ quốc, không chỉ cho riêng anh mà nói thay nỗi lòng của những người con của đất Quảng Nam, Đà Nẵng: Gạc Ma, Thăm Trường Sa, Thơ gửi đảo, Quê cát, Tam Kỳ nhớ… Theo lời nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.Đà Nẵng - thì mỗi người dân Đà Nẵng đều mang trong mình nỗi nhớ thương, và một tinh thần tự lực tự cường rất lớn, để giữ lấy huyện đảo Hoàng Sa và bảo vệ quê hương mình. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm cùng chung tiếng lòng tha thiết ấy:
Tôi nhìn về đảo Gạc Ma
Cồn cào Tổ quốc, sơn hà Việt Nam
Máu hòa nước biển xanh lam
Hồn thiêng sóng biếc ngàn năm, quê nhà.
Tôi nhìn về đảo Hoàng Sa
Rực xanh Tổ quốc, sơn hà Vạn Xuân
Biển Đông bẻ mộng cuồng ngông
Hoàng Sa về với cội lòng nước non!
(Thơ gửi đảo)
Bên cạnh đó là một loạt những bài thơ về những nơi thiêng liêng, sâu nặng ân tình, ở đâu cũng nên thơ và đong đầy cảm xúc:
“Quy Nhơn in dấu chân bãi đá
Lớp lớp đá nằm im đón sóng dội về
Giật mình giữa trăm năm chớp bể
Em mưa nguồn chảy xiết bến mê…”.
(Thơ tình Quy Nhơn, bài 2)
Tiếng nói tri âm
Tiếng chim xanh biếc cũng là cách nói hình tượng cho sự tri âm, tri kỷ mà tác giả tìm kiếm trong thế giới nội tâm của mình. Qua các tập thơ, Nguyễn Nho Khiêm luôn thể hiện sự quý trọng và những rung cảm sâu xa đối với văn chương, nghệ thuật, với cái đẹp từ trong tinh thần, cốt cách con người. Cuộc đời người nghệ sĩ qua ngòi bút của anh mang vẻ đẹp bi cảm, vì những mất mát, và cả những dự cảm ăm ắp tình thương và sự vô thường. Qua phần cuối của tập thơ - “Chữ tri âm” - nhà thơ như một kẻ độc hành trong hành trình sáng tạo:
Khúc ru trầm day dứt rừng khộp khô
Cơn mộng mị sông Cổ Cò vỗ nhịp
Những cơn lốc hóa tình yêu bất diệt
Câu thơ này chạm khắc thời gian.
(Tiếng chim xanh biếc)
Nguyễn Nho Khiêm tự mình đi tìm sự đồng điệu, tri âm, bằng cách hòa mình vào đời sống tinh thần của những câu thơ, những trang văn của bạn bè, đồng nghiệp. Với tâm thế của người hành thiền, anh tìm thấy sự cảm ngộ, hoặc những bài học lớn dù không có nhiều trải nghiệm thực tế, mà có khi chỉ qua một hình bóng, một sự vô ngôn:
Hà Nội mùa xuân trở lạnh
Dương Tường quay gót
Bóng tạc vào tường cao
Khát vọng con người
Bóng tạc vào tôi
Chân trời
Nước mắt.
(Kính tiễn Dương Tường)
Những bài thơ anh viết cho bạn hữu cũng rưng rưng, chứa đựng niềm say mê vô tận dành cho thơ ca, cho cuộc đời. Nguyễn Nho Khiêm cũng là người tìm thấy được sự hài hòa, an yên trong cuộc sống đầy biến động, đổi thay. Để đi tìm cái kết cho vùng trời cổ tích tuy xa mà gần do Nguyễn Nho Khiêm mang đến cho thơ và cho người đọc, có lẽ không thể không nhắc đến một bài thơ anh viết từ năm 2014 - viết dưới chân núi Sơn Trà: “Những hòn đá nô đùa cùng biển xanh ngoài kia là bạn tôi/ là bạn nghìn năm trước/ mãi là bạn ngàn sau… chúng tôi chơi với nhau không ai nói gì/ mà hiểu từng ngọn gió, giọt sương…”.
Khúc Diệu âm mà Nguyễn Nho Khiêm tìm thấy ở mảnh đất quê hương, là một điều quý giá không chỉ đối với riêng anh, mà còn lay động đến nhiều người đọc, góp một tiếng nói chân thành vào thực tại bao mơ ước, khát khao:
Chiều nay chúng tôi về Ngũ Hành Sơn
đọc con chữ diệu âm
nghe tiếng kinh diệu âm
niệm diệu âm
tôi thấy làn mưa xanh
ngọn gió lam quanh vườn
những âm thanh diệu huyền, hạnh phúc.