Tiếp sau Mỹ, các nước NATO muốn phát triển tên lửa tầm xa mới

Bốn quốc gia NATO ở châu Âu là Đức, Pháp, Italia và Ba Lan đã công bố ý định phát triển tên lửa hành trình tầm xa mới với tầm bắn vượt trội so với các loại tên lửa tầm ngắn và trung hiện có.

Tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức đăng tải, tên lửa mới sẽ tầm bắn bao phủ toàn bộ châu Âu, một phần châu Phi và vươn tới khu vực Cận Đông.

Tên lửa mới có thể trở thành tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo

Theo các thông tin chính thức, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Pháp, Italia và Ba Lan đã ký tuyên bố về việc phát triển tên lửa mới có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu, được gọi là Deep Precision Strike. Tuy nhiên, các tài liệu ký kết ở bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, mới chỉ là cam kết và chưa thể hiện rõ các đặc điểm kỹ-chiến thuật quan trọng của dòng tên lửa mới.

Cam kết chung của 4 nước NATO ngụ ý việc tạo ra các loại vũ khí lục quân có tầm bắn hơn 1.000km. Nó có thể là tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo với tốc độ siêu âm. Đồng thời, Đức kỳ vọng Anh sẽ tham gia dự án phát triển tên lửa mới với vai trò là vũ khí tương lai chung của châu Âu.

 Hình ảnh mô phỏng đầu tiên về tên lửa Deep Precision Strike. Ảnh: Defense News

Hình ảnh mô phỏng đầu tiên về tên lửa Deep Precision Strike. Ảnh: Defense News

Hiện tại, lực lượng Vũ trang Đức chỉ có tên lửa hành trình Taurus. Chúng có thể được phóng từ máy bay chiến đấu và tầm bắn đạt hơn 500km.

Hãng tin Reuters của Anh đánh giá, việc phát triển tên lửa có tầm bắn hơn 500km đồng nghĩa với việc các đồng minh NATO ở châu Âu sẽ tái vũ trang loại vũ khí từng bị cấm bởi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô trước đây và Nga sau này.

Trong khi các quốc gia châu Âu đang bàn thảo phát triển tên lửa mới, Quân đội Mỹ đã lên kế hoạch bắt đầu triển khai vũ khí tầm xa ở Đức vào năm 2026 để “chứng minh cho các nước châu Âu cam kết đảm bảo an ninh của Washington với NATO”. Các loại vũ khí được triển khai sẽ là hệ thống vũ khí phòng thủ tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh tương lai đang được phát triển.

Trước động thái trên của NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow sẽ đáp trả việc triển khai tên lửa bằng những hành động thích hợp. Ông nhấn mạnh phản ứng của phía Nga trong trường hợp này sẽ “bình tĩnh một cách chuyên nghiệp”. Nhà ngoại giao Nga bày tỏ tin tưởng rằng, Bộ Quốc phòng phương Tây nên nhớ tới hậu quả về “chiến trường hạt nhân” tại châu Âu. Điều từng khiến phương Tây gây sức ép để Mỹ và Liên Xô trước đây ký Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) và INF.

Tên lửa mới sẽ là chương trình hợp tác chung của châu Âu

Để chia sẻ nguồn lực, chương trình Deep Precision Strike sẽ được phát triển theo mô hình từng được các quốc gia châu Âu hợp tác phát triển thành công như Eurofighter hay mới nhất là Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực châu Âu (MGCS)...

Việc này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí phát triển và mua sắm vũ khí với chi phí rẻ hơn nhờ tăng số lượng sản xuất, mà còn giúp châu Âu khôi phục các ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó, châu Âu sẽ giảm bớt phụ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu từ Mỹ.

Chính cuộc xung đột tại Ukraine gần đây đã chỉ ra vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Với các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn và dừng sản xuất, khi xảy ra xung đột cường độ cao, ngành công nghiệp quốc phòng của nhiều nước không đủ khả năng đáp ứng, thậm chí là tê liệt và chi phí sản xuất cao.

Chính vì thế, trong vài năm qua, nhiều quốc gia châu Âu, đi đầu là Pháp và Đức đang rất tích cực cho các chương trình phát triển vũ khí tương lai hợp tác của nhiều quốc gia trong khối.

Các quốc gia châu Âu trong NATO đang muốn giảm phụ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh: Getty

Các quốc gia châu Âu trong NATO đang muốn giảm phụ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh: Getty

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tuyên bố việc phát triển tên lửa Deep Precision Strike nhằm mục đích răn đe các đối thủ tiềm năng. Theo đó, bản thảo đầu tiên của loại vũ khí này có thể xuất hiện trong cuối năm 2024 và các đặc tính kỹ thuật, bao gồm cả tầm bắn sẽ được tính toán và phù hợp.

Ông Sebastien Lecornu cho biết: “Ý tưởng của chúng tôi là phát triển dự án cởi mở nhất có thể” và gợi ý rằng chính phủ mới của Anh do Công Đảng lãnh đạo có thể tham gia dự án.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói thêm: “Việc có thêm Anh tham gia có giá trị ở nguồn ngân sách. Vì điều này cho phép bạn bù đắp các chi phí khác nhau trong quá trình phát triển”.

Một nguồn tin quân sự giấu tên trao đổi với hãng tin Reuters rằng, tên lửa Deep Precision Strike có thể có tầm bắn lên tới 2.000km để đáp ứng yêu cầu tác chiến mới của khối NATO.

Cùng với đó, Pháp đã đề xuất chế tạo tên lửa mới dựa trên bản sửa đổi của tên lửa hành trình hải quân MdCN (Missile de Croisiere Naval) do Công ty quốc phòng châu Âu MBDA sản xuất. Đây là công ty sản xuất các dòng tên lửa nổi tiếng của châu Âu như Taurus, Storm Shadow và SCALP. MBDA hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Airbus.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Lenta, Topwar)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tiep-sau-my-cac-nuoc-nato-muon-phat-trien-ten-lua-tam-xa-moi-785199