Tiếp bài một phụ xe kêu oan vì bất ngờ nhận án 10 năm tù: Luật sư nêu ý kiến về nội dung bệnh án

Bác sĩ Trần Đình Chương, người trực tiếp điều trị cho anh Bùi Văn Tuận (chủ xe khách) cho biết, anh Tuận nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, dễ thở, xung quanh hai mắt quầng tím, sống mũi sưng nề, bầm tím không chảy máu, mu bàn tay phải bầm tím, cẳng và gối chân phải bị xây xát, rớm máu, mu chân phải sưng nề, đi lại hạn chế…

Tìm kiếm bác sĩ đã điều trị cho Bùi Văn Tuận

Tiếp tuyến bài “Một phụ xe kêu oan vì bất ngờ nhận án 10 năm tù” đối với anh Phạm Văn Hương (thị trấn Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) - bị xử án oan và phải thụ án về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” ở trại giam Thanh Phong (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa).
PV báo PL&XH đã về BVĐK huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) – nơi anh Bùi Văn Tuận (chủ xe khách) điều trị sau tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 3g30 ngày 16-3-2004 tại thôn Ngọc Trà 1, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa khiến 5 người tử vong, 10 người khác bị thương.

Chia sẻ với PV, lãnh đạo BVĐK huyện Tiền Hải cho biết, bệnh án của anh Bùi Văn Tuận không còn lưu. Sau đó, PV đã gửi GĐBV xem bệnh án của anh Bùi Văn Tuận được lưu trong hồ sơ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa và TAND TC tại Hà Nội thì được lãnh đạo BV giới thiệu bác sĩ đã điều trị cho anh Tuận thời điểm đó.

BVĐK Tiền Hải, nơi anh Bùi Văn Tuận điều trị sau tai nạn giao thông.

BVĐK Tiền Hải, nơi anh Bùi Văn Tuận điều trị sau tai nạn giao thông.

Theo chỉ dẫn của lãnh đạo BV, PV đã tìm đến nhà bác sĩ Trần Đình Chương (thị trấn Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) – người đã điều trị cho anh Bùi Văn Tuận thời điểm xảy ra tai nạn giao thông (từ 16-3-2004 đến 19-3-2004). Bác sĩ Chương cho biết, bệnh nhân Bùi Văn Tuận (xóm 4, xã Tây Ninh, thị trấn Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nhập viện lúc 19g ngày 16-3-2004 trong tình trạng đa chấn thương do tai nạn giao thông.

Cụ thể, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân Tuận lúc nhập viện là tỉnh táo, dễ thở, xung quanh hai mắt quầng tím, sống mũi sưng nề, bầm tím không chảy máu, mu bàn tay phải bầm tím, cẳng và gối chân phải bị xây xát, rớm máu, mu chân phải sưng nề, đi lại hạn chế… Các bộ phận khác bình thường.

Sau 1 ngày điều trị, thăm khám vào 8g ngày 17-3-2004, bệnh nhân Tuận tỉnh táo, khó thở ở mũi, nhai nuốt bình thường, sống mũi sưng nề, bầm tím, không có máu mũi chảy ra, xung quanh hai mắt sưng nề và bầm tím, mu bàn tay phải sưng nề, chưa phát hiện thấy gãy xương. Cẳng chân phải, gối phải bị xây sát, rỉ nước vàng, các bộ phận khác không phát hiện thấy bệnh lý.

Sau 2 ngày điều trị, vào 8g ngày 18-3-2004, bệnh nhân Tuận tỉnh táo, đỡ đau, bớt sưng nề, bớt khó thở đường mũi, hai mắt xung quanh còn bầm tím, sống mũi còn sưng nề, bầm tím. Mu bàn chân trái còn sưng nề, ấn đau nhẹ. Sau đó, đến 16g ngày 19-3-2004, anh Bùi Văn Tuận được ra viện.

Cùng liên quan đến sức khỏe bệnh nhân Phạm Văn Hương, lãnh đạo BVĐK tỉnh Thái Bình cho biết, bệnh nhân Phạm Văn Hương (35 tuổi, ở thị trấn Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nhập viện vào ngày 16-3-2004 và ra viện ngày 1-4-2004. Bệnh nhân bị gãy xương đùi.

Anh Phạm Văn Hương kêu oan sau khi thụ án 10 năm tù vì bị cáo buộc là người lái xe gây tai nạn.

Anh Phạm Văn Hương kêu oan sau khi thụ án 10 năm tù vì bị cáo buộc là người lái xe gây tai nạn.

Thương tích nào phù hợp với người ngồi ghế lái?

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Xuân Cường (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ án này, thương tích của cả hai nghi can là Bùi Văn Tuận và Phạm Văn Hương đều đã được ghi nhận rất rõ ràng, cụ thể trong bệnh án do các BV mà hai nghi can đã điều trị. Vấn đề ở đây là cần xem xét, đánh giá một cách vô tư, khách quan nhằm xác định thương tích của nghi can nào là thương tích phù hợp với thương tích của người ngồi ở vị trí ghế lái khi xe ô tô xảy ra tai nạn.

Đối với Phạm Văn Hương, bệnh án do BVĐK tỉnh Thái Bình - nơi điều trị cho Phạm Văn Hương phản ánh, nghi can này chỉ bị duy nhất một thương tích đó là gãy xương đùi phải. Còn đối với Bùi Văn Tuận, bệnh án do BVĐK huyện Tiền Hải (sau này được bác sĩ Trần Chương - người trực tiếp lập bệnh án xác nhận lại) nơi đã điều trị cho Tuận cung cấp, phản ánh Tuận bị đa chấn thương với những thương tích cụ thể gồm: “Vùng mắt bị bầm tím, sống mũi bị sưng nề, bầm tím; Mu bàn tay phải da bị xây sát, xưng nề, bầm tím; Cẳng chân phải, gối phải da bị xây xát rớm máu; Phần trong cổ chân trái da bị xây sát; Vỡ đốt II, ngón I bàn chân trái”. Trong các thương tích này của Tuận, luật sư Cường đặc biệt quan tâm tới các thương tích ở vùng mặt và bàn chân của Tuận.

Về nguyên lý chung, các sự vật trong thế giới khách quan khi tác động với nhau đều phải để lại dấu vết trên nhau. Thương tích trên cơ thể con người là dấu vết, là kết quả của sự tác động giữa cơ thể con người với vật tác động. Nhưng để lý giải tại sao thương tích lại có hình dạng nhất định nào đó; Thương tích nằm ở vị trí này mà không nằm ở vị trí khác trên cơ thể thì lại cần được làm rõ khi trả lời một số câu hỏi gián tiếp đó là: Vật tác động có hình dáng như thế nào (vật tày hay vật sắc nhọn…)? Chiều tác động của vật tác động? Tác động theo chiều thẳng, chéo hay ngang? Lực tác động mạnh yếu ra sao? Làm rõ được những vấn đề kể trên được gọi chung là làm rõ về cơ chế hình thành vết thương và nó thuộc về khoa học giám định pháp y.

Với tình trạng thương tích của Bùi Văn Tuận phải gánh chịu thì vấn đề cần làm sáng tỏ là khi xảy ra tai nạn những những bộ phận nào của xe ô tô có thể tác động vào cơ thể của Tuận khiến hình thành lên những thương tích này? Và ngồi ở vị trí như Tuận khai báo (không phải lái xe-PV) thì khi xảy ra tai nạn có thể bị những thương tích như vậy hay không?

Chắc chắn với tình trạng thương tích của Tuận là đa chấn thương thì cơ thể của Tuận phải va chạm với nhiều bộ phận của xe ô tô.

Luật sư Cường phân tích, với vết thương “vùng mắt bị bầm tím, sống mũi bị sưng nề, bầm tím kèm theo cảm xúc khó thở…” thì khó có thể hình thành với người ngồi sau ghế lái vì rất khó có bộ phận nào của xe ô tô tác động vào cơ thể người ngồi sau ghế lái để gây ra được thương tích như vậy. Trái lại, các thương tích này lại rất phù hợp với thương tích của người ngồi ở vị trí cầm lái. Bởi vì, chúng ta đều biết rằng với thiết kế của xe ô tô thì vô lăng có vị trí ngang ngực, khi xảy ra tai nạn, xe bị đâm phải vật cản thì theo quán tính vùng cơ thể từ ngực tới mặt của người lái xe sẽ phải va đập với vô lăng xe. Do vậy, tất yếu sẽ phải hình thành nên các thương tích ở vùng mắt, sống mũi, và ngực (biểu hiện gây tức ngực, khó thở).

Đối với thương tích “trong cổ chân trái da bị xây sát; Vỡ đốt II, ngón I bàn chân trái”, luật sư Cường cho rằng, người ngồi sau ghế lái không thể bị thương tích ở vị trí này. Bởi lẽ với vị trí của người ngồi sau ghế lái, phần từ sàn xe tới mặt của ghế trước là một khoảng trống, do vậy phần bàn chân sẽ không bị vật nào tác động tới nên không thể hình thành thương tích ở vùng cơ thể này được. Trái lại, với các bộ phận của xe ô tô thuộc khu vực ghế lái như: chân ga, chân phanh… là những bộ phận hoàn toàn có thể tác động vào bàn chân người cầm lái để gây ra những thương tích kể trên.

Hơn nữa, với thiết kế của khu vực cầm lái thì phần từ đầu gối tới phần phía trước của buồng lái bao giờ cũng là một khoảng cách hợp lý, đủ để cho người lái xe có thể thoải mái vận hành xe. Khi xe đâm vào vật cản, vùng mặt và vùng ngực sẽ tác động và vô lăng và bị cản lại nên phần chân của người lái xe chỉ có thể vừa kịp tác động đến phần phía trước của buồng lái gây xây sát chứ không thể gây ra thương tích là gãy xương đùi. Ngược lại, đối với người ngồi ở vị trí ghế sau tay lái, khoảng cách từ đầu gối tới ghế trước là rất nhỏ. Do vậy, khi xe bị đâm va, về nguyên lý, vùng đầu gối sẽ tác động theo chiều ngang, thúc thẳng vào ghế trước và khả năng vô cùng lớn sẽ gây thương tích là gãy xương đùi.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tiep-bai-mot-phu-xe-keu-oan-vi-bat-ngo-nhan-an-10-nam-tu-luat-su-neu-y-kien-ve-noi-dung-benh-an-171566.html