Tiếp nối thành công, hướng tới tương lai

Trong năm qua, nước ta đã ngăn chặn thành công dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế và kỳ vọng thời gian tới sẽ phát huy những thành quả đạt được ở cấp độ cao hơn

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH:

Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do

Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do

Năm 2021, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục biến động không ngừng, trong đó có dịch Covid-19. Đó là những thách thức đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cơ hội, đó là xu thế hòa bình, ổn định, xu thế mong muốn hòa bình, tiếp tục phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang tiến lên, trong đó kinh tế số, những vấn đề liên quan đến công nghệ cao là những cơ hội phát triển của chúng ta, không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn tạo ra những phương thức hoạt động cho chúng ta trong hoạt động đối ngoại.

Trong năm tới, hoạt động đối ngoại sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược, các đối tác toàn diện, các nước láng giềng bằng những phương thức mới, đạt hiệu quả cao. Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đồng thời trong ASEAN, chúng ta phải làm sao để phát huy được những kết quả trong năm Chủ tịch ASEAN, tiếp tục duy trì đà phát triển của ASEAN cũng như những sáng kiến, những nội dung của ASEAN trong năm 2020 tiếp tục phát triển trong năm 2021.

Chúng ta đã tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Chúng ta phải làm sao để thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mang lại. Quan trọng hàng đầu là chúng ta phải duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là mục tiêu hết sức lớn lao và xuyên suốt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn động viên cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khu điều trị cách ly Trung tâm Y tế Bình Sơn cơ sở 2, tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng Ảnh: TUẤN DŨNG

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn động viên cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khu điều trị cách ly Trung tâm Y tế Bình Sơn cơ sở 2, tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng Ảnh: TUẤN DŨNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ:

Phải có quyết tâm hành động

Phải có quyết tâm hành động

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội đề ra cho cả nhiệm kỳ 2020-2025 và mục tiêu TP Hà Nội xác định cho năm 2021 là rất rõ ràng, cụ thể với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các cấp, các ngành và từng cán bộ chủ chốt thủ đô sau khi quán triệt Nghị quyết Đại hội phải có quyết tâm hành động, bắt tay ngay vào thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung nghị quyết thành các chương trình công tác, nghị quyết, kế hoạch, đề án để thực hiện.

Để thực hiện tốt các mục tiêu của nhiệm kỳ mới, các cấp ủy và từng cán bộ chủ chốt thành phố quán triệt thực hiện nghiêm quan điểm xuyên suốt của Đảng: "Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên".

Hà Nội phải định vị là thành phố sáng tạo, tập trung đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo; nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), từ đó nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Với tình hình dịch bệnh như vừa qua, chắc chắn phải có cách làm khác thì thành phố mới đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2021 là 7,5%.

GS-TS NGUYỄN THANH LONG, Bộ trưởng Bộ Y tế:

Xây dựng nền y tế thông minh

Xây dựng nền y tế thông minh

Năm qua, dù phải chống dịch Covid-19 nhưng ngành y tế vẫn nỗ lực chuyển đổi số, bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Dù là bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước hạn Chính phủ giao nhưng chúng tôi không vì thế mà hài lòng. Việt Nam là một trong số quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng tờ khai y tế điện tử. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước chống dịch Covid-19 thành công nhất với chi phí tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất.

Một trong những mục tiêu của ngành y tế là thực hiện chuyển đổi số y tế để y tế Việt Nam hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Với chuyển đổi số, ngành y tế không đặt mục tiêu về số lượng mà hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn. Thực hiện chuyển đổi số y tế, chúng ta phải hoàn thành việc triển khai hệ thống thông tin y tế quốc gia thông qua nền tảng số. Thông tin y tế được thu thập đầy đủ, kịp thời và được chia sẻ theo phân quyền và bảo mật phù hợp cho tất cả cơ sở y tế, cơ quan, doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối với tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc. Mỗi người dân có thể tự quản lý, kiểm soát và thông báo thông tin sức khỏe của mình thông qua hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Trong tương lai không xa, với hồ sơ sức khỏe mỗi cá nhân, bác sĩ biết tình trạng bệnh nhân, phát triển các ứng dụng thông minh để "mỗi người dân có một bác sĩ riêng".

Chuyên gia kinh tế, TS LÊ ĐĂNG DOANH:

Cần tinh thần cải cách mạnh mẽ

Cần tinh thần cải cách mạnh mẽ

Thành tựu lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2020 là kiểm soát được dịch Covid-19 và duy trì được sự tăng trưởng GDP. Lĩnh vực nổi bật phải kể đến là nông nghiệp, khi năm qua tăng trưởng trong lĩnh vực này đã trở thành bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế, với sự đóng góp rất lớn của nông - lâm - thủy sản.

Hội nhập cũng là một điểm nhấn của kinh tế trong năm qua, khi Việt Nam tham gia ký kết và đã có hiệu lực hàng loạt hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), CPTPP, RCEP… Thu hút đầu tư nước ngoài cũng là dấu ấn, đặc biệt là việc chúng ta trở thành nơi đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát vẫn được kiểm soát, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong dịch bệnh được triển khai. Dù vậy, cần tiếp tục cải thiện về quy trình, hồ sơ thủ tục để người dân tiếp cận được sớm, đầy đủ. Ngoài ra, dù số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động do khó khăn còn nhiều, lượng doanh nghiệp mới thành lập, mới ra đời vẫn rất lớn và tạo niềm hy vọng đối với nền kinh tế.

Năm 2021, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt ở cả thị trường trong nước và quốc tế, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng. Từ đó, đòi hỏi cả Chính phủ và các doanh nghiệp phải có tinh thần cải cách rất mạnh mẽ. 2021 cần được tập trung là năm của chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, bởi chỉ có chuyển đổi số mới giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, kết nối được với các tập đoàn đa quốc gia…

Nhóm Phóng viên ghi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tiep-noi-thanh-cong-huong-toi-tuong-lai-20201231210059318.htm