'Tiếp sức' cho chi bộ vùng khó

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ 'Chi bộ là gốc rễ của Đảng', 'Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh', 'Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở'... Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các chi bộ đảng chính là 'trụ cột' của mỗi địa phương. Để 'tiếp sức' cho các chi bộ đảng vùng khó, những năm qua, huyện Hướng Hóa đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả.

 Cây tràm mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp - Ảnh: L.N

Cây tràm mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp - Ảnh: L.N

Gỡ khó cho chi bộ vùng khó

Theo con đường nhựa dài tít tắp đi qua cánh rừng xanh mướt xen lẫn với những ngôi nhà sàn, nhà xây kiên cố, đẹp đẽ, chúng tôi đến thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp. Bí thư Chi bộ thôn Tà Đủ Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: “Với sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Vân Kiều hôm nay đã có cuộc sống khởi sắc, ấm no hơn…”. Câu chuyện của anh Dũng đưa chúng tôi trở về với những ngày khó khăn khi thôn Tà Đủ vừa mới thành lập. Sau khi tách ra từ thôn Lương Lễ, thôn Tà Đủ có 41 hộ với 214 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Vân Kiều. Ngày ấy, nhận thức của người dân trong thôn còn hạn chế, cuộc sống của đa số bà con vẫn còn dựa vào những vụ lúa rẫy nên gặp rất nhiều khó khăn, 70% dân số thuộc diện hộ nghèo. Cũng giống như Tà Đủ, tại thời điểm mới thành lập, thôn Cheng, xã Tân Liên cũng chỉ có 1 đảng viên là ông Hồ Ta Bụp, người dân tộc Vân Kiều. Đời sống của người dân nơi đây cũng gặp rất nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp, bà con vẫn còn duy trì lối canh tác truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhớ lại những ngày đầu gian khó, Bí thư Chi bộ thôn Cheng Hồ Ta Bụp cho hay: “Trước đây cuộc sống của bà con dân bản khó khăn lắm, suốt ngày vác gùi lên rẫy vẫn không đủ ăn. Đến mùa giáp hạt, từ bản trên đến bản dưới nhiều hộ thiếu đói, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Cuộc sống khó khăn nên việc phát triển đảng viên cũng rất khó do một bộ phận thanh niên địa phương mãi lo chuyện nương rẫy, chưa hiểu nhiều về Đảng nên không mặn mà đứng vào hàng ngũ của Đảng”. Ngoài hạn chế về nhận thức, một thực tế chung tại các thôn bản vùng cao huyện Hướng Hóa những năm trước đây đó là các đảng viên chưa phát huy tốt vai trò cũng như tính tiên phong gương mẫu. Do vậy chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ chưa được nâng cao dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương chưa có chuyển biến rõ nét.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp Nguyễn Thái Bình cho hay: “Trước tình hình đó, với quyết tâm không để thôn bản “trắng” đảng viên, không có chi bộ đảng, 2 đảng viên ở thôn Lương Lễ được đảng ủy xã cử đến sinh hoạt và thành lập chi bộ thôn Tà Đủ vào năm 2016, đồng thời tăng cường đảng viên là cán bộ xã về làm bí thư chi bộ nhằm góp phần nâng cao chất lượng mọi mặt của Chi bộ thôn Tà Đủ”. Nếu xã Tân Hợp tăng cường cán bộ xã về làm bí thư chi bộ thì xã Tân Liên lại chọn giải pháp phân công, tăng cường đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt tại Chi bộ thôn Cheng ngay khi chi bộ mới thành lập, với mục tiêu tạo sự thay đổi ở chi bộ vùng khó. Và chính đội ngũ đảng viên là lãnh đạo, cán bộ có trình độ chuyên môn được tăng cường này đã góp phần mang lại nguồn sinh lực, động lực mới cho chi bộ đảng nơi đây. Bí thư Đảng ủy xã Tân Liên Nguyễn Minh Tâm thông tin: “Sau khi xem xét, đánh giá những khó khăn cụ thể của Chi bộ thôn Cheng, đảng ủy xã đã lựa chọn, phân công các đảng viên là cán bộ xã có trình độ chuyên môn tăng cường về sinh hoạt tại chi bộ. Nhiệm vụ chủ yếu của các đảng viên là giúp đỡ người dân và chi bộ khắc phục khó khăn, hạn chế, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quan tâm đào tạo phát triển đảng viên”.

Khi chi bộ vùng khó được “tiếp sức”

Việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ mới tại thôn Tà Đủ của đảng viên Nguyễn Ngọc Dũng là định hướng cho người dân địa phương an cư lạc nghiệp, từng bước thay đổi hình thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ổn định cuộc sống. “Ngay sau khi thành lập, Chi bộ thôn Tà Đủ đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế, đồng thời phân công các đảng viên có trách nhiệm, uy tín theo dõi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của người dân để phản ánh kịp thời với chi bộ và cấp ủy. Quá trình thực hiện, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên luôn thể hiện rõ để người dân học tập, làm theo. Do trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế lại bất đồng ngôn ngữ nên ban đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, khi các đảng viên tại cơ sở nắm được nhiệm vụ và thực hiện tốt công việc được giao, quá trình thực hiện thuận lợi hơn. Từ việc hằng ngày chỉ biết bám rẫy trĩa lúa, trồng ngô, người dân Tà Đủ đã xác định được các loại cây trồng chủ lực để tập trung sản xuất, đặc biệt là mở rộng được diện tích trồng lúa nước để đảm bảo lương thực. Với cách làm đó, chỉ sau một thời gian ngắn, thôn Tà Đủ đã ghi nhận nhiều sự đổi thay, không chỉ đảm bảo về nguồn lương thực, cây sắn, cây chuối còn đem lại thu nhập khá cho các hộ dân”, Bí thư Chi bộ thôn Tà Đủ Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.

 Bí thư Chi bộ thôn Cheng (xã Tân Liên) Hồ Ta Bụp luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong thôn - Ảnh: L.N

Bí thư Chi bộ thôn Cheng (xã Tân Liên) Hồ Ta Bụp luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong thôn - Ảnh: L.N

“Đổi thay” là từ mà Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp Nguyễn Thái Bình nhắc đến nhiều nhất trên đường đưa chúng tôi đến thăm thôn Tà Đủ. “Việc tăng cường đảng viên về cơ sở thực sự là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, như tiếp thêm sức mạnh để Tà Đủ đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội”, anh Bình khẳng định. Từ một thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn, đến nay thu nhập bình quân đầu người của thôn Tà Đủ đạt trên 25 triệu đồng/ năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn trên 12%, 100% hộ gia đình đã có phương tiện nghe nhìn. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa tại thôn được quan tâm đầu tư đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của người dân địa phương. Không chỉ ổn định cuộc sống, người dân Tà Đủ còn thực hiện tốt công tác xã hội hóa để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, gần đây nhất là hoàn thành công trình thắp sáng đường quê với 33 trụ đèn chiếu sáng. Nhiều đảng viên, quần chúng ưu tú đã tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế, đem lại thu nhập khá cao, tiêu biểu như hộ ông Hồ Văn Tiếp, Hồ Y May, Hồ Văn Tình, Hồ Văn Xanh, Hồ Văn Sương…

Trong ngôi nhà sàn khang trang nằm ngay đầu thôn, Bí thư Chi bộ thôn Cheng Hồ Ta Bụp không giấu được niềm vui: “Việc tăng cường đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt đã thực sự tăng thêm sức mạnh cho chi bộ thôn. Nhờ vậy, việc sinh hoạt chi bộ được tổ chức bài bản, đúng quy trình, nội dung sinh hoạt thiết thực, cụ thể và gắn với thực tiễn. Cùng với đó, những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng đã làm cho thôn Cheng đổi thay thực sự, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, nhà cửa, môi trường sống được giữ gìn. Các tệ nạn xã hội giảm đáng kể, an ninh trật tự đảm bảo. Không chỉ thay đổi tập quán canh tác, bà con thôn Cheng đã biết trồng lúa nước và đặc biệt là mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Cuộc sống người dân ngày càng khấm khá hơn, số hộ đói, hộ thiếu ăn lúc giáp hạt không còn”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Liên Nguyễn Minh Tâm khẳng định thêm, sự đổi thay ở thôn Cheng kể từ sau khi đưa đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt là minh chứng cho một chủ trương đúng đắn và kịp thời. Việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị sẽ không mang lại kết quả tốt nếu các chủ trương, biện pháp thực hiện không có tính khả thi, không phát huy được vai trò, trách nhiệm của đảng viên. Cán bộ xã về sinh hoạt không có nghĩa là làm thay phần việc của các đảng viên trong chi bộ, mà chỉ nêu gương, hướng dẫn các đảng viên thực hiện theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, giúp chi bộ hoạt động nền nếp, hiệu quả hơn. Đây cũng là một cách đào tạo tại chỗ cho các chi bộ, qua đó kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” tại các thôn, bản.

Thành công từ những chủ trương đúng

Đến cuối năm 2020, Đảng bộ huyện Hướng Hóa có 43 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 21 đảng bộ khối xã, thị trấn, 276 chi bộ với tổng số 4.465 đảng viên, trong đó có 1.515 đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, thực hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị tại cơ sở, các chi bộ trên địa bàn đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, với đặc thù của một huyện miền núi, nơi có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, các chi bộ vùng bản, vùng biên giới vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hướng Hóa Võ Khánh Minh cho biết: “Đa phần đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện sinh sống ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trình độ không đồng đều. Các thôn, bản có diện tích lớn, đảng viên cư trú ở xa nhau, phương tiện đi lại không thuận lợi nên khó khăn trong việc tổ chức sinh hoạt định kỳ bảo đảm số lượng. Trình độ của đội ngũ bí thư chi bộ, cấp ủy và đảng viên ở các chi bộ thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Trước tình hình đó, nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp để xây dựng và nâng cao chất lượng tổ chức đảng ở nông thôn, miền núi mà huyện Hướng Hóa triển khai đã tạo sự chuyển biến tích cực tại các chi bộ trên địa bàn, đặc biệt là các chi bộ ở vùng sâu, vùng xa”.

Để nâng cao chất lượng hoạt động các chi bộ vùng khó, bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, cấp ủy các xã, thị trấn đã chỉ đạo, phân công các cấp ủy viên, cán bộ xã tham gia sinh hoạt, giữ chức vụ lãnh đạo tại các chi bộ để nâng cao vai trò của các chi bộ. Nhờ vậy, chất lượng sinh hoạt của chi bộ trên địa bàn, nhất là các chi bộ vùng khó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tổ chức sinh hoạt được thực hiện theo quy định, hướng dẫn của trung ương; công tác nắm bắt thông tin, báo cáo được thực hiện kịp thời nên nhiều khó khăn, vướng mắc tại cơ sở đã được tháo gỡ hiệu quả. Cùng với đó, các chi bộ cũng phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Đối với vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, chi bộ đảng được ví như những “cánh tay nối dài” của đảng bộ cơ sở xã, thị trấn trong việc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng và Nhân dân. Duy trì cầu nối này sẽ làm tăng thêm tính chiến đấu, sức mạnh của Đảng, gây dựng và giữ vững niềm tin của Đảng trong Nhân dân. Chia sẻ về những giải pháp địa phương sẽ triển khai trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hướng Hóa Võ Khánh Minh thông tin thêm: “Bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chủ trương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường đào tạo cán bộ thôn, bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác kiểm tra, giám sát sẽ được coi trọng thực hiện. Đặc biệt, đối với các chi bộ vùng cao, sẽ tăng cường đảng viên là cán bộ cấp xã, huyện về sinh hoạt. Các xã đặc biệt khó khăn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị biên phòng trên địa bàn đưa đảng viên là cán bộ biên phòng về sinh hoạt tại chi bộ địa phương, qua đó từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới”.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=158720&title=%E2%80%9Ctiep-suc%E2%80%9D-cho-chi-bo-vung-kho