Tiếp nối và phát huy truyền thống gia đình cách mạng
Các thế hệ cha anh với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Để kế thừa và tiếp nối truyền thống, gia đình các liệt sĩ, thương binh tiếp tục ra sức cống hiến, đóng góp xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp hơn.
Ra sức giáo dục con cháu
Các thành viên gia đình ông Lê Thanh Ngoan (SN 1955, ngụ khu phố 2, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) luôn tự hào vì sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Truyền thống đó được gia đình ông phát huy nhằm xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Ông Lê Thanh Ngoan là con của liệt sĩ Lê Văn Tốt, bí danh Việt Lâm (SN 1914 tại ấp Xuân Hòa 1, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành). Ông Lê Văn Tốt tham gia cách mạng năm 1945, từng đảm nhận nhiều chức vụ: Phó ban Kinh tài tỉnh Long An, Bí thư Huyện ủy Tân Trụ,... Ông từng được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Bằng Tổ quốc ghi công. Ông hy sinh ngày 04/8/1970. Chính vì vậy, truyền thống cách mạng như mạch nguồn chảy mãi trong lòng của các thành viên trong dòng họ và gia đình ông từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ông Lê Thanh Ngoan cho biết, ông nhập ngũ vào tháng 3/1975, công tác tại Phòng Hậu cần của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đến năm 1980, ông về làm giáo viên tại Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành). Năm 1995, ông công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành rồi sau đó được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Tổ chức, Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành. Đến năm 2004, ông trở về công tác tại Trường THPT Nguyễn Thông và nghỉ hưu vào năm 2015. Không chỉ cần cù, siêng năng trong công tác, ông Ngoan còn giáo dục các con phải biết kính trên, nhường dưới, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Các anh em trong gia đình luôn tôn trọng, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Riêng vợ chồng ông luôn gương mẫu trong cách đối nhân xử thế và các mối quan hệ xã hội để con, cháu noi theo. Vợ chồng ông luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tạo động lực phấn đấu chứ không gây áp lực cho con. Nhờ vậy, không khí gia đình ông luôn đầy ắp tiếng cười và tràn đầy hạnh phúc.
Ông có 2 người con (1 trai, 1 gái) đều đã có gia đình và có việc làm ổn định; trong đó, người con gái lớn của ông là thạc sĩ, giảng viên đang công tác tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và con trai đang công tác tại Khoa Đào tạo của Trường Chính trị Long An.
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng truyền thống cách mạng tốt đẹp của gia đình chính là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - ông Lê Thanh Ngoan chia sẻ.
Cùng địa phương xây dựng nông thôn mới
Đất nước có chiến tranh, những người vợ, người mẹ đã gạt tình cảm riêng, động viên chồng, con ra trận dù biết chiến tranh có thể cướp đi sinh mạng của người thân. Hòa bình lập lại, nhiều người trong số họ không có cơ hội gặp lại người thân. Mất mát, đau thương chồng chất nhưng bằng nghị lực phi thường, những người vợ, người mẹ ấy đã vượt lên khó khăn làm trụ cột gia đình, phát triển kinh tế và góp sức xây dựng quê hương. Đến ấp 3, xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, hỏi thăm gia đình bà Phan Thị Nhẽ (SN 1934) - vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Tặt (hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước), ai nấy đều biết đến gia đình bà như một tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Những năm trước đây, mạng lưới kênh, rạch chằng chịt, nhiều con kênh trên địa bàn ấp 3, xã Tân Hòa không có cầu bắc qua, người dân đi lại khó khăn, học sinh đến trường không được an toàn. Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương XDNTM, xã vận động người dân đóng góp làm đường, xây cầu, bà Phan Thị Nhẽ đã tiên phong hưởng ứng.
“Khi địa phương vận động tham gia phong trào thi đua Cả nước chung sức XDNTM, mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây cầu bêtông vững chắc, tôi rất vui và đồng ý tham gia đóng góp. Theo đó, tôi đã dành toàn bộ số tiền bán mía của mình để hỗ trợ xây cầu, quyết định này của tôi được các con rất ủng hộ” - bà Phan Thị Nhẽ chia sẻ.
Chính sự gương mẫu của gia đình bà Phan Thị Nhẽ đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức của nhiều hộ dân tại địa phương. Công tác XDNTM ở xã Tân Hòa cũng vì vậy mà ngày càng hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều hộ dân đã noi gương, sẵn sàng góp công, góp của để những tuyến đường giao thông nông thôn thêm khang trang, những cây cầu bêtông thêm vững chãi.
Công chức văn hóa - xã hội (phụ trách mảng lao động - thương binh và xã hội) xã Tân Hòa - Huỳnh Thị Thanh Hồng cho biết: “Gia đình bà Phan Thị Nhẽ là điển hình tiêu biểu của xã trong việc phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và tích cực tham gia các phong trào XDNTM của địa phương. Đến nay, bà đã hỗ trợ chi phí xây 2 cây cầu với số tiền trên 260 triệu đồng”.
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình cần được tiếp nối và phát huy để cuộc sống ngày càng ấm no và quê hương ngày càng giàu đẹp./.