Tiếp bước quân hành

Tháng 12/1978, quân đội Việt Nam đã phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, khí thế xung kích, nhiều sư đoàn bộ binh tiến quân giải phóng thủ đô Phnôm Pênh và các thành phố của Campuchia vào ngày 7/1/1979. Tàn quân Pôn Pốt tháo chạy rút vào rừng sâu cố thủ, chúng xây dựng căn cứ trên những điểm cao trên dãy núi Đăng Rếch.

Cuộc chiến 10 năm từ 1979 - 1989 nơi chiến trường Campuchia là cuộc chiến khốc liệt và bi tráng. Quân tình nguyện Việt Nam đã chiến thắng, xóa sổ hoàn toàn chế độ diệt chủng. Lịch sử hào hùng, oanh liệt đã ghi danh những người lính tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh.

Cha và con là bộ đội.

Cha và con là bộ đội.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Ngày 27/7, hội cựu chiến binh đến thăm viếng một gia đình khá đặc biệt, có hai anh em trai tòng quân, công tác và chiến đấu tại chiến trường K. Chúng tôi thành kính dâng hương tưởng nhớ lên bàn thờ người anh đã hy sinh là liệt sĩ Nguyễn Xin, lính tình nguyện nhập ngũ năm 1979, công tác tại Tiểu đoàn 19 vận tải, Sư đoàn 315, Mặt trận 579, Campuchia. Đoàn vận tải khí tài, quân lương của quân tình nguyện Việt Nam đã bị bọn lính Khmer Đỏ phục kích, anh Nguyễn Xin và đồng đội đã anh dũng chiến đấu chống trả trong trận chiến ác liệt. Anh đã hy sinh tại huyện Pmông Lung, chiến trường K.

Năm đó, gia đình vô cùng đau đớn khi nghe tin người thân của mình đã hy sinh, giấy báo tử đã gởi về quê hương. Người em là Nguyễn Tuấn Em nén chặt trong lòng nỗi đau thương, anh quyết định tình nguyện nhập ngũ vào năm 1982, công tác và chiến đấu tại đơn vị trinh sát Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, hoạt động tại tỉnh Preah Vi Hia, đông bắc Campuchia, dưới chân dãy núi Đăng Rếch giáp biên giới Thái Lan, thời gian từ 1982 - 1986.

Anh Nguyễn Tuấn Em đã là chi hội trưởng 21 năm, từ 2003 - 2024 trong hội cựu chiến binh, anh là hội viên gương mẫu chi hội thôn Cây Găng, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Chúng tôi càng thêm trân trọng lịch sử truyền thống hào hùng của gia đình này khi được biết con trai của anh Nguyễn Tuấn Em là Nguyễn Cao Nguyên là bộ đội hải quân bảo vệ huyện đảo Trường Sa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 2015 - 2017.

Ngôi nhà khang trang đang thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Xin và vườn thanh long của gia đình anh Nguyễn Tuấn Em, lối cát cách trăm mét là con đường du lịch trải nhựa rộng thênh chạy dọc theo bờ biển. Gió đại dương thổi lộng trên con lộ ĐT 719 kết nối Kê Gà - Thuận Quý - Tiến Thành, chiều dài bờ biển huyện Hàm Thuận Nam - thành phố Phan Thiết. Chúng tôi tự hào về gia đình cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Em đang thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Xin, là một gia đình có truyền thống yêu nước, điển hình gương mẫu, giữ được phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” khi phục viên về với đời thường.

Ký ức không phai

Trong buổi hội ngộ, hồi ức một thời chinh chiến, cựu chiến binh kể chuyện chiến trường. Anh Nguyễn Tuấn Em và đồng đội trong đơn vị trinh sát tiên phong trong chuyến hành quân truy kích giặc thù, chiến dịch huy động nhiều sư đoàn tiến công vào hang ổ tàn quân địch trên dãy núi Đăng Rếch, giáp biên giới Thái Lan.

Chuyến trinh sát địa hình, anh Nguyễn Tuấn Em và đồng đội dũng cảm bí mật luồn sâu nhiều ngày, quan sát tình hình cứ điểm của giặc, vẽ bản đồ sở chỉ huy, kho đạn, đếm số quân địch, nắm bắt quy luật và giờ giấc hoạt động của kẻ thù. Với người lính chiến, nhiều khi cái chết và sự sống cách nhau gang tấc. Hàng ngàn trái mìn KP2 hoặc 65-2A, kẻ thù đã gài trên đường để tước đoạt mạng sống của đồng đội anh. Anh đã nhiều lần khiêng cáng đồng đội hy sinh hay bị trọng thương, máu thịt nhầy nhụa đỏ hoét, phải giấu nước mắt vào lòng, người lính tự dặn mình không được yếu mềm. Anh nghĩ trong suốt cuộc chiến, mình không giẫm mìn hoặc trúng đạn là nhờ các đồng đội đã nhận lấy phần hy sinh hoặc mất đi phần thân thể.

Chuyện kể như bài ca bi tráng, nhiều khi cười sang sảng nhưng cũng có lúc đẫm nước mắt đau buồn. Kẻ thù của chúng ta là bọn lính Khmer Đỏ do Pôn Pốt cầm đầu, chúng quá sức tàn bạo, nhẫn tâm chặt đầu tử sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Nhưng, quân tình nguyện Việt Nam phải nhịn bớt khẩu phần lương thực để cho tù binh và cấp phát gạo cho dân Campuchia.

Kẻ thù cũng quá đói nghèo. Quan thầy cố vấn chỉ viện trợ cho chúng nhiều mìn và súng đạn. Khi chúng ta đã giải phóng các căn cứ trên dãy núi Đăng Rếch, các điểm cao 600, 606, 547… quân tình nguyện Việt Nam tiến công đến tận hang ổ, sào huyệt của bọn tàn quân Pôn Pốt, chỉ có mìn và đạn là nhiều vô kể. Không có thứ gì để ăn được. Rõ ràng kẻ thù của chúng ta đã bị đói khát.

Về với đời thường

Cuối năm 1986, anh Nguyễn Tuấn Em được phục viên, trở về quê hương vùng cát Cây Găng, xã Tân Thành. Trên vùng đất cát khô nóng, thổ nhưỡng và thời tiết khắc nghiệt, họ đã kiên cường vượt qua khó khăn, sử dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, làm vườn đạt hiệu quả, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống, chăm lo nuôi dạy con cái giỏi ngoan, sẵn sàng tham gia công tác xã hội.

Trải qua nhiều gian lao, vợ chồng anh quyết định xây dựng chuồng trại, chăn nuôi đàn bò sinh sản. Nguồn phân bò cải tạo đất đai thêm chất màu, rồi đúc trụ bê-tông cắm xuống đất này. Vườn thanh long mọc lên ngày càng xanh tốt đơm hoa kết trái. Những vụ bội thu được giá cao, vợ chồng anh xây dựng nhà cửa thêm khang trang, mua sắm đầy đủ phương tiện sản xuất, sinh hoạt đời sống.

Anh Nguyễn Tuấn Em cho biết công việc chính của gia đình anh là chăn nuôi đàn bò sinh sản và trồng cây thanh long. Vườn thanh long khỏe mạnh đang đơm hoa kết trái. Nơi vùng cát này có nguồn nước mạch ngầm trong sạch, an toàn cho việc tưới vườn, chăn nuôi gia súc và sinh hoạt đời sống gia đình. Ngoài ra, anh còn làm thêm dịch vụ chăm sóc sân vườn, hoa cảnh cho các khu resort. Chị Cao Thị Thanh Trang, vợ anh Tuấn Em là người phụ nữ mẫu mực yêu chồng, tháo vát, đảm đang, đã cùng anh vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống, nuôi dạy con cái lớn khôn. 3 người con gái lớn của anh chị đã có chồng làm nghề biển, đánh bắt, buôn bán hải sản, đời sống kinh tế ổn định. Cha của chị Trang, bác Cao Thanh Bình cũng là liệt sĩ đã hy sinh trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống Mỹ xâm lược đất nước ta. Bác Cao Thanh Bình nguyên là đội trưởng đội công tác dân vận của Huyện ủy Hàm Tân trước 1975.

Chiều về bình yên trên miền duyên hải, hàng phi lao ru êm bên sóng dào dạt vỗ bờ. Cồn cát uốn lượn chồng lớp, phong cảnh mênh mông kỳ vĩ mà tiềm ẩn nhiều khắc nghiệt của thiên nhiên. Ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Tuấn Em vững chãi hứng ngọn gió biển trong lành, mái tôn sáng lấp loáng bên vườn thanh long. Gió đại dương ào ạt thổi qua những lối cát lún chân còn thử thách lòng người.

NGUYỄN BÁ KHƯƠNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tiep-buoc-quan-hanh-122656.html