Tiếp sức để doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Ngay từ đầu năm 2023, đa số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường dù gặp nhiều khó khăn.

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2023, các doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những thuận lợi, các DN cũng đang đối mặt với không ít thách thức khi lãi suất tăng cao, đơn hàng xuất khẩu giảm, sức mua chưa như kỳ vọng…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa

Ông Nguyễn Ngọc Hòa

Vậy các DN làm gì để vượt qua khó khăn và Nhà nước cần làm gì để tiếp sức cho cộng đồng DN trong thời gian tới? Liên quan đến vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM.

Khó khăn, thuận lợi đan xen

. Phóng viên: Thưa ông, thời điểm trước tết Nguyên đán 2023, nhiều công ty cho biết đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chủ lực giảm mạnh, hàng tồn kho nhiều. Vậy ở thời điểm hiện nay, tình trạng trên có còn đáng lo ngại không?

+ Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Lượng hàng tồn kho tăng khoảng 20% trong quý IV-2022 và quý I-2023, khách hàng vẫn hạn chế hoặc không đặt thêm đơn hàng mới. Hàng tồn kho của DN tăng chủ yếu do lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU… khiến nhu cầu mua hàng giảm. Chẳng hạn, đơn hàng dệt may của thị trường Mỹ giảm 30%-40%, châu Âu giảm 60%.

Không chỉ dệt may mà ngành mỹ nghệ chế biến gỗ đơn hàng cũng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các DN nội địa. Trong đó có khoảng 50% DN còn 30% đơn hàng, các DN còn lại không có đơn hàng.

Kỳ vọng ngành du lịch bùng nổ

Đối với thị trường trong nước, dịp tết vừa qua nhu cầu tiêu dùng vẫn khá tốt, giúp DN tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay các DN đang kỳ vọng vào sự bùng nổ của ngành du lịch cả trong nước và quốc tế sẽ bù đắp một phần cho những ngành hàng bị sụt giảm.

Muốn vậy, ngành du lịch đẩy mạnh truyền thông, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Đồng thời cần cải thiện các chính sách như visa để thu hút nhiều hơn khách quốc tế, đặc biệt cần đa dạng các sản phẩm du lịch.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

Qua khảo sát một số DN vào cuối năm 2022 cho thấy do không có đơn hàng dự trữ nên chỉ có một số đơn vị cho người lao động làm việc thay phiên nhau. Đồng thời, số lượng DN có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% còn 65%. Đây là tín hiệu của thị trường lao động phải đối diện với nhiều khó khăn.

. Vậy từ sau tết Nguyên đán 2023 đến nay, tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn TP.HCM ra sao, thưa ông?

+ Nhìn chung hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN những tháng đầu năm vẫn còn khó khăn. Tuy vậy, ngay từ đầu năm 2023, đa số DN đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Đơn cử, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng đã bắt nhịp sản xuất trở lại bình thường. Đặc biệt, các đơn vị ngành hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm ngay từ đầu năm đã có những đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Với DN ngành hàng thủy hải sản, trong quý IV-2022 đơn hàng xuất khẩu chậm lại và quý I-2023 dù cũng nhận được đơn hàng xuất khẩu nhưng số lượng không nhiều.

Riêng nhóm hàng nông sản như gạo, trái cây… thị trường khá khả quan nhờ hiện nay trái cây Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang nhiều quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống logistics, kho bãi, quy hoạch vùng trồng… đang bị hụt hơi. Do đó, để đầu tư phục vụ cho xuất khẩu DN rất cần sự hỗ trợ về vốn của ngành ngân hàng.

Xoay xở để thích ứng, nắm bắt cơ hội mới

. Hiện các DN đang xoay xở thế nào để thích ứng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, thưa ông?

+ Tùy vào ngành nghề, các DN đều có chiến lược riêng để giảm thiểu rủi ro cũng như nắm bắt các cơ hội mới. Ví dụ, tháng 3 tới tại Mỹ sẽ tổ chức một hội chợ về thủy sản. Nhiều công ty Việt sẽ tham gia hội chợ này và họ kỳ vọng có thể tìm thêm được khách hàng mới, đơn hàng mới càng sớm càng tốt. Song song đó, các DN cũng hy vọng thị trường Trung Quốc mở cửa nhanh trở lại có thể giúp hoạt động xuất khẩu sôi động hơn.

Nhu cầu trong nước phục hồi giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa. Ảnh: TÚ UYÊN

Nhu cầu trong nước phục hồi giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa. Ảnh: TÚ UYÊN

Đồng thời, các DN đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tăng các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tăng chế biến sâu, sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu; tăng khả năng tự chủ về nguồn nguyên phụ liệu, xây dựng thương hiệu hàng Việt, tăng cường chuyển đổi số trong logistics, thương mại điện tử….

. Trong bối cảnh còn không ít thách thức như hiện nay, hiệp hội kiến nghị gì với Nhà nước để tiếp sức cho cộng đồng DN?

+ Bên cạnh yếu tố khách quan từ thị trường quốc tế suy giảm, qua nắm bắt thông tin từ các hội ngành nghề cho thấy DN vẫn còn một số khó khăn như thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, lãi suất vay cao tác động đến kết quả kinh doanh.

Với lãi suất vay dài hạn trên 10%/năm khiến các DN đều gặp khó khăn trong sử dụng đòn bẩy nợ vay, ngại mở rộng sản xuất vì chi phí sản xuất lớn. Đó là chưa kể ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay như định giá trị tài sản thế chấp thấp, tỉ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống.

Mặt khác, việc hỗ trợ về thuế của Nhà nước thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhưng trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, DN mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn, miễn, giảm, giãn thuế, đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Trong đó, cần tiếp tục các chính sách như giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2023; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân; tạo điều kiện cho cộng đồng DN vay vốn thuận lợi, ổn định và hạ lãi suất; ổn định tỉ giá.

. Xin cám ơn ông.

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 1-2023 ước tính giảm 21,4% so với tháng 12-2022. Riêng đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm, IPP tháng 1 giảm 5,5% so với cùng kỳ năm truớc.

Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết đến thời điểm này có hơn 95% người lao động đã quay lại các nhà máy làm việc. Tuy nhiên, các DN bị sụt giảm đơn hàng, nhiều ngành nghề hiện đơn hàng chỉ bằng 30%-40% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh trên, các cấp chính quyền đang đồng hành, hỗ trợ DN bằng nhiều giải pháp. Ví dụ, ngay trong quý I-2023 TP.HCM hỗ trợ DN ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào như phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các quận, huyện triển khai ngay chương trình kết nối ngân hàng và DN; ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2023-2027; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành như logistics, thương mại điện tử, hệ thống phân phối, sản xuất và tiêu dùng bền vững...

TÚ UYÊN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiep-suc-de-doanh-nghiep-vuot-qua-kho-khan-post719221.html