Tiếp nối truyền thống vùng mỏ Anh hùng

Đưa chúng tôi đi thăm khu vực moong khai thác than lộ thiên rộng lớn, ngút tầm mắt, anh Nguyễn Thạc Tân, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Khánh Hòa (VVMI) phấn khởi nói: Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực vượt qua. Nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử càng tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi viết tiếp truyền thống Anh hùng của những người thợ mỏ trên quê hương Thái Nguyên…

Khu vực moong khai thác than của Công ty.

Khu vực moong khai thác than của Công ty.

Tháng 9-1949, được sự đồng ý của Chính phủ, Nha Khai khoáng và Công nghệ đã ra quyết định thành lập Xí nghiệp Than Lam Sơn (bao gồm Mỏ than Làng Cẩm và Mỏ than Quán Triều), do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý. Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, năm 1956, Xí nghiệp Lam Sơn được chia tách thành 2 đơn vị là Mỏ than Quán Triều và Mỏ than Làng Cẩm. Mỏ than Quán Triều (là Công ty Than Khánh Hòa ngày nay) đội ngũ chỉ có 300 công nhân và một chi bộ với 20 đảng viên. Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá ra miền Bắc, lực lượng tự vệ của mỏ lập tức được củng cố, hầm than là chiến hào, trên tầng than là trung đội trực chiến. Năm 1967, trong khí thế sục sôi chống đế quốc Mỹ của quân và dân cả nước, Mỏ than Quán Triều được đổi tên là Mỏ than Khánh Hòa (tên của tỉnh Khánh Hòa kết nghĩa với tỉnh Bắc Thái). Cũng trong những năm này, với tinh thần sục sôi chi viện cho tiền tuyến, hơn 150 công nhân của mỏ xung phong lên đường nhập ngũ, nhiều người đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường miền Nam khốc liệt lúc bấy giờ.

Hệ thống rửa xe cho khách hàng vào tiêu thụ than của Công ty được tự động hóa, hạn chế bụi bẩn ra môi trường.

Hệ thống rửa xe cho khách hàng vào tiêu thụ than của Công ty được tự động hóa, hạn chế bụi bẩn ra môi trường.

Đưa chúng tôi đi thăm công trường khai thác than, nhìn xuống phía dưới lòng moong sâu khoảng trên 250 mét, những chiếc xe tải hạng nặng (50 đến 60 tấn) giờ giống như những chú bọ cánh cam cần mẫn vòng quanh, anh Nguyễn Thạc Tân, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Khánh Hòa cho biết: Trữ lượng than ở mỏ Khánh Hòa khá lớn, nhưng chất lượng than không cao, nên để sử dụng có hiệu quả nguồn than tại đây, các đồng chí lãnh đạo của Tổng Công ty Than Việt nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt nam) đã luôn trăn trở tìm tòi nghiên cứu, hình thành ý tưởng xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng than Khánh Hòa.

Những phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng Công ty Than Khánh Hòa:
- Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (năm 2005)
- 1 Huân chương Độc lập hạng Ba.
- 1 Huân chương Chiến công hạng Ba
- 1 Huân chương Lao động hạng Nhất
- 1 Huân chương Lao động hạng Nhì
- 1 Huân chương Lao động hạng Ba

Bằng tâm huyết, sự năng động, sáng tạo cùng với quyết tâm thực hiện, được sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn đã được Chính Phủ phê duyệt ngày 3/12/1998 với tổng mức đầu tư gần 124 triệu USD. Thiết kế của nhà máy gồm 2 tổ máy, công suất phát điện 100 MW, sử dụng 75% than Khánh Hòa và 25% than Núi Hồng. Sau nhiều năm xây dựng, lắp ráp thiết bị và chạy thử nghiệm, tháng 7-2007, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn chính thức phát điện thương phẩm lên lưới điện Quốc gia. Nhờ sự ra đời của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và các nhà máy xi măng của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, than Khánh Hòa đã tiêu thụ ổn định với sản lượng hàng năm từ 550.000 đến 600.000 tấn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, sau khi cơ cấu lại (trở thành Chi nhánh của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc), Công ty Than Khánh Hòa hiện có trên 720 lao động, trong đó có 187 động nữ; 5 phân xưởng và 43 tổ sản xuất; số lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 605 người. Do điều kiện sản xuất có nhiều yếu tố độc hại, nặng nhọc, nên việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động được Công ty đặc biệt quan tâm. Mạng lưới an toàn, vệ sinh viên của Công ty hiện có 48 người. Công ty đã ban hành 200 quy trình, hướng dẫn vận hành sửa chữa thiết bị xe máy, 290 nội quy an toàn cho các nghề, công việc. Từ tổ sản xuất đến các phân xưởng đều có đủ sổ sách ghi chép phục vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động theo mẫu thống nhất.

Những chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2021:
- Đất đá bóc: 4.500.000 m³
- Than nguyên khai: 430.000 tấn
- Than tiêu thụ: 600.000 tấn
- Doanh thu: 799,295 tỷ đồng
- Tiền lương bình quân: 9.782.000 đồng/người/tháng

Tháng 11-2020, Công ty đã cho áp dụng thử nghiệm phần mềm giao việc trực tuyến cho các đơn vị, bước đầu đạt được một số kết quả rất tốt và thuận lợi. Hàng tháng, Trung tâm an toàn của mỏ tổ chức lấy mẫu khí, mẫu than, mẫu nước để phân tích, có dự báo về các nguy cơ về cháy nổ, bục nước, bục khí. Công ty cũng đã đầu tư 5 xe chuyên dụng tưới nước chống bụi đường vận tải khu vực sản xuất, đường tiêu thụ trong khu vực Công ty; bảo đảm hoạt động của hệ thống phun nước chống bụi cục bộ ở những khu vực phát tán nhiều bụi, trồng cây xanh ở những khu đất trống; làm lều lán, trang bị ô che mưa nắng cho công nhân làm việc ngoài trời…

Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Nguyễn Thạc Tân, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Khánh Hòa trăn trở: Trong 50 năm trở lại đây, Công ty đã bốc xúc, vận chuyển trên 90 triệu mét khối đất đá, khai thác trên 13 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ hơn trên 11 triệu tấn than sạch. Khối lượng than đó đã tham gia sản xuất hàng triệu tấn xi măng, hàng tỷ kW điện, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước trước đây và sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước ngày nay. Riêng năm 2020, Công ty đã bốc xúc, vận chuyển trên 4,7 triệu m³ đất đá; khai thác 431.307 tấn than nguyên khai; tiêu thụ 638.182 than sạch; doanh thu 829 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch); nộp ngân sách Nhà nước 219 tỷ đồng; bảo đảm lương bình quân cho người lao động gần 10 triệu đồng/người/tháng. Bằng sự nỗ lực và truyền thống của đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, chúng tôi sẽ viết tiếp những trang sử tươi đẹp về người thợ mỏ trên quê hương Thái Nguyên đổi mới.

Thế Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/tiep-noi-truyen-thong-vung-mo-anh-hung-284798-108.html