Tiếp cận Quỹ bảo lãnh tín dụng khó, vì sao?

Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc hỗ trợ các DN nhỏ vay vốn ngân hàng qua công cụ bảo lãnh tín dụng (BLTD) rất cần thiết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho biết, BLTD là một dạng bảo hiểm do một tổ chức tài chính cung cấp cho ngân hàng để ngân hàng cho khách hàng DN vay. Nếu không được bảo lãnh, DN này không thể vay ngân hàng vì không hội đủ các tiêu chí và điều kiện để vay tiền từ ngân hàng.

Thận trọng xét duyệt nhu cầu vay của doanh nghiệp

Thận trọng xét duyệt nhu cầu vay của doanh nghiệp

Theo Nghị định 34/2016/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ BLTD cho DN nhỏ và vừa, điều kiện để DN được Quỹ BLTD xem xét cấp bảo lãnh là: Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh phải được Quỹ BLTD thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không có các khoản nợ thuế từ một năm trở lên theo Luật Quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Nghị định 34/2016/NĐ-CP có một số hạn chế. Trước hết, về địa vị pháp lý: Quỹ BLTD là quỹ tài chính ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập. "Ngân sách của các tỉnh, thành phố và khả năng chuyên môn của các tỉnh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng rất hạn chế. Nếu chúng ta chỉ có những Quỹ BLTD địa phương, khả năng hoạt động của các quỹ này rất yếu ớt và không tạo được sự tin tưởng của ngân hàng thương mại để nhận sự bảo lãnh của Quỹ BLTD này" - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng không do ngân sách trung ương mà do ngân sách cấp tỉnh - cấp được đánh giá là quá ít ỏi để có thể phát hành bảo lãnh cho nhiều DN vay vốn ở ngân hàng. Đồng thời, Quỹ BLTD hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, bảo đảm an toàn vốn. Đây là hạn chế rất đáng kể cho hoạt động của Quỹ BLTD.

Tự chủ về tài chính và bảo đảm an toàn vốn có nghĩa, các quỹ sẽ phải kiểm soát rủi ro để tránh thiệt hại tài chính, tránh làm mất vốn đã được ngân sách địa phương cung cấp. Với nguyên tắc này, các quỹ sẽ rất thận trọng trong việc xét duyệt nhu cầu vay của DN và do đó, sẽ loại bỏ rất nhiều DN có nhu cầu nhưng độ rủi ro cao. Những DN này không tiếp cận được với ngân hàng, cũng không được Quỹ BLTD hỗ trợ…

Ngoài ra, các DN muốn được bảo lãnh phải hội đủ những điều kiện như tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không có các khoản nợ thuế từ 1 năm trở lên theo Luật Quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, DN phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp; có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định... Những điều khoản này không nên là những điều khoản bắt buộc mà chỉ nên mang tính khuyến khích.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, thay vì để các UBND tỉnh và thành phố tổ chức Quỹ bảo lãnh, Chính phủ nên tổ chức một Quỹ BLTD quốc gia, có trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh tại các tỉnh, thành phố. Quỹ BLTD quốc gia sẽ được trang bị dồi dào về vốn, nhân lực, thực hiện các chủ trương và kế hoạch của chính phủ trung tâm, tạo được sự tin tưởng ở các ngân hàng khi nhận bảo lãnh từ Quỹ BLTT quốc gia.

Quỹ BLTT quốc gia cần có một số vốn điều lệ thực tối thiểu 10.000 tỷ đồng, có thể cho phép cung cấp bảo lãnh với số dư tại bất cứ thời điểm nào lên đến 5 lần mức vốn điều lệ thực. Mỗi năm, Quốc hội hay Chính phủ cần bổ sung nguồn vốn tự có nếu vốn điều lệ thực xuống dưới mức 10.000 tỷ đồng.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-can-quy-bao-lanh-tin-dung-kho-vi-sao-142634.html