'Tiếng trống học bài' ở Vinh Hưng
Đúng 19 giờ từ thứ 2 đến thứ 6, khi tiếng trống học bài từ loa truyền thanh vang lên, phụ huynh trong các gia đình ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc đã dừng ngay các hoạt động gây âm thanh lớn, để con em ngồi vào bàn học. Trong không gian yên tĩnh của làng quê, chỉ còn nghe rõ tiếng đọc bài vọng ra từ các căn nhà.
7 giờ tối, khi đang còn loay hoay với một số công việc còn dở ở xã Vinh Hưng, tôi bất ngờ khi nghe tiếng loa truyền thanh phát lên lời nhắc nhở: “Xin mời các em học sinh hãy vào góc học tập của mình và học bài. Đề nghị các bậc phụ huynh dừng các hoạt động ồn ào để dành không gian yên tĩnh cho con em tập trung học tập…”. Cùng với lời nhắc, âm thanh hồi trống thúc giục có cảm giác như “mệnh lệnh” huy động học sinh khẩn trương, nghiêm túc. Chỉ trong giây lát, 2 đứa con trong một căn nhà tôi ghé lại đã ngồi vào bàn học. Bố mẹ em đang xem tivi cũng hạ nhỏ âm lượng, nói chuyện nhỏ đi.
Thầy giáo Đoàn Hoài Trung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hưng chia sẻ, chỉ mới mấy tháng đây thôi, kể từ khi phong trào “Tiếng trống học bài” được địa phương phát động và triển khai, các bậc phụ huynh và học sinh đã dần quen và đi vào nề nếp. Trước đây, có một bộ phận nhỏ phụ huynh chưa thực sự quan tâm chuyện học hành của con cái. Có trường hợp con học cứ học, cha vẫn hát karaoke. Từ khi có phong trào “Tiếng trống học bài” đã tác động rất lớn không chỉ vào ý thức tự giác học tập của học sinh mà phụ huynh cũng quan tâm, theo dõi việc học của các em. Họ hết sức tạo điều kiện cho con em học và lan tỏa ý thức này không chỉ trong thôn xóm, dòng họ mà cả khắp xã.
Vinh Hưng không phải là địa phương tiên phong triển khai phong trào này, nhưng lại đang là địa phương đưa phong trào đi vào thực chất và hiệu quả một cách nhanh chóng. Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, phong trào “Tiếng trống học bài” được xã tham khảo, nghiên cứu từ một địa phương tại Hà Nội và đưa vào triển khai ngay từ đầu năm học 2024 - 2025. Tuy thời gian triển khai chỉ vài tháng, nhưng hiệu quả bước đầu đã thấy rất rõ. Gần như tuyệt đối từ 7 giờ tối, không còn chuyện hát hò, các hoạt động gây âm thanh lớn ảnh hưởng trong khung giờ học tập của học sinh. Các em cũng đi vào nề nếp, chủ động giờ học. Đây vừa là lời nhắc học sinh tự giác học bài, chuẩn bị sách vở ngày mai đến trường, vừa là lời nhắc phụ huynh quan tâm hơn chuyện học của con cái.
“Tiếng trống học bài” được triển khai đến khắp các địa phương trên toàn xã, thông qua hệ thống loa truyền thanh mà các thôn xóm đều có thể nghe rõ. Chị Trần Thị Kim Mộng, trú tại thôn Diêm Trường 1, xã Vinh Hưng cho biết: “Tôi thấy phong trào này rất hay và ý nghĩa. Trước hết, tiếng trống học bài như một lời nhắc để các con tôi chủ động việc học. Phong trào này cũng hình thành một thói quen và khung giờ sinh hoạt, học tập khoa học. Các con không còn ham chơi điện thoại, đến khuya mới ngồi vào bàn học mà cứ đến giờ là cầm sách vở ngồi vào bàn. Khi hoàn thành việc học, có thể ngủ sớm để ngày mai đến trường”.
Theo các học sinh ở xã Vinh Hưng, điểm hay từ phong trào này chính là việc trao lại không gian yên tĩnh để học sinh thuận lợi học tập. Em Phan Xuân Tấn, học sinh Trường THPT Vinh Lộc chia sẻ, trước đây, có những buổi tối khi ngồi vào bàn học, em chẳng thể nào tập trung khi tiếng loa kẹo kéo văng vẳng âm thanh hát hò, có nhà gây gổ hay ăn nhậu cười nói ồn ào. Khi địa phương triển khai phong trào “Tiếng trống học bài”, nhiều phiền toái đó đã gần như không còn. Điều đó mang lại sự yên tĩnh để em tập trung, dễ học, dễ nhớ hơn. Cũng chính từ phong trào này, em xây dựng được một thời gian biểu cố định để mình chủ động học tập.
Chia sẻ từ nhiều giáo viên tại các trường học ở xã Vinh Hưng cho rằng, còn cần thời gian mới đánh giá hết được những hiệu quả mà phong trào “Tiếng trống học bài” mang lại, nhưng có một điều rất dễ thấy là việc học bài cũ và soạn bài mới của các em có chuyển biến tích cực. Điều đó cũng là minh chứng cho thấy với sự vào cuộc của toàn xã hội, sự quan tâm của phụ huynh và ý thức của học sinh đã lan tỏa phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập từ chính hộ gia đình, khu dân cư, tạo điều kiện cho các em học sinh có môi trường học tập hiệu quả hơn.