Tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của mỗi con người
An toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng con người; mà còn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội, thậm chí là chất lượng giống nòi. Chính vì lẽ đó, bảo đảm ATTP đã, đang và sẽ luôn là vấn đề nhiều thách thức, đòi hỏi sự định hướng, cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp.
Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa:
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019, tại Trung tâm Triển lãm, Hội chợ và Quảng cáo tỉnh.
Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh Thanh Hóa:
Vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt
Phóng viên: Thưa đồng chí, sự ra đời của Nghị quyết 04 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, phải chăng đã khẳng định quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc bảo đảm ATTP, giữa bối cảnh vấn đề chất lượng thực phẩm đang đặt ra gay gắt?
Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, ATTP là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững. Thế nhưng, tình trạng vi phạm các quy định về ATTP ở tỉnh ta diễn biến phức tạp, với nhiều hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, diễn ra ở tất cả các khâu, từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ. Tình trạng này đã tác động xấu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, môi trường đầu tư và uy tín, hình ảnh của Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập. Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất ATTP, ngày 18-8-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Với quan điểm, đảm bảo ATTP là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên và cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Đồng thời, mục tiêu đề ra đến năm 2020 là kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm ở tất cả các khâu. Có thể nói, sự ra đời của Nghị quyết số 04-NQ/TU đã khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở, cũng như kỳ vọng sẽ tạo ra một “luồng gió mới” trong công tác đảm bảo ATTP. Từ đó, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thực phẩm, cũng như đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn. Đồng thời, nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Phóng viên: Đảm bảo ATTP là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi, thực phẩm an toàn không chỉ góp phần cải thiện sức khỏe con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Vậy, xin đồng chí cho biết, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến ra sao?
Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Sau khi Nghị quyết số 04-NQ/TU được ban hành, việc tổ chức quán triệt, triển khai nghị quyết đã được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU; cũng như phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết, nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về đảm bảo ATTP đã có sự chuyển biến tích cực; tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về ATTP các cấp được thành lập và kiện toàn; sự phối hợp với các ban của Đảng, MTTQ và tổ chức đoàn thể được tăng cường, Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành và nhân rộng...
Đặc biệt, nhiều mục tiêu nghị quyết đề ra đã đạt và vượt kế hoạch. Lũy kế 3 năm (2017-2019), toàn tỉnh đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận ước đạt 26,11%, tương đương với 219.713 tấn; tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về ATTP đạt 68,8%, tương đương với 1.416/2.059 cơ sở; tỷ lệ bếp ăn tập thể được công nhận ATTP đạt 87,2% tương đương 878/1.007 bếp; tỷ lệ chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định TCVN 11856:2017 ước đạt 35%, tương đương 137/391 chợ; tỷ lệ cửa hàng kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về ATTP ước đạt 78,7%, tương đương 352/447 cửa hàng được xây dựng; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP ước đạt 31,7%.
Phóng viên: Vốn được xem là một “nan đề” không dễ giải. Do đó, cùng với những chuyển biến tích cực, thì hẳn là công tác đảm bảo ATTP ở tỉnh ta hiện cũng đang đặt ra không ít khó khăn, bất cập. Phải vậy không thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Quản lý vệ sinh ATTP là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Do đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 04 cũng gặp phải không ít trở ngại, thách thức. Đó là sự thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương; là nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức chưa cao; là ý thức chấp hành pháp luật về ATTP và trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn hạn chế... Đó là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhiều mục tiêu đề ra trong nghị quyết đạt thấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn. Việc cấp giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương còn thụ động, chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe...
Phóng viên: Vậy, để thông suốt các “điểm nghẽn” trên, nhằm đạt được các mục tiêu kỳ vọng đến năm 2020 mà Nghị quyết 04 đề ra, xin đồng chí cho biết, cần nhấn mạnh đến những yếu tố cơ bản nào?
Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Trong công tác đảm bảo ATTP, việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho mọi cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, được xem là nhiệm vụ đầu tiên. Chỉ khi những nội dung, những thông điệp cảnh báo hậu quả và các nguy cơ gây hại từ tình trạng mất ATTP được phổ biến sâu rộng thì khi ấy tính tự giác, tự ý thức và thay đổi hành vi, nhằm đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng mới được cải thiện theo hướng tích cực. Cùng với đó là tập trung xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình, điển hình về ATTP, xây dựng, nhân rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm quy mô lớn có thương hiệu và có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu để giúp người dân được tiếp cận với nhiều nguồn thực phẩm an toàn và huy động, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Tập trung tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTP. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.
Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài
Phóng viên: Vấn đề đảm bảo ATTP được gây dựng bởi một trong những trụ cột chính là hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, gắn với việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan.
Vậy xin đồng chí cho biết, vai trò và sự tham gia của các ngành, các địa phương đã và đang tạo ra “mạng lưới” quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm ở tất cả các khâu ra sao?
Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Do tính chất quan trọng nên công tác đảm bảo ATTP phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài của cả hệ thống chính trị, cũng như của mỗi người dân. Trong đó, cần đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp liên ngành chặt chẽ. Đồng thời, trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP phải đóng vai trò then chốt. Do vậy, hoàn thiện và tăng cường sức mạnh của hệ thống quản lý Nhà nước về ATTP là yếu tố tiên quyết, đảm bảo sự thành công và hiệu quả trong hoạt động bảo đảm ATTP. Ở tỉnh ta, cùng với sự ra đời của Nghị quyết số 04, hệ thống văn bản quản lý Nhà nước về ATTP cũng ngày càng hoàn thiện, theo đó trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP của các cấp, các ngành, các địa phương cũng được phân định rõ ràng. Tổ chức, bộ máy về quản lý ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã được thành lập và kiện toàn, đảm bảo việc phân công, phân cấp chức năng, nhiệm vụ một cách rõ ràng, không chồng chéo.
Tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước về ATTP ở một số địa phương còn thụ động, mới tập trung giải quyết được một vài vấn đề bức xúc, mà chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm và theo một chiến lược dài hạn. Bên cạnh đó, vẫn có những địa phương, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác đảm bảo ATTP. Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về đảm bảo ATTP ở một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa chú trọng đôn đốc, kiểm tra, đánh giá nên kết quả đạt thấp so với mục tiêu đề ra.
Phóng viên: Hiện nay, phần lớn hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm diễn ra ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cấp xã, phường, thị trấn phải là nhân tố đầu tiên, thậm chí là một nhân tố quyết định đến hiệu quả kiểm soát chất lượng thực phẩm. Thế nhưng, dường như, đây lại đang là một “mắt xích” yếu trong quy trình đảm bảo ATTP. Phải vậy không thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04, các địa phương đã chú trọng thành lập ban nông nghiệp xã và 4.324 tổ giám sát ATTP thôn/bản/phố, 300 tổ giám sát ATTP tại chợ. Đây được xem là nhân tố nòng cốt thực hiện công tác đảm bảo ATTP tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ban, tổ này vẫn là một vấn đề cần quan tâm. Thực tế hoạt động cho thấy, ban nông nghiệp xã ở một số địa phương vẫn chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, lực lượng cán bộ chuyên trách về ATTP cấp xã không có, 100% là cán bộ kiêm nhiệm nên chất lượng tham mưu quản lý Nhà nước về ATTP còn rất hạn chế. Ngoài ra, nguồn kinh phí bố trí cho công tác đảm bảo ATTP ở cấp xã còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu (trung bình 15 triệu đồng/xã, phường, thị trấn)... Chính những khó khăn, bất cập này đã cản trở sự tham gia, cũng như phát huy vai trò của cấp xã, phường, thị trấn với tư cách là một nhân tố quyết định đến hiệu quả kiểm soát chất lượng thực phẩm từ gốc.
Phóng viên: Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì sự phát triển giống nòi. Đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp thực hiện Nghị quyết 04. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để những người sản xuất, kinh doanh có thể “tự ý thức”, “tự trách nhiệm” về những hành vi của mình, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Có thể nói, việc được tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản của mỗi con người. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, gây bức xúc trong dư luận và giảm niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì lẽ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì sự phát triển giống nòi là vấn đề đã, đang và sẽ luôn được đặt ra trong công tác đảm bảo ATTP. Để làm được điều này, trước hết, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, hướng dẫn, phổ biến việc chấp hành pháp luật về ATTP phải là giải pháp cơ bản, trọng tâm, đi trước một bước trong các hoạt động đảm bảo ATTP; đồng thời, cần gắn với một cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ mọi khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe các hành vi trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATTP.
Phóng viên: Thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi tiêu dùng của người dân cũng được xem là một trong những “chìa khóa” cho vấn đề đảm bảo ATTP. Song, trong bối cảnh hiện nay, để mỗi người dân trở thành một “người tiêu dùng thông thái”, cũng là không dễ dàng.
Vậy thưa đồng chí, những rào cản nào cần loại bỏ nhằm từng bước nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm ATTP, cũng như thay đổi tình trạng sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc của người dân?
Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Vài năm trở lại đây, chúng ta đã nói nhiều đến việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Đồng thời, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn, gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm... Từ đó, đưa các loại thực phẩm an toàn ra thị trường và tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, dù số lượng nhiều nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao, chưa đảm bảo tính bền vững. Trong khi đó, khối lượng thực phẩm an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh chưa nhiều. Ngoài ra, do tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập còn thấp, nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, thực phẩm không an toàn. Đây cũng chính là những rào cản cơ bản cần khắc phục, nhằm giúp người tiêu dùng từng bước có thể tiếp cận với các kênh, các nguồn thực phẩm an toàn. Đồng thời, từng bước nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm ATTP.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!