Tiếp quản lò bóng đá PVF, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang làm ăn thế nào?
Tập đoàn Giáo dục Văn Lang đang sở hữu hệ thống giáo dục gồm: Trường Đại học Văn Lang, Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn và Trường Quốc tế Nam Mỹ UTS.
Theo quyết định, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang sẽ tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất đã được đầu tư hiện đại, chuyên nghiệp hàng đầu khu vực và các đội bóng trẻ từ U.12 đến U.19. Việc thay đổi đơn vị chủ quản không ảnh hưởng đến hoạt động và định hướng phát triển của Trung tâm. Ngay sau khi tiếp quản PVF, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang sẽ tiếp tục triển khai đào tạo, vận hành cũng như đảm bảo đầy đủ quyền lợi đã cam kết với các học viên.
Trước đó, Vingroup đã lần lượt rút khỏi lĩnh vực bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để dồn toàn lực cho mảng kinh doanh cốt lõi là ô tô, xe máy và điện thoại.
Tập đoàn Giáo dục Văn Lang là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm, sở hữu hệ thống giáo dục đáng nể, bao gồm: Trường Đại học Văn Lang, Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn và Trường Quốc tế Nam Mỹ UTS. Tập đoàn này cũng đang hợp tác với Sài Gòn FC – CLB đang thi đấu tại V-League.
Tính đến ngày 31/12/2019, dữ liệu của VietTimes cho thấy, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang (công ty mẹ) đạt 778,8 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 748,9 tỉ đồng.
Tập đoàn Giáo dục Văn Lang của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang, được thành lập vào ngày 21/2/2017, trụ sở chính đặt tại số 45 Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, TP. HCM.
Pháp nhân này có vốn điều lệ ban đầu 2 tỉ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Cao Trí, ông Nguyễn Đắc Tâm, ông Lê Ngọc Sơn và ông Bùi Quang Độ, mỗi người nắm giữ 25% vốn điều lệ. Sau nhiều lần tăng vốn, cập nhật đến tháng 11/2020, quy mô vốn điều lệ của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang đạt 445 tỉ đồng, vai trò Chủ tịch HĐQT do ông Nguyễn Cao Trí đảm nhiệm.
Ông Nguyễn Cao Trí còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) – tên cũ là Bến Thành Land, từng là thành viên của Tập đoàn Bến Thành.
Như VietTimes từng đề cập, sau khi Tập đoàn Bến Thành thoái vốn, Bến Thành Land tiến hành đổi tên thành Capella Holdings và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality).
Capella Holdings hiện đang sở hữu loạt thương hiệu nổi tiếng như Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar, Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace Corp, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall; hệ thống nhà hàng San Fu Lou (Hoa), Sorae (Nhật), Dì Mai (Việt).
Bên cạnh đó, Capella Holdings còn mở rộng kinh doanh trong ngành bất động sản với cao ốc The One Saigon, ngành bán lẻ tiêu dùng, y tế, giáo dục, nông nghiệp kỹ thuật cao và nhiều lĩnh vực khác.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Capella Holdings đạt 1.166 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 408 tỉ đồng.
Ngoài các pháp nhân kể trên, “đại gia” Nguyễn Cao Trí hiện còn đứng tên tại một số công ty khác như: CTCP Thái Bình Dương Đà Lạt, CTCP Thương mại Dịch vụ ô tô Bến Thành, CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành, Công ty TNHH US Talent International – Uti, CTCP Salla, CTCP Dịch vụ và Nhân lực Quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH Văn Lang HealthCare, CTCP Đầu tư – Du lịch Sài Gòn Đại Ninh./.