'Tiếp lửa' sáng tạo cho người học bằng thiết bị tự tạo

Từ những thiết bị dạy học tự thiết kế, thầy cô Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận khơi dậy niềm đam mê cho học sinh, sinh viên (HSSV) sáng tạo sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn.

New Page 1

Thầy cô tham gia sáng tạo

Với mục đích giúp sinh viên tìm hiểu về sơ đồ nguyên lý, thiết bị thực hành lắp đặt, bảo trì và sửa chữa máy điều hòa không khí, máy ổn áp, hệ thống chiller làm lạnh nước ứng dụng thực tế trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản… các thầy cô tự sáng tạo mô hình dàn trải các loại máy trên.

Chẳng hạn, khi HSSV thực hành máy điều hòa không khí đang còn hoạt động tốt, thì các em không hình dung được các chi tiết bên trong máy, không biết được các lỗi hệ thống hay gặp phải trong thực tế. Hơn thế nữa, các HSSV “nhát tay” không dám thực hành vì e sợ làm hỏng máy. Từ đó, thầy cô Khoa kỹ thuật máy lạnh & điều hòa không khí sáng tạo thiết bị dạy học thực hành - mô hình máy điều hòa không khí 2 cụm 1 chiều áp tường. Tương tự, 3 mô hình sáng tạo khác cũng được thầy cô thực hiện trong năm 2021 nhằm phục vụ vào việc dạy thực hành. Đó là mô hình dàn trải ổn áp LIOA - 5KVA, mô hình chiller làm lạnh nước - ứng dụng cho nuôi trồng thủy sản, mô hình dàn trải ổn áp Lioa, mô hình tán sắc - giao thoa ánh sáng. Cả 4 mô hình này đều đạt giải cấp trường trong năm nay.

Cô Nguyễn Thị Thanh Kiều - Khoa kỹ thuật cho biết: Giáo viên tháo tất cả các bộ phận trong máy lạnh và lắp theo ý tưởng thiết kế riêng, nhưng vẫn đảm bảo máy lạnh hoạt động bình thường, được gọi là mô hình dàn trải. Trên các bộ phận dàn trải được tạo lỗi hư hỏng hay gặp nhất trong thực tế sử dụng. Quá trình thực hành, người học sẽ đạt được những kỹ năng nhận biết các lỗi hệ thống, cách khắc phục, sửa chữa các lỗi đó.

Theo cô Nguyễn Hải Minh - dạy môn vật lý thuộc khoa Công nghệ Thông tin và Cơ bản, nhà trường không có mô hình hiện tượng tán sắc và giao thoa ánh sáng. Để giúp cho học sinh học môn vật lý tại trường có cái nhìn trực quan về hiện tượng này, cô Hải sáng tạo bổ sung thiết bị giảng dạy. Thông qua đó, học sinh có kiến thức về hiện tượng tán sắc ánh sáng diễn ra như thế nào, hiện tượng giao thoa ánh sáng diễn ra như thế nào, cách lắp đặt hệ thống thí nghiệm, cách thực hiện các bước thí nghiệm, cách đo bước sóng ánh sáng và tính toán, kiểm nghiệm kết quả.

Máy rửa tay sát khuẩn tự động của HSSV Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận.

Máy rửa tay sát khuẩn tự động của HSSV Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận.

“Tiếp lửa” cho trò

Với sự sáng tạo mô hình tự làm ấy, thầy cô Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận “tiếp lửa” hướng dẫn cho HSSV trong trường đam mê sáng tạo mô hình sản phẩm có mang tính ứng dụng trong thực tiễn. Cụ thể, em Thông Minh Luận - lớp K15-2 trung cấp điện công nghiệp, đã sáng tạo mô hình chăm sóc tự động các loại cây ngắn ngày trong nhà kính. Sử dụng vật liệu đơn giản (thùng xốp chứa đất trồng cây, quạt làm mát, đèn led, động cơ bơm, mô đun cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mực nước…) góp phần giảm công lao động bằng tay chân, mang lại năng suất thu hoạch. Em Luận chia sẻ: “Câu chuyện các loại cây ngắn ngày trồng ngoài trời phụ thuộc vào thời tiết dẫn đến sâu bệnh, năng suất thu hoạch thấp. Người nông dân sử dụng lao động tay chân nhiều. Vì thế, em tìm hiểu cách làm trên để người nông dân giảm được chi phí sản xuất, đạt năng xuất sản lượng hơn”.

Một sáng tạo khác là máy rửa tay sát khuẩn tự động dùng Aduino do sinh viên Bùi Du Lưu và học sinh Đàng Đình Nguyên của Khoa kỹ thuật thực hiện vào cuối năm 2020. Do thấy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 2 bạn sử dụng như bộ điều khiển Arduino, hộp cảm biến, vỏ hộp bằng nhựa hoặc form…tạo máy rửa tay sát khuẩn cấu tạo nhỏ, gọn. Khi người sử dụng đưa tay vào, máy sẽ tự động phun nước sát khuẩn ở chế độ phun sương và ngưng phun khi rút tay khỏi máy nhằm phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Đến nay, nhóm HSSV và thầy cô sản xuất được 20 máy tặng cho một số resort, trường THCS, THPT trong tỉnh.

Thầy Nguyễn Văn Trung - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận cho biết: Để khai thác khả năng sáng tạo của giáo viên, nhà trường huy động giáo viên tự thiết kế mô hình thiết bị đào tạo có tính ứng dụng thiết thực, phù hợp với chương trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tránh lãng phí. Từ những sáng tạo của thầy cô là sự “tiếp lửa”, giúp HSSV say mê tìm tòi, khám phá để làm giàu thêm kiến thức, thêm những kỹ năng cần thiết giúp các HSSV vững bước vào đời.

Trang Minh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/tiep-lua-sang-tao-cho-nguoi-hoc-bang-thiet-bi-tu-tao-139684.html