Tiếp cận tín dụng góp phần nâng hạng quốc gia

Vị trí thứ 25 trong bảng xếp hạng chỉ số tiếp cận tín dụng cũng có nghĩa Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên để cải thiện thứ hạng, chỉ riêng nỗ lực của ngành ngân hàng là chưa đủ...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đúng như nhận định của các chuyên gia, với việc CIC cập nhật vào kho dữ liệu thông tin của khách hàng vay quan hệ với các nhà bán lẻ và các đơn vị cung ứng dịch vụ, Chỉ số độ sâu thông tin tín dụng đã ghi nốt điểm cuối cùng, đạt điểm tối đa 8/8 điểm trong Bảng xếp hạng thường niên về môi trường kinh doanh lần thứ 17 - Doing business 2020 của WB.

Qua đó giúp chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm so với năm 2019 đã đưa Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2019 lên thứ hạng 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đứng thứ 2 trong ASEAN (chỉ sau Brunei – hạng 1/190), cao hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước có thu nhập cao khu vực OECD.

Như vậy, chỉ số tiếp cận tín dụng đã trở thành điểm sáng trong việc thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, khi vượt xa mục tiêu đặt ra nằm trong top 30 quốc gia có điểm cao nhất và nằm trong top 4 ASEAN. Đây cũng là thành quả đáng tự hào của ngành Ngân hàng sau những nỗ lực không ngừng nghỉ cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên đó mới chỉ là một trong những hoạt động của NHNN cũng như ngành Ngân hàng trong việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng.

Là một ngành chủ lực điều tiết huyết mạch của nền kinh tế, những năm qua NHNN không chỉ chú trọng cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng theo yêu cầu của Chính phủ mà hơn thế đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động bao trùm lên toàn bộ hoạt động của Ngành góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 (theo Quyết định 1355/QĐ-NHNN).

Tiếp đó là các kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh riêng cho từng năm để vừa kế thừa thành quả đã đạt được vừa điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn hoạt động, yêu cầu của Chính phủ quan trọng hơn là hướng đến quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng.

Ở đó, những giải pháp, nhiệm vụ được giao đến cho từng đơn vị NHNN, TCTD, CIC từng bước cải thiện từng chỉ số thành phần có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Quan trọng hơn, để tạo nên một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, qua đó thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhiều năm qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và kiểm soát tỷ giá. Đồng thời NHNN tạo điều kiện cho các TCTD đảm bảo cân đối vốn và kịp thời hỗ trợ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho các DN, kích thích mở rộng đầu tư phát triển.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố cũng những bước chuyển mạnh mẽ của ngành Ngân hàng trong việc tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay. Ghi nhận tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân chiếm 122% GDP, WEF đánh giá Việt Nam được tối đa 100 điểm trên thang điểm 100 đứng thứ 27/141 nước.

Đối với các đối tượng yếu thế, cơ hội tiếp cận tín dụng ngày càng mở rộng nhờ các chính sách của ngành hỗ trợ triển khai có hiệu quả kênh tín dụng chính sách của Chính phủ qua NHCSXH với hơn 7 triệu đối tượng thụ hưởng, qua hệ thống QTDND với hơn 1,6 triệu khách hàng thụ hưởng cùng với đó là việc phát triển mạng lưới các tổ chức tài chính vi mô và các TCTD.

Việc 4 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ là một minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của NHNN và ngành Ngân hàng trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và các tổ chức trong tiếp cận thực hiện các thủ tục hành chính.

Vị trí thứ 25 trong bảng xếp hạng chỉ số tiếp cận tín dụng cũng có nghĩa Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên để cải thiện thứ hạng, chỉ riêng nỗ lực của ngành ngân hàng là chưa đủ. Đơn cử vướng mắc trong việc kết nối thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ công ích (như điện, nước, mạng truyền thông…) có ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng liên quan đến chính sách cho phép cung cấp, chia sẻ thông tin về lịch sử giao dịch của khách hàng cho công ty thông tín dụng.

Những vấn đề nằm ngoài phạm vi quản lý và điều tiết của NHNN này đã được đưa ra phương hướng xử lý cùng các bộ ngành trong Tài liệu hướng dẫn Chỉ số Tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn của WB mà NHNN đã ban hành tháng 3/2019. Hiệu ứng còn lại kỳ vọng vào sự chủ động chung tay nhanh và mạnh của các bộ ngành trong việc cải thiện chỉ số quyền lợi pháp lý và chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng để chỉ số tiếp cận tín dụng tiếp tục trở thành một điểm sáng, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh chung của Việt Nam tiến nhanh hơn.

Nhất Thanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tiep-can-tin-dung-gop-phan-nang-hang-quoc-gia-94074.html