'Tiếp sức' cho nhà đầu tư FDI trở lại Việt Nam
Với sự trở lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sau nhiều tháng suy giảm liên tiếp, không chỉ từ cấp Chính phủ, nhiều địa phương cũng đang ở tâm thế sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư.
Sự trở lại của các dự án tỷ USD
Số liệu thống kê chính thức về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cuối tháng 9/2021 đã mang gam màu sáng hơn.
“Vốn đầu tư nước ngoài bất ngờ tăng trở lại”, Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài nhấn mạnh. Sau nhiều tháng liên tiếp suy giảm, vốn FDI vào Việt Nam lại tiếp tục tăng. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đến và tiếp tục ở lại Việt Nam.
Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ.
Cục đầu tư nước ngoài cho biết, có sự tăng mạnh của cả vốn đăng ký và vốn tăng thêm là do từ đầu năm tới nay đã có 3 dự án tỷ USD. Ngoài dự án 1,4 tỷ USD của LG Display tăng vốn thêm (trước đó, hồi tháng 2 cũng đã tăng vốn thêm 750 triệu USD), còn có Dự án Điện khí ở Long An, 3,1 tỷ USD; và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II ở Cần Thơ, vốn đăng ký 1,31 tỷ USD.
Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam cũng có sự xoay chuyển.
Theo đó, sau 9 tháng, Singapore vẫn là nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam, với gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, Hàn Quốc đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ.
Còn Nhật Bản đứng vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư, tăng 88,8% so với cùng kỳ.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tháng 9 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khẳng định, các nhà đầu tư vẫn đặt lòng tin khi đầu tư tại Việt Nam. Để minh chứng cho nhận định của mình, Báo cáo đã viện dẫn các con số về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với trong 8 tháng chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó riêng tháng 8 tăng mạnh so với tháng 7.
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
Tâm thế sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh không chỉ dừng lại ở cấp Chính phủ mà đã lan tỏa xuống từng địa phương.
Đây cũng là điều mà Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19” ngày 19/10 vừa qua.
Theo Bí thư Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù thành phố Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỉ USD; qua đó đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung, với khoảng 10% tổng thu ngân sách, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập của toàn thành phố.
“Đây là một minh chứng vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố Hà Nội và là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Đinh Tiên Dũng khẳng định.
Tại Hội nghị, nhiều đề xuất đã được các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra nhằm tiếp tục khơi thông dòng vốn FDI vào Thủ đô, cũng như tháo gỡ khó khăn, thách thức mà nhiều doanh nghiệp FDI đang gặp phải.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), ông Inoue đã đưa ra 3 đề xuất:
Thứ nhất, trong trường hợp dịch bùng phát sau này, cho phép người lao động có chứng nhận tiêm phòng vaccine từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả âm tính được phép đi làm từ nhà, bất kể đó là vùng dịch hay không; chỉ yêu cầu xét nghiệm với một số lượng người nhất định (5 - 10% tổng số người đi làm); gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần.
Thứ hai, nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vaccine và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách.
Thứ ba, nới lỏng quy định về hoạt động bán hàng, cho phép hoạt động bán hàng thống nhất trên toàn thành phố nếu đáp ứng tiêu chí 5K, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.
Tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam, Phó chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh khẳng định: “Đây không phải là chuyển dây chuyền, nhà máy, hay rút vốn, mà là chuyển dịch nguồn cung ứng và đơn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp châu Âu không rút vốn khỏi Việt Nam”.
Cũng tại Hội nghị, một số đại diện doanh nghiệp đề nghị rút ngắn thời gian cấp phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc; có đơn vị giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên áp dụng cơ chế giãn thuế; cơ quan chức năng sớm có giải pháp về vấn đề chồng chéo chi phí logistics...
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ.
Ông Chu Ngọc Anh khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Là một tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp lớn và chịu nhiều tác động từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, ngay sau khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, Bình Dương đã “vào cuộc” để khơi thông dòng vốn đầu tư vào tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với Lãnh đạo Tập đoàn NTT East (Nhật Bản) và Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) được tổ chức ngày 18/10 bàn về các giải pháp thu hút hiệu quả những dự án hợp tác đầu tư để đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ và địa phương phải thích ứng linh hoạt, kịp thời kiểm soát Covid-19 để phục hồi kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, năm 2021, tuy phải chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề, tỉnh Bình Dương vẫn tổ chức hơn 10 hội nghị trực tuyến với các nước nhằm kích cầu sự phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư và thu hút vốn FDI; tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến tham quan, làm việc của các Đoàn công tác của tỉnh Bình Dương tại nước ngoài trong việc quảng bá, giới thiệu đầu tư, thu hút ODA, FDI… góp phần hỗ trợ Bình Dương sớm khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiep-suc-cho-nha-dau-tu-fdi-tro-lai-viet-nam-162481.html