Tiếp sức cho giảm nghèo bền vững

PTĐT - Chương trình nâng mức cho vay và thời gian vay cho hộ nghèo để phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng CSXH như một luồng sinh khí mới giúp các hộ đang gặp khó khăn...

Việc nâng vốn cho vay và thời hạn vay sẽ giúp nhiều hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thêm cơ hội mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững

Việc nâng vốn cho vay và thời hạn vay sẽ giúp nhiều hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thêm cơ hội mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững

PTĐT - Chương trình nâng mức cho vay và thời gian vay cho hộ nghèo để phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng CSXH như một luồng sinh khí mới giúp các hộ đang gặp khó khăn về vốn có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giải quyết tốt các vấn đề xã hội, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, đẩy lùi nạn tín dụng phi chính thức hiện nay. Từ sự tiếp sức này, mùa Xuân no ấm, yên vui đã về với những hộ nghèo.

Từ năm 2019, Ngân hàng CSXH ký ban hành Quyết định 12 về nâng hạn mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Theo đó, từ ngày 01/3/2019 Ngân hàng CSXH nâng mức cho vay tối đa hộ nghèo từ mức 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, không phải bảo đảm tiền vay, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn. Hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách mới theo đúng quy định nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các hộ dân.
Lâm Thao là một trong những địa phương tích cực triển khai chương trình. Huyện đã có trên 200 hộ được nâng hạn mức với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng, mức dư nợ bình quân 72 triệu đồng/hộ. Chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Tâm ở khu Đại Tụ, xã Phùng Nguyên khi mọi người đang hoàn tất công việc cuối năm để chuẩn bị vui Xuân đón Tết. Anh Tâm chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2016, gia đình đã thoát nghèo. Sau đó, gia đình tiếp tục được vay theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi trồng thủy sản và gia cầm. Khi có chủ trương nâng hạn mức, ngân hàng đã tạo điều kiện cho gia đình được vay lên 100 triệu đồng. Việc tăng hạn mức và thời gian cho vay là một sự động viên, khích lệ lớn đối với gia đình để yên tâm tái đầu tư với quy mô lớn hơn. Hiện gia đình đã mở rộng khu nuôi gần 4ha với 3 ao nuôi và thả gần 1 nghìn con gia cầm.

Nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình anh Nguyễn Văn Tâm ở khu Đại Tụ, xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao) đã thoát nghèo. Hiện anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô gần 4ha ao nuôi thủy sản và kết hợp nuôi gần 1 nghìn con gia cầm.

Nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình anh Nguyễn Văn Tâm ở khu Đại Tụ, xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao) đã thoát nghèo. Hiện anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô gần 4ha ao nuôi thủy sản và kết hợp nuôi gần 1 nghìn con gia cầm.

Qua tìm hiểu thực tế, trước khi quyết định nâng mức vay và thời hạn vay có hiệu lực, các hộ vay vốn của những chương trình này chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng, thời hạn vay không quá 5 năm. Theo nhiều hộ dân, mức vay, thời gian vay như vậy chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, trong khi quy mô kinh tế của các hộ tăng theo thời gian, nhất là đối với những dự án mang tính chu kỳ, việc cần vốn lớn và thời hạn dài là vô cùng quan trọng. Do đó, việc nâng mức cho vay lên tối đa 100 triệu đồng và thời hạn vay tối đa 10 năm đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của bà con, vừa là sự hỗ trợ trực tiếp thông qua nguồn vốn, vừa là sự động viên, khích lệ người dân. Sau gần 2 năm triển khai, dòng vốn tín dụng ưu đãi đã “theo chân” các hộ nghèo, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa thực hiện các dự án phát triển kinh tế gia đình. Việc nâng hạn mức cho vay thực sự là một “đòn bẩy” lớn cho các hộ nghèo. Khi có số tiền lớn cùng với thời hạn dài, người dân có thể yên tâm đầu tư sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung; khắc phục tình trạng ruộng vườn manh mún, làm ăn kinh doanh nhỏ lẻ.Ông Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã Yên Sơn (huyện Thanh Sơn) cho rằng, nhận thức, tư duy của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Bà con không những sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả mà còn hướng tới đầu tư những dự án kinh tế lớn. Đối với những xã miền núi như Yên Sơn, phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi gia súc đang là chủ lực. Vì thế, bà con vừa cần vốn lớn vừa cần thời gian vay dài để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế dài hơi.Như vậy, việc nâng mức cho vay và thời gian cho vay tối đa sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho bà con, trong đó điều đáng quan tâm là giảm bớt được gánh nặng lãi suất cao khi phải vay từ nguồn tín dụng “đen”. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH gần 2.400 tỷ đồng, chiếm 53%/tổng dư nợ các chương trình tín dụng đang triển khai trên địa bàn tỉnh với gần 55.000 hộ còn dư nợ. Trong đó, số hộ được nâng hạn mức cho vay trên 3.700 hộ với dư nợ trên 220 tỷ; mức bình quân mà đối tượng được hưởng khoảng 60 triệu đồng/hộ.Ông Trương Việt Phương- Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Việc nâng hạn mức cho vay là một trong những giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân nơi vùng khó. Mức vay nâng lên, hộ dân được tiếp cận nguồn vốn bảo đảm đủ lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Thời gian vay cũng nâng lên giúp cho chu kỳ sản xuất được đảm bảo, nâng giá thành sản phẩm, nhất là đối với cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay. Quyết định 12 thực sự là một chủ trương hợp lòng dân, là “đòn bẩy” tiếp sức cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202102/tiep-suc-cho-giam-ngheoben-vung-175392