Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu

Gần tròn 70 năm trôi qua, tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Sáu, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Sách, Chính trị viên Huyện đội, vẫn sáng mãi.

Phần mộ anh hùng Nguyễn Đức Sáu được xây dựng ở vị trí trang trọng trong nghĩa trang liệt sĩ xã Minh Tân (Nam Sách)

Phần mộ anh hùng Nguyễn Đức Sáu được xây dựng ở vị trí trang trọng trong nghĩa trang liệt sĩ xã Minh Tân (Nam Sách)

Tự cắt ruột chứ không hàng địch

... Đồng chí đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Chúng mày có thể giết tao, đừng mong tao nói gì về Đảng và cách mạng”. Trong một đợt tra tấn của địch, chỉ khâu vết thương ở bụng bị đứt, ruột lòi ra. Biết mình không đủ sức chiến đấu lâu dài, đồng chí Sáu đã dũng cảm cắt đứt ruột, hy sinh trước mắt kẻ thù để giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản…

Đó là những dòng viết trong Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Sách về giây phút hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Đức Sáu. Đồng chí hy sinh khi mới 32 tuổi, để lại một tấm gương sáng về tinh thần quả cảm, cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng.

Sinh ra ở vùng quê Nam Sách giàu truyền thống cách mạng, từ năm 1944, đồng chí Nguyễn Đức Sáu đã tham gia Liên đoàn võ của huyện do Việt Minh lãnh đạo. Tháng 3.1945, Liên đoàn võ do đồng chí Sáu chỉ huy đã chặn đánh hai thuyền lương thực của giặc Nhật trên sông Thái Bình để chia cho nhân dân. Do tích cực tham gia giành chính quyền, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng ở địa phương, tháng 1.1946, đồng chí được kết nạp vào Đảng. “Hồi ấy, chú tôi có tiếng là giỏi võ ở trong huyện. Tôi còn nhớ rất rõ những lần được xem các hội võ đến nhà chú tôi tập luyện, giao lưu võ thuật. Chú Sáu không cao lớn nhưng da ngăm đen, cơ thể rất rắn chắc”, ông Nguyễn Đức Long (85 tuổi, cháu ruột đồng chí Sáu) nhớ lại.

Ông Nguyễn Đức Xô, con trai liệt sĩ Nguyễn Đức Sáu thường kể cho con cháu nghe về truyền thống cách mạng của gia đình

Ông Nguyễn Đức Xô, con trai liệt sĩ Nguyễn Đức Sáu thường kể cho con cháu nghe về truyền thống cách mạng của gia đình

Theo lịch sử của địa phương ghi lại, từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, khi là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính phụ trách khu cho đến khi được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Sáu không một lần “bỏ đất, bỏ dân”. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Sáu và đồng đội, nhiều hội tề ở Nam Sách bị phá, cơ sở phục hồi, cơ quan huyện và một số xã đã có đất đứng chân. Cũng từ đó, phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh ở Nam Sách. Đại đội 921 địa phương của huyện được củng cố do đồng chí Sáu trực tiếp làm chính trị viên. Rạng sáng 2.10.1953, khi trực tiếp chỉ huy Đại đội 921 đánh địch, chống càn, đồng chí Sáu bị thương nặng và bị địch bắt. Mặc dù bị địch tra tấn hết sức dã man, tàn bạo, vừa tra tấn, vừa dụ dỗ nhưng không khai thác được gì ở người Bí thư Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội kiên trung, bất khuất này.

Năm nay, ông Nguyễn Đức Xô, nguyên Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Sách và là con trai đồng chí Nguyễn Đức Sáu cũng đã 74 tuổi. Nhà ông Xô nằm cách con đường mang tên cha ông ở thị trấn Nam Sách chỉ vài trăm mét. Ở phòng khách, bức ảnh mẹ ông cùng đại gia đình vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của cha vào năm 2000 được phóng khổ lớn, treo ở vị trí trang trọng nhất.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Xô vừa xúc động xen lẫn tự hào khi nhắc về cha mình. Mất cha từ khi mới 4 tuổi nên một trong những điều quý giá nhất mà ông Xô được cha mình để lại chính là cái tên của ông. “Chị gái tôi tên Liên, còn tôi tên Xô. Thời đó mà đặt tên con như vậy thì tôi nghĩ cha tôi cũng rất am tường về cách mạng”, ông Xô chia sẻ.

Tuyến đường 5B cũ ở trung tâm thị trấn Nam Sách được mang tên anh hùng Nguyễn Đức Sáu

Tuyến đường 5B cũ ở trung tâm thị trấn Nam Sách được mang tên anh hùng Nguyễn Đức Sáu

Cũng vì cha hy sinh khi ông Xô còn quá nhỏ nên trong suốt cuộc đời, ký ức của ông về người cha anh hùng đều do mẹ ông, các bậc tiền bối và sử sách trao truyền lại. “Cha tôi hy sinh mà không có tấm ảnh nào để lại thờ. Thời gian cũng quá lâu nên gia đình chẳng còn giữ được những kỷ vật của ông. Mãi đến năm 1998, đánh giá những đóng góp của cha tôi xứng đáng nên chính quyền địa phương đã chủ động hỗ trợ gia đình làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với ông”, ông Xô kể.

Niềm tự hào của quê hương

Chúng tôi tìm về thăm quê hương đồng chí Nguyễn Đức Sáu ở thôn Uông Hạ, xã Minh Tân (Nam Sách) vào buổi chiều cuối tháng 6. Dưới những cơn mưa ngắt quãng, đám trẻ con vẫn đằm mình trong giếng nước trong mát, thoang thoảng hương sen ở giữa xóm Chùa. Bao lâu nay, từ người già đến trẻ con ở đây đều gọi giếng nước này là giếng ông Sáu. Thấy chúng tôi là người ở nơi khác đến hỏi về ông Sáu, một số người đi qua cũng dừng chân vui vẻ góp chuyện. Nhắc đến ông Sáu, ai cũng tự hào về người con anh hùng của quê hương Minh Tân.

Ông Phạm Minh Bắc (năm nay 63 tuổi, ở xóm Chùa) kể: “Tôi lớn lên thì đã có cái giếng này rồi. Tôi nghe các cụ từ xa xưa kể lại thì hồi ấy ở chỗ ruộng nhà ông Sáu có nguồn nước rất trong. Ông Sáu đã hiến cho làng một sào ruộng để đào giếng lấy nước ăn nên sau này mọi người quen gọi là giếng nước ông Sáu”.

Về quê hương anh hùng Nguyễn Đức Sáu, chúng tôi càng hiểu thêm những điều góp phần làm nên phẩm chất kiên trung, bất khuất của đồng chí. Cùng với đồng chí Sáu, những người anh em ruột của ông cũng đều hết sức, hết lòng, sẵn sàng hy sinh xương máu vì cách mạng. Trong 7 anh chị em của ông Sáu có ông Ba là sĩ quan quân đội, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp; ông Bốn tham gia cách mạng cũng rất sớm, sau này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Minh Tân; còn ông Bảy cũng anh dũng hy sinh như ông Sáu khi tham gia đánh chiếm thuyền của phát xít Nhật trên sông Thái Bình. Vì những đóng góp, công lao to lớn của các ông mà cụ Nguyễn Thị Cát, mẹ của 4 ông được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 Sau khoảng 3/4 thế kỷ, giếng nước ông Sáu ở thôn Uông Hạ, xã Minh Tân (Nam Sách) vẫn trong mát

Sau khoảng 3/4 thế kỷ, giếng nước ông Sáu ở thôn Uông Hạ, xã Minh Tân (Nam Sách) vẫn trong mát

Nối bước cha ông, các thế hệ sau của đồng chí Nguyễn Đức Sáu đang từng ngày vun đắp truyền thống tốt đẹp của gia đình. Vợ chồng ông Xô có 8 người con cả dâu lẫn rể thì 7 người là đảng viên. Các con đều phương trưởng nên gia đình ông Xô có điều kiện đóng góp cho quê hương. Ở xã Minh Tân mỗi khi có công việc cần huy động sức dân, gia đình ông Xô đều gương mẫu, đi đầu thực hiện. Đến nay, gia đình ông đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho thôn, xã làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi. Gia đình còn đang có ý định đề xuất với địa phương được tự bỏ kinh phí để cải tạo giếng nước ông Sáu cho cảnh quan khang trang, sạch đẹp hơn.

Đưa chúng tôi đi thăm phần mộ đồng chí Nguyễn Đức Sáu ở nghĩa trang liệt sĩ xã, bà Vũ Thị Thiềm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: “Cán bộ, đảng viên và người dân trong xã rất tự hào mỗi khi nhắc đến đồng chí. Cùng với được đặt tên cho tuyến đường giữa trung tâm huyện, từ năm 2018 cả 3 trường học ở xã đã vinh dự được mang tên người anh hùng Nguyễn Đức Sáu của quê hương để mãi khắc ghi công ơn của đồng chí”.

Những ngày tháng 7 tưởng nhớ và tri ân đang về, chúng ta kính cẩn cúi mình biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã anh dũng hy sinh, không tiếc máu xương vì Tổ quốc, vì nhân dân. Cùng với biết bao người con ưu tú của vùng quê Nam Sách, của quê hương Hải Dương, tấm gương của anh hùng Nguyễn Đức Sáu sẽ còn sáng mãi để thế hệ sau noi theo.

Đồng chí Nguyễn Đức Sáu sinh năm 1921 ở thôn Uông Hạ, xã Minh Tân (Nam Sách). Năm 1949, đồng chí Sáu được bổ sung vào Thường vụ Huyện ủy, làm Phó Bí thư. Đến giữa năm 1951, đồng chí Sáu được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội. Đồng chí Sáu anh dũng hy sinh vào ngày 10.10.1953.

Với những thành tích và gương hy sinh dũng cảm, đồng chí Nguyễn Đức Sáu là 1 trong 9 cá nhân ở huyện Nam Sách đã được Chủ tịch nước truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Sách)

HOÀNG BIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/tieng-thom-nguyen-duc-sau-238594