Tiếng trống học bài
'Đã đến giờ tự học buổi tối, các em học sinh khẩn trương ngồi vào bàn học. Đề nghị các ông bà, cha mẹ tắt hoặc vặn nhỏ các thiết bị âm thanh để con cháu học bài. Đề nghị lãnh đạo khu dân cư, các thầy cô giáo, cán bộ phụ trách địa bàn theo dõi, động viên các em tích cực học tập để đạt kết quả tốt nhất'.
Thời gian qua, những câu nói này cùng hồi trống thúc giục được phát trên hệ thống loa truyền thanh đã trở nên quen thuộc tại một số nơi trên địa bàn huyện Tân Sơn với phong trào “Tiếng trống học bài”.
Em Phùng Thúy Anh - học sinh lớp 1A, Trường tiểu học Kim Thượng nhanh chóng ngồi vào bàn học sau khi nghe tiếng trống phát trên loa truyền thanh.
Từ tháng 3/2022 đến nay, phong trào “Tiếng trống học bài” được triển khai đồng loạt tại các xã trên địa bàn huyện với sự tham gia tích cực của các thầy cô giáo, các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương như: Hội Khuyến học, Đoàn thanh niên… và sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh.
Thời gian thực hiện vào các buổi tối từ chủ nhật đến thứ sáu hàng tuần (trừ thứ bảy và các ngày nghỉ lễ), mùa hè bắt đầu từ 20 giờ, mùa đông từ 19 giờ 30 phút. Khi hiệu lệnh học tập vang lên trên loa truyền thanh, tất cả học sinh tự giác nhanh chóng ngồi vào bàn, lấy sách vở học bài. Đây là một trong những cách làm mới trên địa bàn huyện để từng bước hình thành nề nếp và ý thức học tập, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.
Ngay từ những ngày đầu triển khai, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (XHHT) huyện đã định hướng, hướng dẫn Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT cấp xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền; phối hợp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện phong trào “Xây dựng xã hội học tập” thông qua “Tiếng trống học bài” vào mỗi buổi tối tại các khu dân cư; đề xuất với các khu dân cư bổ sung vào hương ước các nhiệm vụ, mục tiêu thực hiện phong trào “Tiếng trống học bài”, coi đó là một trong những cơ sở đề nghị công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” hàng năm.
Là một trong những địa phương hoạt động tích cực, đều đặn với sự tham gia nhiệt tình của các đoàn thể trong đó có tổ chức Đoàn, đồng chí Hà Thị Kim Lưu – Bí thư Đoàn xã Kim Thượng cho biết: “Ban Chấp hành Đoàn xã đã cử mỗi khu dân cư hai đồng chí thanh niên tham gia cùng Ban khuyến học của khu, kết hợp với các tổ chức đoàn thể khác đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở học sinh học bài đúng giờ và vận động người dân giảm, tắt các thiết bị âm thanh nếu có tình trạng sử dụng âm thanh quá mức, hay tụ họp đông đúc gây ồn ào, mất trật tự, bước đầu phong trào đã tạo sự lan tỏa tích cực, học sinh nghiêm túc thực hiện, người dân nhiệt tình hưởng ứng”.
“Tiếng trống khuyến học” góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện miền núi còn nhiều khó khăn.
- Thầy và trò Trường Tiểu học Thu Cúc trong giờ Tiếng Việt.
“Tiếng trống học bài” giúp phụ huynh chủ động đôn đốc, quản lý hiệu quả thời gian học tập buổi tối của con mình, khi tín hiệu phát lên, mọi thành viên trong gia đình đều chủ động công việc, không làm ảnh hưởng con, cháu khi đang học tập. Tại khu dân cư, các hoạt động như hội họp, vui chơi, ca hát giải trí có tiếng ồn đều được giảm ở mức tối thiểu. Nhiều gia đình đã có thói quen kết thúc bữa ăn tối vào khoảng 19 giờ để các con nghỉ ngơi và kịp ngồi vào bàn học đúng giờ.
Anh Bùi Văn Thọ - người dân xã Xuân Đài cho biết: “Gia đình tôi có con đang học tiểu học, buổi tối vẫn thường mải chơi, chưa hứng thú với việc học tập, tuy nhiên với sự tuyên truyền, vận động của địa phương trên loa truyền thanh đã tạo thêm sự hứng thú cho con để hình thành thói quen học tập đúng giờ”.
Dù chỉ là những âm thanh quen thuộc, giản dị diễn ra trong khoảng 5 phút vào buổi tối hàng ngày nhưng “Tiếng trống học bài” đã lan tỏa phong trào toàn dân làm khuyến học, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đặc biệt là việc xây dựng môi trường, không gian học tập từ chính hộ gia đình, khu dân cư tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tự học ở nhà hiệu quả; nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của phụ huynh trong việc chăm sóc, nuôi dạy, quản lý con cái. Qua đó, tạo nên phong trào học tập sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” ở địa bàn huyện miền núi còn nhiều khó khăn.
Vy An
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/tieng-trong-hoc-bai/187411.htm