Tiếp nối tinh thần 'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi'

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: 'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi'. Tiếp nối tinh thần đó, văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã cho thấy những lĩnh vực then chốt của văn hóa chuyển biến tích cực… Văn hóa đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết cách đây 75 năm, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Lời hiệu triệu của Người và những mục tiêu cốt lõi được đặt ra tại Hội nghị này đã khơi dậy ngọn lửa quyết tâm, là động lực tinh thần của toàn dân tộc để cùng với chính trị và kinh tế, văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Tiếp nối tinh thần đó, trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam.

Kể từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, dù còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực, quyết tâm, ngành văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”; xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để “khơi thông nguồn lực” và “thúc đẩy sáng tạo”; tăng cường “củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa” nhằm tháo gỡ rào cản chính sách, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự hạch toán có sự tài trợ một phần của Nhà nước; xây dựng cơ chế đặc thù với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm…

Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hóa đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển đất nước, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa… Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Đây là những quan điểm, nội dung hết sức quan trọng, xuyên suốt, có tính thế thừa và có nhiều điểm mới về phát triển văn hóa.

Trong quá trình xây dựng và tiếp biến văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên thương hiệu cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới” .

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, do ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình về phát triển văn hóa, trong thời gian tới đây, Bộ VHTT&DL kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành nỗ lực, tập trung tiếp tục thực hiện nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 trước hết là ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

Theo đó, làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Hai là xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án luật, nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa .

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột, gồm tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Ba là, định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Việc tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội chính là giải pháp căn cốt để hình thành hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; tạo sự chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ra thế giới nhằm gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, định vị “thương hiệu quốc gia”, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Bốn là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Do đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập.

Năm là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Sáu là quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa.

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/tiep-noi-tinh-than-van-hoa-soi-duong-cho-quoc-dan-di/453974.vgp