Tiếp sức người nghèo tham gia BHXH
Với nhóm cận nghèo, cần nâng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện lên 50% để thu hút tham gia và với nhóm người nghèo nên hỗ trợ 100%
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy tỉ lệ bao phủ BHXH đang dần tăng lên với khoảng 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện khoảng 450.000 người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 13 triệu người. Ước tính đến hết năm 2019, tỉ lệ tham gia BHXH đạt khoảng 32,5% trong tổng số lực lượng lao động.
2,7 triệu người từ chối nhận lương hưu
Dù đối tượng tham gia dần mở rộng nhưng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Bên cạnh đó, tình trạng hưởng BHXH một lần có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Theo BHXH Việt Nam, từ năm 2014-2018, mỗi năm, bình quân số người tham gia vào hệ thống BHXH là 1 triệu người nhưng số ra khỏi hệ thống BHXH cũng không nhỏ. Trong 5 năm, có tới 2,7 triệu người hưởng BHXH một lần.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần hạn chế việc hưởng chính sách BHXH một lần vì trong 2,7 triệu người, có đến 93% mới đóng BHXH được 10 năm đã rút ra khỏi hệ thống an sinh này và trong số này có tới 50% mới đóng từ dưới 1 năm đến 3 năm.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nâng mức hỗ trợ đóng BHXH cho đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương Đảng.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết những năm qua, khi thực hiện chính sách BHXH, xu hướng hưởng BHXH một lần rất cao, đi ngược mục tiêu về phát triển mở rộng độ bao phủ. Trong khi cơ quan BHXH đang nỗ lực gia tăng diện bao phủ thì một bộ phận người lao động lại nhận BHXH một lần. Điều này khiến họ mất đi cơ hội hưởng chính sách dài hạn là lương hưu. Các đối tượng hưởng BHXH một lần thường tập trung chủ yếu vào nhóm người lao động có thời gian tham gia BHXH từ 1-3 năm (chiếm 40,6%), tiếp theo là nhóm 3-5 năm (22,4%), từ 5-10 năm (20,64%), còn lại là các nhóm đối tượng khác.
Cần có chính sách kích cầu
Nói về chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, cho biết năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng là 276.680 người với số tiền đã được ngân sách hỗ trợ là 27,6 tỉ đồng. Còn trong 6 tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng là gần 270.000 người với số tiền được hỗ trợ là 28,1 tỉ đồng.
Luật BHXH từ ngày 1-1-2018 quy định người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng gồm: 30% với người nghèo, dân tộc thiểu số; 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ này chưa đủ hấp dẫn, chưa khuyến khích người lao động tham gia.
"Cần nâng mức hỗ trợ lên để "kích cầu" tham gia. Hiện nay, Trung Quốc đang hỗ trợ 50/50, người dân đóng 100 nhân dân tệ thì nhà nước đóng thêm cho 100 nhân dân tệ. Việt Nam cũng cần thực hiện như vậy và có thể hỗ trợ cao hơn với người nghèo, người cận nghèo" - một chuyên gia dẫn chứng.
Ông Mai Đức Thắng, nguyên Phó trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, phân tích một trong những chính sách sát sườn với người dân là BHYT. Đối với nhóm cận nghèo, mặc dù nhà nước đã hỗ trợ tới 70% mức đóng, một số địa phương đã hỗ trợ thêm từ 10%-20%, tức là người dân chỉ còn đóng một tỉ lệ rất nhỏ để tham gia BHYT nhưng nhiều người vẫn không tham gia. Có thể do họ chưa thấy được hết ý nghĩa của thẻ BHYT nhưng cũng có trường hợp không có tiền để tham gia. Trong khi đó, với chính sách BHXH tự nguyện, hiện mức hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo là 25%.
"Tôi cho rằng mức này là quá thấp. Nếu tính mức đóng thấp nhất, sau khi đã được hỗ trợ, người tham gia vẫn phải đóng số tiền hơn 500.000 đồng/tháng. Số tiền này có thể nói là vẫn cao đối với những người không có thu nhập ổn định" - ông Mai Đức Thắng nói.
Theo ông Mai Đức Thắng, với nhóm cận nghèo, nhà nước cần tăng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện lên 50% để những người có nhu cầu tham gia thực sự sẽ cố gắng cùng chi trả để sau này có cơ hội nhận lương khi về già. Còn với nhóm người nghèo, nên hỗ trợ 100% vì đây là nhóm đối tượng gần như không có khả năng chi trả.
Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH
Một chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động, hướng họ tới việc tích lũy, bảo lưu thời gian đóng BHXH, hướng tới tham gia BHXH là hưởng lương hưu lâu dài. Ngoài ra, tiến tới giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, có lộ trình thu hẹp thời gian đóng từ 20 năm còn 15, 10 năm để người lao động nhìn thấy tương lai gần hơn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tiep-suc-nguoi-ngheo-tham-gia-bhxh-20191102205949973.htm