Tiếp bước em đến trường
Từ khi chiếc xe đạp duy nhất trong nhà bị hư sau nhiều lần sửa không được, Thương phải đi bộ khoảng 50 phút mới đến trường.
Nhìn học trò vui mừng với món quà được các anh chị đoàn viên, thanh niên Báo SGGP trao tặng, cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường THCS Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) không kìm được cảm xúc: “Khó khăn của học sinh cũng là trăn trở rất lớn của nhà trường. Chúng tôi mong các em được tiếp sức để việc học hành không bị dang dở, tương lai phía trước tươi sáng hơn”.
Vui đến trường
“Đây là xe đạp tặng tụi con phải không cô?”, em Thạch Ngọc Thương (học sinh lớp 7/2) chăm chú nhìn mấy chiếc xe đạp dựng trong sân trường một lúc lâu trước khi cất tiếng hỏi một bạn đoàn viên của Báo SGGP đứng gần đó. Khi nhận được câu trả lời xác thực, Ngọc Thương mừng rỡ khen xe đẹp rồi chạy lại chỗ các bạn cùng lớp hào hứng khoe xe mới.
Ngọc Thương cho biết hàng ngày phải dậy từ hơn 5 giờ sáng, ăn vội bữa sáng rồi ra khỏi nhà để đến trường. Trước đây còn xe đạp, quãng đường từ nhà Thương đến trường chỉ mất chừng 20 phút đạp xe. Từ khi chiếc xe đạp duy nhất trong nhà bị hư sau nhiều lần sửa không được, Thương phải đi bộ khoảng 50 phút mới đến trường.
“Có hôm con mệt nên đi chậm hoặc ngồi nghỉ một chút là trễ học”, Thương kể. Được hỏi điều vui nhất khi nhận chiếc xe đạp mới là gì, Ngọc Thương nói rằng có thể thong thả ăn sáng rồi tới trường cũng không sợ trễ học.
Nhận xe đạp đợt này còn có em Huỳnh Văn Phúc (học sinh lớp 6/3). Nhà Phúc có 3 anh em, ba mẹ làm nghề đánh cá thủ công nên thu nhập không ổn định. “Có xe đạp, con sẽ đi học về sớm hơn, có thêm thời gian phụ ba mẹ việc nhà”, Phúc chia sẻ.
Xa ba mẹ từ nhỏ, sớm phải tự lập, có lẽ vì vậy mà cả trong cách nói chuyện và suy nghĩ của em Trần Thị Kim Anh (học sinh lớp 6/2), một trong 12 học sinh được nhận hỗ trợ vé xe buýt đến trường, có vẻ già dặn hơn so với lứa tuổi. Nhà Kim Anh ở cách trường khá xa nên phải đi xe buýt. Hàng ngày, 5 giờ sáng Kim Anh đã phải lên xe để đến trường. Việc phải dậy sớm không làm Kim Anh mệt mỏi, mà mỗi ngày tiền xe tới 25.000 đồng mới là điều khiến Kim Anh và nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Mã Đà thấy áp lực.
“Ba má con làm mướn ở xa, lâu lâu mới về nhà một lần. Con biết ba má đi làm mướn không có nhiều tiền, mà mỗi tháng tiền học, tiền xe của con tốn không ít nên thương ba má lắm. Hôm trước cô giáo thông báo con được nhận hỗ trợ tiền xe, con vui nên điện thoại khoe má, má biểu con phải học hành chăm chỉ để không phụ lòng yêu thương của mọi người”, Kim Anh tâm sự.
Sẻ chia
Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết, Trường THCS Mã Đà là trường liên trường (dạy học sinh từ lớp 1 đến lớp 9). Trường tọa lạc tại ấp 1, xã Mã Đà - một trong những xã thuộc vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của huyện Vĩnh Cửu. Trường có 1 điểm chính tại ấp 1 và 4 điểm trường nằm tại các ấp 3, 4, 5 của xã Mã Đà. Các điểm trường cách xa cơ sở chính (gần nhất 20km, xa nhất 25km).
Các em học sinh tiểu học được học tại các điểm trường, còn học sinh THCS ở các ấp 3, 4, 5 thì phải ra điểm chính tại ấp 1 để học. Vì nhà xa trường, đa phần là đường rừng và dốc nhiều, nên các em không thể đi xe đạp, phương tiện di chuyển hàng ngày của các em là xe buýt với mức phí 25.000 đồng/ngày (650.000 đồng/tháng), so với điều kiện gia đình là quá cao.
“Điều kiện kinh tế của đa phần gia đình các em ở đây rất khó khăn vì nguồn thu nhập chủ yếu là làm rẫy, đánh bắt cá tự nhiên trên lòng hồ Trị An hoặc làm thuê. Một số phụ huynh làm công nhân ở khu công nghiệp xa nhà nên việc chăm lo cho con em còn nhiều hạn chế. Hiện tại còn hơn 100 học sinh chưa có BHYT”, cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền thông tin thêm.
Theo ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, hàng năm, Đảng ủy, UBND xã đều kêu gọi mạnh thường quân, các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ các em học sinh. Tuy nhiên, là xã vùng sâu vùng xa, không có nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh hoạt động, thêm đợt dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nên nguồn kinh phí hỗ trợ các em bị thu hẹp đáng kể.
Trước những hoàn cảnh ấy, cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, thanh niên Báo SGGP đã chung tay chia sẻ với các em học sinh trên hành trình tìm con chữ. Cụ thể, Đoàn cơ sở Báo SGGP đồng hành cùng các em trên con đường đi học mỗi ngày bằng những suất vé xe buýt đến hết năm học, bằng những chiếc xe đạp có thể sử dụng trong nhiều năm và các suất BHYT.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Bùi Thị Hồng Sương, những phần chăm lo này chưa phải quá lớn nhưng mong sẻ chia phần nào nỗi vất vả của các em và gia đình. Đồng thời, đây cũng là dịp ý nghĩa để các bạn đoàn viên, thanh niên Báo SGGP phát huy tinh thần sẻ chia của thanh niên đến học sinh vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.
Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền trân trọng cảm ơn tấm lòng của đoàn viên, thanh niên Báo SGGP; đồng thời khẳng định mọi hỗ trợ của báo đều được nhà trường chuyển đến đúng đối tượng học sinh để các em có thêm động lực vượt qua khó khăn, vững vàng hơn trên hành trình đến trường.
Chương trình trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Mã Đà nằm trong chuỗi hoạt động về nguồn của Đoàn cơ sở Báo SGGP tại Di tích Căn cứ Trung ương cục miền Nam
(Chiến khu Đ - Mật khu căn cứ, nơi ra đời của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ), nhân dịp Tháng Thanh niên 2023 và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 _ 26-3-2023).
Dịp này, Đoàn cơ sở Báo SGGP đã trao tặng 5 chiếc xe đạp, 15 thẻ BHYT và hỗ trợ 12 suất vé xe buýt đến trường; tặng nhiều tập sách cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiep-buoc-em-den-truong-post683685.html