Tiếp sức hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình
Thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã tích cực triển khai với nhiều mô hình, hình thức hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình mang lại nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Với sự trợ lực, hỗ trợ của các cấp hội liên hiệp phụ nữ, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Thành đã tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp với đam mê của mình, phát huy kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế gia đình. Điển hình như mô hình chăn nuôi heo của chị Trần Thị Hồng Cúc, ở ấp Sóc Tháo, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành. Khi được Dự án Khởi nghiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, với số tiền 30 triệu đồng, trong thời hạn 20 tháng, chị Hồng Cúc đã mạnh dạn đầu tư vốn sửa chữa chuồng trại, mua con giống, thức ăn để thực hiện mô hình chăn nuôi heo.
Chị Hồng Cúc chia sẻ: “Được số vốn vay, tôi mua 20 con heo giống thả nuôi, với tổng số tiền là 26 triệu đồng. Qua 4 tháng nuôi, tôi tiến hành xuất bán heo hơi có giá dao động hơn 5 triệu đồng/100kg. Sau khi trừ chi phí, vụ nuôi heo đầu tiên tôi còn lãi trên 10 triệu đồng. Thấy nuôi heo đạt hiệu quả kinh tế cao so với nhiều mô hình chăn nuôi khác, nên tôi quyết định nuôi 4 con heo nái sinh sản để mở rộng quy mô. Ngoài thức ăn mua ở các đại lý, hàng ngày tôi tranh thủ xắt chuối cây trộn với cám, hèm rượu cho heo ăn dặm thêm. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi được cải thiện hơn trước”.
Chị Trần Thị Thúy Hà cũng nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện giúp đỡ và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vay ưu đãi của Dự án Khởi nghiệp phụ nữ tỉnh, chị mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi heo. Chị Thúy Hà cho biết: “Nghề chăn nuôi heo của gia đình đã hơn 10 năm nay, nhưng thiếu vốn để mở rộng mô hình. Đến khi vay được số tiền 20 triệu đồng, tôi tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi heo”.
Ngoài nuôi heo thịt, trong các chuồng nuôi heo của gia đình chị Hà lúc nào cũng có từ 3 - 4 con heo nái sinh sản, mỗi con có trọng lượng từ 150 - 200kg. Mỗi năm, 1 con heo nái sinh sản được 2 lần và 1 lần đẻ được từ 10 - 12 con heo giống. Trên thị trường hiện nay 1 con heo giống bán với giá từ 1,3 triệu đồng trở lên. Chỉ tính riêng tiền bán heo con giống, 1 năm chị cũng thu nhập được vài chục triệu đồng.
Nhằm giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay, Huyện hội đã huy động nguồn vốn tại chỗ bằng cách thành lập các tổ, nhóm tiết kiệm và vốn vay, phụ nữ tiết kiệm tín dụng tại các xã, thị trấn. Hiện nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo huyện quản lý 59 tổ, có 835 thành viên, tổng dư nợ hơn 6,4 tỷ đồng. Đối với Quỹ tình thương, toàn huyện có 2 xã thực hiện với 18 nhóm, có 219 thành viên, tổng dư nợ trên 676 triệu đồng, tiết kiệm trên 547 triệu đồng. Hội nhận ủy thác của ngân hàng chính sách xã hội quản lý 82 tổ, có 3.933 hộ vay với tổng dư nợ trên 105,8 tỷ đồng.
Đồng chí Châu Hồng Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết: “Đối với việc triển khai Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Huyện hội và 100% cơ sở vận động hỗ trợ 51 chị khởi nghiệp với những mô hình: rau sạch, chăn nuôi vịt, buôn bán, mô hình chăn nuôi gà, bò, trồng rau, củ sạch, nạo dừa, mua bán, bán thuốc tây, vắt nước cốt dừa bằng máy, trồng lúa, trồng bắp, ươm các loại cây giống, shop quần áo...”.
Các nguồn quỹ đã đồng hành giúp phụ nữ nghèo và cận nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thời gian tới, Huyện hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ thi đua thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” và các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn; duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ tiết kiệm, các tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.