Tiếp cận các phương tiện tránh thai hiện đại

Nữ hộ sinh thực hành cấy que tránh thai cho khách hàng. Ảnh: KIM CHI

Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam (MSV) vừa hỗ trợ Phú Yên tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật cấy que tránh thai nhằm hướng dẫn cho các nữ hộ sinh, chị em trong độ tuổi sinh sản từng bước tiếp cận được những phương tiện tránh thai (PTTT) hiệu quả, chất lượng.

Với phương pháp giảng dạy học tập tích cực, trong 2 ngày học tập, thực hành, các học viên đã được giới thiệu về que cấy tránh thai Femplant; cách tư vấn cho khách hàng có nhu cầu sử dụng que cấy tránh thai; được thao tác thực hành thuần thục trên mô hình và sử dụng cho khách hàng.

Biện pháp tránh thai hiện đại

Chị Lương Thị Mỹ Chi, cử nhân hộ sinh (Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh), cho biết: Lần đầu tiên được các bác sĩ đại diện tổ chức MSV hướng dẫn các bước kỹ thuật chuẩn cấy que tránh thai, tôi thấy rất hiện đại và dễ dàng thao tác cho khách hàng sử dụng, không như những biện pháp tránh thai (BPTT) thông thường khác.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nam, đại diện MSV, cho biết: Theo khảo sát được thực hiện bởi Tổng cục DS-KHHGĐ, rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn nước ta có nhu cầu sử dụng BPTT nhưng chưa được đáp ứng. Năm 2020, tổ chức MSV phối hợp Sở Y tế Phú Yên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cấy que tránh thai cho các nữ hộ sinh của trung tâm y tế các địa phương trong tỉnh, nhằm giúp các nữ hộ sinh có kỹ thuật tốt để sau này triển khai tại tuyến cơ sở.

Trong chương trình, các nữ hộ sinh đã thực hành cấy ghép que tránh thai trên các khách hàng (que cấy trị giá 1 triệu đồng được MSV tài trợ). Số khách hàng được lựa chọn kỹ, đảm bảo các tiêu chí: có nhu cầu tránh thai dài hạn, không có các chống chỉ định tuyệt đối (có thai, ung thư vú), chống chỉ định tương đối (đang bị thuyên tắc tĩnh mạch, lupus ban đỏ, ra máu âm đạo bất thường, tiền sử ung thư vú, xơ gan).

Chị Nguyễn Thị Tình, một khách hàng ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Tôi năm nay 25 tuổi, có con mới 2 tuổi. Vợ chồng tôi chưa có ý định sinh thêm cháu nữa nên quyết định sử dụng PTTT. Khi được các nữ hộ sinh tư vấn, tôi đồng ý với BPTT bằng que cấy tránh thai Femplant bởi đây là một trong những BPTT hiệu quả; không phải nhớ như khi sử dụng thuốc viên dạng uống và đặc biệt là tôi có thể sớm mang thai trở lại khi tháo que cấy”.

Còn chị Đỗ Ngọc Nga ở Đông Hòa cho hay: “Tôi yên tâm sử dụng PTTT bằng cách này bởi que cấy trên cánh tay, đơn giản, không gây đau đớn; giá thành không quá cao. Đặc biệt que cấy có thể tháo ra vào ngày hoặc trước ngày hết hạn sử dụng, rất thuận tiện”.

Xã hội hóa phương tiện tránh thai

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết công tác dân số nói chung và cung cấp dịch vụ KHHGĐ nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; trong đó có các vấn đề về chất lượng dịch vụ KHHGĐ, tình trạng sử dụng các BPTT không liên tục... Việc thiếu hụt các PTTT trong chương trình DS-KHHGĐ có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay số phụ nữ sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số.

Phú Yên đặt mục tiêu, năm 2020 đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình DS-KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, việc MSV tổ chức lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cấy que tránh thai cho các nữ hộ sinh trên địa bàn tỉnh rất có ý nghĩa, nhằm đáp ứng ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân; đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.

“Trong năm 2020, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung truyền thông, vận động thay đổi hành vi, phổ biến việc xã hội hóa PTTT tại các cơ sở y tế nhằm tạo thương hiệu và định hướng cho người có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Việc thực hiện đề án đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như trong phương thức tổ chức việc cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS; tạo ra cơ hội tiếp cận dịch vụ KHHGĐ thuận tiện và chất lượng cho người dân có nhu cầu, có khả năng tự nguyện chi trả dịch vụ KHHGĐ”, bác sĩ Dững cho hay.

Qua các buổi tập huấn đào tạo kỹ thuật cũng như việc khách hàng tham gia sử dụng que cấy tránh thai ngay, tôi thấy người dân Phú Yên rất mong muốn tiếp cận các dịch vụ PTTT hiện đại, điều đó thể hiện họ đã ý thức cao trong việc thực hiện KHHGĐ, đảm bảo công tác dân số trong tình hình mới. Hiện nay có rất nhiều BPTT, nhưng qua việc sử dụng que cấy tránh thai cho thấy nhiều khách hàng có nhu cầu tham gia PTTT hiện đại và có khả năng chi trả hơn trong việc sử dụng PTTT. Điều này đồng nghĩa với việc xã hội hóa PTTT ngày càng đi vào đời sống và người dân ngày càng chấp nhận, không như trước đây đều trông chờ Nhà nước bao cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nam, đại diện MSV

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/236450/tiep-can-cac-phuong-tien-tranh-thai-hien-dai.html