Tiếp cận các gói vay hỗ trợ COVID-19, nhiều gia đình ở Hà Nội thoát cảnh nợ nần trong gang tấc

Được tiếp cận gói vay đúng giai đoạn 'bình thường mới', nhiều hộ gia đình ở Thạch Thất như tìm được 'phao cứu sinh', không những thoát cảnh nợ nần mà còn phục hồi sản xuất sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh.

Hai năm qua, khi dịch COVID-19 lây nhiễm tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng không chỉ nền kinh tế, mà những hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ bị tác động rất lớn. Thậm chí là lâm cảnh nợ nần vì dịch COVID-19.

Bà Khương Thị Thu Huyền (43 tuổi, ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) là điển hình.

Là gia đình có truyền thống làm nghề mộc, chuyên sản xuất đồ nội thất gia đình nhưng trước sự ảnh hưởng của đại dịch, xưởng sản xuất của gia đình bà Huyền phải đóng cửa một thời gian dài vì không có đơn hàng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng sản xuất nội thất của gia đình bà Khương Thị Thu Huyền (43 tuổi, ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) đều phải ngưng trệ. Ảnh: B.Loan

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng sản xuất nội thất của gia đình bà Khương Thị Thu Huyền (43 tuổi, ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) đều phải ngưng trệ. Ảnh: B.Loan

Riêng với số ít đơn hàng cũ mà khách hàng đã đặt trước đó, bà Huyền cũng phải lo chi tiêu, ăn uống cho gần 10 lao động. Song, trước sự ảnh hưởng của dịch, bà Huyền cũng chưa thể biết chính xác được ngày giao được thành phẩm cho khách để có tiền trả công thợ.

Bởi sản phẩm nội thất hoàn chỉnh phải được lắp đặt tại tư gia, công trình, khách hàng nghiệm thu mới có tiền.

Đứng trước những nỗi lo về nguồn tiền lưu động cho sản xuất, chi trả nhân công, bà Huyền không khỏi lo lắng.

Bà Huyền cho biết: "Phần đa người dân ở làng Yên này đều làm nghề mộc, nên khi có dịch COVID-19, hoạt động sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Khi thì đơn hàng phải dừng sản xuất, lắp đặt theo yêu cầu của khách, khi thì phải lùi đơn hàng đến khi hết dịch, gia đình khách hàng tái ổn định thu nhập. Không chỉ gia đình tôi mà gần như các gia đình trong khu vực cũng đều bị đình trệ đơn hàng".

Tuy nhiên, được tiếp cận vốn vay hỗ trợ khôi phục sản xuất của Chính phủ, bà Huyền đã không còn cảnh nợ lương nhân công.

Tuy nhiên, được tiếp cận vốn vay hỗ trợ khôi phục sản xuất của Chính phủ, bà Huyền đã không còn cảnh nợ lương nhân công.

"Riêng nhà tôi có gần 10 công thợ lắp đặt đồ nội thất. Mặc dù tôi trả lương theo công ngày nhưng làm nội thất, khách hàng thanh toán sau khi nghiệm thu hàng hóa nên bên cạnh nguồn tiền đầu tư cho nguyên vật liệu, máy móc sản xuất, chúng tôi cũng phải chuẩn bị một số tiền để "gối" đơn, trả nhân công. Tuy nhiên, khi có dịch, mọi kế hoạch chi tiêu đều không được như tính toán. Chúng tôi đã tính vay mượn họ hàng để thoát cảnh nợ lương nhân công", bà Huyền cho hay.

Tuy nhiên, ngay khi có chủ trương về vay vốn hỗ trợ khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19 từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất, bà Huyền đã đăng ký và được vay 70 triệu đồng tiền vốn để giải quyết việc làm, phục hồi sản xuất. Cũng nhờ nguồn vốn này, bà Huyền cũng thoát cảnh nợ lương nhân công.

Xưởng chế tác gỗ của gia đình ông Nguyễn Đức Dũng có rất nhiều đơn hàng bị hủy, lùi thời gian thực hiện cho ảnh hưởng của đại dịch.

Xưởng chế tác gỗ của gia đình ông Nguyễn Đức Dũng có rất nhiều đơn hàng bị hủy, lùi thời gian thực hiện cho ảnh hưởng của đại dịch.

Không phải nợ lương lao động như gia đình bà Huyền, xưởng sản xuất đồ gỗ của ông Nguyễn Đức Dũng (53 tuổi, ở thôn Yên, xã Thạch Xá) lại bị hủy, bị lùi hàng chục đơn hàng vì dịch COVID-19.

Ông Dũng cho biết: "Xưởng gia đình tôi chỉ chuyên nhận thiết kế khuôn cửa và cửa. Thời điểm năm 2020 – 2021, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các đơn hàng gia đình tôi đang thực hiện đều tạm ngưng sản xuất, hoặc sản xuất xong thì xếp hàng để kho để thực hiện quy định phòng chống dịch. Chúng tôi tính sau giãn cách sẽ giao hàng cho khách nhưng hễ giao được hàng là khu vực khách hàng bị phong tỏa và ngược lại".

Thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, xưởng sản xuất gỗ của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Dũng phải ngưng sản xuất.

Thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, xưởng sản xuất gỗ của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Dũng phải ngưng sản xuất.

Trong bối cảnh số tiền đầu tư nguyên liệu ban đầu để lắp đặt cho khách đã cạn kiệt vì ảnh hưởng của dịch, ông Dũng đã tìm hiểu và lên kế hoạch vay vốn của một ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, vào giai đoạn "bình thường mới", được tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất từ Ngân hàng Chính sách huyện Thạch Thất theo chủ trương của Chính phủ, gia đình ông Dũng đã có thể đầu tư thêm máy hỗ trợ điêu khắc gỗ và nguyên vật liệu nhằm mở rộng quy mô sản xuất sau dịch COVID-19.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, ông Dương Quốc Mạnh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất cho biết, để phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn, Ngân hàng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ dân để khi được phân bổ vốn sẽ triển khai giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Theo ông Mạnh, Ngân hàng Chính sách đã thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ngân hàng đã phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, các tổ tiết kiệm và vay vốn bố trí khách hàng giao dịch chia theo khung giờ, đảm bảo giãn cách và không tập trung quá đông người tại từng thời điểm giao dịch.

"Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai đến các đối tượng vay tuy chưa phải lớn nhưng thật sự có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực về mọi mặt đến các hộ sản xuất kinh doanh; giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế", ông Mạnh cho hay.

Cũng theo ông Mạnh, tính đến hết tháng 2/2022, tổng dư nợ 09 chương trình vay vốn qua Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất đạt 474,6 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch giao). Trong đó, chương trình vốn hộ nghèo gần 2,8 tỷ đồng, cho 77 hộ vay; vốn cận nghèo gần 9,3 tỷ đồng cho 230 hộ vay; vốn mới thoát nghèo trên 39 tỷ đồng cho 977 hộ vay; vốn giải quyết việc làm trên 303 tỷ đồng cho 7.100 hộ vay; vốn học sinh sinh viên gần 5,7 tỷ đồng cho 193 hộ vay; vốn nước sạch vệ sinh môi trường gần 112,4 tỷ đồng cho 6.511 hộ vay; chương trình nhà ở xã hội trên 2 tỷ đồng cho 7 hộ vay; hộ nghèo về nhà ở trên 199 triệu đồng cho 31 hộ vay và xuất khẩu lao động 40 triệu đồng cho 3 hộ vay.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tiep-can-cac-goi-vay-ho-tro-covid-19-nhieu-gia-dinh-o-ha-noi-thoat-canh-no-nan-trong-gang-tac-172220313234545603.htm