Tiếp cận vốn tín dụng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa - ngân hàng vẫn khó gặp nhau

Sau Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại Hà Nội hồi giữa tháng 5, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã đến các địa phương để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn vốn tín dụng hậu Covid-19. Tuy nhiên, bài toán khó nhất vẫn là làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Ngân hàng chia sẻ…

Chưa đầy 1 tuần sau Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (NH – DN) tại Hà Nội. Tiếp đó, hàng loạt Hội nghị được tổ chức trên khắp các tỉnh, thành. Các DN đã chia sẻ việc được các NH giãn nợ, được vay mới với lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất kinh doanh (SXKD)… Tuy nhiên vẫn có DN phản ảnh khó tiếp cận vốn NH.

“Đúng là với những DN lớn có quan hệ thường xuyên và có điều kiện kinh tế khá thì vẫn tiếp cận với các khoản tín dụng một cách bình thường, thậm chí có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn này, DN bị ảnh hưởng trực tiếp là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Những DN này ít được tiếp xúc với nguồn vốn tín dụng...” - ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên thừa nhận.

Lý do ông Khoa đưa ra là: Phương án SXKD và các tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện, khả năng quản trị của DN còn hạn chế. “Chúng tôi đã nắm bắt được điều này và thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng các ngành, các cấp tiếp xúc với các DN này, tìm kiếm các cơ hội cho vay được tốt hơn. Tôi xin được nhấn mạnh thêm, các TCTD cũng là DN, cho nên họ cũng gặp những khó khăn tương tự với các DN khác...” - ông Khoa nhấn mạnh.

Đại diện NHNN Chi nhánh Yên Bái cũng bày tỏ, trong quá trình rà soát, đánh giá khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các NH gặp khó khăn khi thu thập hồ sơ tài liệu khách hàng là hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ, siêu nhỏ do đối tượng này không có hệ thống sổ sách kế toán hoặc có ghi chép không đầy đủ dẫn đến khó xác định mức độ ảnh hưởng, mức độ thiệt hại cụ thể. Điều đó gây khó quyết định hình thức hỗ trợ phù hợp.

Theo ông Hà Mậu Quý – Giám đốc Chi nhánh BIDV tỉnh Thái Nguyên, hầu hết các DN Việt Nam nói chung và DN trên địa bàn Thái Nguyên nói riêng là các DN nhỏ và siêu nhỏ nên cơ cấu tổ chức, bộ máy tổ chức thường được tiết giảm tối đa về công tác quản trị, không có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Vì vậy, việc thực hiện các dự án đầu tư, các phương án kinh doanh hoặc các cơ chế pháp lý còn nhiều bất cập. Việc xây dựng phương án kinh doanh vẫn còn thiếu, chưa rõ ràng. Do đó, cơ sở để các NH thẩm định các thông tin đầu vào, kể cả các báo cáo mang tính chất minh bạch của DN nhỏ và vừa sẽ khó khăn hơn so với các DN lớn.

Cũng theo đại diện NH này, khi NH quyết định cho vay với 1 khách hàng thì điều kiện đầu tiên lại là phương án SXKD phải đảm bảo tính khả thi, tính minh bạch, thông tin và các điều kiện đi kèm. “Và nếu phương án SXKD khả thi, tốt thì các điều kiện đi kèm sẽ được giảm bớt. Có trường hợp không cần tài sản đảm bảo vẫn có thể cho vay được...” - ông Quý khẳng định.

...Nhưng không hạ chuẩn cho vay

Đó là khẳng định của lãnh đạo NHNN tại nhiều hội nghị và Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 cũng khẳng định: “Hệ thống NH sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế nhưng sẽ không hạ thấp các điều kiện, tiêu chuẩn cho vay nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống!”.

Về phía các TCTD, ông Hà Mậu Quý – Giám đốc Chi nhánh BIDV tỉnh Thái Nguyên cũng thẳng thắn: “Chúng tôi đánh giá và ghi nhận phản ánh về khó khăn của các DN. Tuy nhiên, NH cũng là DN, nguồn vốn của NH đến từ người dân và DN nên khi cho vay chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho họ. Chính vì vậy, chúng tôi luôn tuân thủ những chuẩn mực theo quy định của NHNN, không hạ chuẩn cho vay để sau này nợ xấu không có cơ hội bùng phát...” - ông Quý thẳng thắn.

“Đúng là các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN siêu nhỏ thì khó tiếp cận các gói tín dụng vì các báo cáo tài chính cùng hạn mức vốn của những DN này còn hạn chế. Tôi kiến nghị NHNN có thể đưa ra các hình thức bảo lãnh tín dụng cho các DN có khả năng vốn chủ sở hữu ít trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải,… NH có thể đánh giá theo hình thức bảo lãnh để các DN này có thể tiếp cận. Phía các DN cần có những báo cáo tài chính công khai, minh bạch, nêu rõ khó khăn của mình cho NH biết. Tôi tin hai bên cố gắng thì sẽ gặp nhau...” -Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời hiến kế.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phạm Quang Thắng cũng cho rằng NH không thiếu vốn, nhưng DN cần chứng minh rõ ràng, NH mới có cơ sở cho vay. “Quỹ bảo lãnh tín dụng là công cụ để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, trước đây quỹ này hoạt động không tốt lắm, giờ là lúc cần đẩy mạnh hơn...” - ông Thắng nói, đồng thời đề nghị, trong thời gian tới cần lập ra những lớp tập huấn để giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay.

Tại Hội nghị kết nối NH-DN nhằm hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại Yên Bái tổ chức ngày hôm qua (28/5), NHNN cho biết, đến ngày 25/5/2020, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767 nghìn tỷ đồng cho hơn 196 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã gia hạn nợ cho hơn 150 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 25 nghìn tỷ đồng...

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/tiep-can-von-tin-dung-doanh-nghiep-nho-va-vua-ngan-hang-van-kho-gap-nhau-520137.html