Tiếng Việt thiêng liêng lắm
Mấy ngày trước khi chương trình Rap Việt phát sóng đêm chung kết công bố giải thưởng, mạng xã hội lùm xùm vụ một thí sinh của chương trình có lời lẽ thô tục trên trang cá nhân của mình.
Lập tức, đơn vị phát sóng, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo về sự việc gửi đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử để chờ hướng xử lý.
Sự việc này chưa lắng xuống và chưa có hướng xử lý thì đêm chung kết đã diễn ra với những điều đọng lại không khỏi khiến người yêu tiếng Việt phải chạnh lòng.
Đêm chung kết Rap Việt diễn ra đẹp mắt, bùng nổ và thể hiện đúng được tinh thần của văn hóa trẻ. Phải thừa nhận, nhà sản xuất đã rất hiểu nhu cầu của thế hệ trẻ nên đã nêm nếm một món ăn tinh thần phù hợp với thẩm mỹ của lớp khán giả này. Chương trình lập kỷ lục 1 triệu lượt xem trực tiếp trên nền tảng youtube, điều hiếm có trên thế giới.
Song, 1 triệu lượt xem trực tiếp trên youtube ấy cùng vô vàn người xem trực tiếp truyền hình chắc không thể nào không nhớ đến những gì mà người dẫn chương trình, MC Trấn Thành, đã nói ở mỗi phần tiết mục. Gần như phần nào MC "quốc dân" này cũng chèn một câu tiếng Anh vào? Khi nhắc về kỷ lục 1 triệu lượt xem, anh ta nói "amazing record" thay vì "một kỷ lục thực sự kinh ngạc". hoặc lúc thông báo về đêm công diễn của Rap Việt sẽ diễn ra vào tháng 1/2021, thay vì nói đơn giản "đó là một cam kết" thì anh ta buông một câu "that's a promise".
Thực tế, với thế hệ trẻ Việt Nam hiện tại, tiếng Anh đã gần như trở thành một ngôn ngữ thứ hai. Việc thi thoảng nói tiếng Việt có chêm một vài từ tiếng Anh vẫn là việc giới trẻ hay làm. Nó giống y như thời kỳ đầu thế kỷ 20, cha ông ta vẫn xưng hô "moa, toa" (moi, toi) khi nói chuyện với nhau ở giai đoạn đầu của Tây học.
Một thực tế nữa là có những từ tiếng nước ngoài chưa có từ tương xứng để thể hiện trong tiếng Việt nên người sử dụng buộc phải sử dụng ngoại ngữ trong một vài hoàn cảnh nhất định. Song, trên sóng truyền hình của một kênh truyền hình lớn như HTV, việc chêm đến lạm dụng tiếng Anh trong các hoàn cảnh hoàn toàn có thể nói được tiếng Việt là điều không nên.
Công ty sản xuất chương trình Rap Việt có một cái tên rất "Việt" là Đất Việt. Không hiểu vì sao, với tôn chỉ tôn vinh tinh thần và giá trị Việt như thể hiện trong cái tên như vậy, nhà sản xuất này lại quá dễ dãi đến mức để MC của chương trình "bắn tiếng Anh" như vậy?
Nếu xem lại tất cả các số phát sóng của Rap Việt, chúng ta sẽ thấy đây là chuyện phổ biến chứ không còn là hiện tượng cá biệt nữa. Số nào cũng có đoạn sử dụng tiếng Anh vô lối. Đó là còn chưa kể những lỗi rất nặng của MC khi ngay trên sân khấu, trên sóng, anh ta hồn nhiên dùng từ "đứa nào" một cách bỗ bã như ở mâm cơm nhà mình vậy.
Tiếng Việt thiêng liêng lắm. Người Việt cần giỏi ngoại ngữ để học hỏi thế giới nhưng không có nghĩa là lạm dụng sử dụng tiếng Anh một cách quá mức, khoe ngoại ngữ quá mức, khi chương trình được nói bằng tiếng Việt, phát sóng cho người Việt xem là chính. Thiết nghĩ, các MC lạm dụng tiếng Anh trong chương trình Việt trên sóng truyền hình nên xem xét và hạn chế những lỗi cơ bản này.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tieng-viet-thieng-lieng-lam-620335/