Tiếp sức nông dân phát triển kinh tế

Với mong muốn đưa các nguồn vốn về với người nông dân, tiếp sức nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Yên Sơn đã làm tốt vai trò cầu nối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Yên Sơn (Agribank Yên Sơn) giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Qua đó, giúp hội viên nông dân có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam, vợ chồng anh chị Hoàng Văn Tĩnh, Trần Trà Lĩnh, thôn Nà Ho, xã Trung Sơn phấn khởi cho biết: năm 2020, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Nà Ho, gia đình anh chị đã làm hồ sơ vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Agribank để chăm sóc 500 gốc cam. Đến nay, vườn cam đang đến tuổi thu hoạch. Năm 2023, gia đình anh chị thu được trên 10 tấn quả. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, gia đình anh chị đã có nguồn thu để phát triển sản xuất và mua thêm đất trồng rừng, chăn nuôi gà thịt. Hiện gia đình anh chị đã trả hết nợ, thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế tổng hợp.

Lãnh đạo Agribank Chi nhánh huyện Yên Sơn và Phòng Giao dịch ATK làm việc với Chủ tịch Hội Nông dân các xã cụm ATK về nâng cao chất lượng và tăng trưởng tín dụng.

Lãnh đạo Agribank Chi nhánh huyện Yên Sơn và Phòng Giao dịch ATK làm việc với Chủ tịch Hội Nông dân các xã cụm ATK về nâng cao chất lượng và tăng trưởng tín dụng.

Chị Hà Thị Hiệp, thôn Nà Ho cũng được hỗ trợ vay 100 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Agribank Yên Sơn. Chị Hiệp cho biết, gia đình chị phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi lợn thịt, trồng rừng. Năm 2021, chị được Hội Nông dân hỗ trợ vay 100 triệu đồng ngân hàng để đầu tư giống, thuê nhân công trồng cây mỡ. Đến nay, vườn mỡ phát triển rất tốt, dự kiến 3 năm nữa cho khai thác.

Chị Lương Thị Xuân, Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Nà Ho, xã Trung Sơn cho biết, đến nay, tổng dư nợ của tổ đạt gần 4,4 tỷ đồng, với 57 thành viên, hiện tổ không có nợ xấu, nợ quá hạn. Để có được kết quả đó, hằng tháng, thông qua các cuộc họp thôn, họp tổ đều tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn. Việc cho vay qua tổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, trồng rừng và phát triển chăn nuôi.

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn cho biết: đồng hành, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của Hội Nông dân huyện, đặc biệt là hỗ trợ vốn, kiến thức. Song song với việc khai thác các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân... các cấp Hội Nông dân trong huyện chủ động phối hợp với Ngân hàng Agribank Yên Sơn nâng cao chất lượng và tăng trưởng tín dụng. Các cấp hội nắm bắt nhu cầu vốn, tiếp cận thông tin, hướng dẫn hội viên hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, thu nợ theo lịch trực tại UBND xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế.

Chị Trần Trà Lĩnh (thứ 2 từ phải sang) thôn Nà Ho, xã Trung Sơn (Yên Sơn) được vay vốn trồng, chăm sóc vườn cam nay đã thoát nghèo.

Chị Trần Trà Lĩnh (thứ 2 từ phải sang) thôn Nà Ho, xã Trung Sơn (Yên Sơn) được vay vốn trồng, chăm sóc vườn cam nay đã thoát nghèo.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng tín dụng và tăng trưởng tín dụng, tìm nguồn vốn ưu đãi cho nông dân, nhất là các hội viên nông dân tham gia các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, đầu năm 2024, Hội Nông dân huyện đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh tỉnh. Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện tổ chức giao ban giữa lãnh đạo chi nhánh, các phòng giao dịch với Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn mỗi quý/lần để thông tin, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Hiện, toàn huyện đã tổ chức 6 buổi giao ban tại 6/6 cụm của huyện. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, ngày càng nhiều hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Hiện nay, 168 tổ liên kết vay vốn trên địa bàn huyện Yên Sơn đều hoạt động hiệu quả, với trên 3.710 hộ vay, dư nợ trên 367 tỷ đồng. Nguồn vốn vay chủ yếu phục vụ phát triển rừng, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ.

Đưa vốn về cho nông dân là một việc làm thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nông dân, giúp nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm mới cho lao động nông thôn... Đây cũng là nhiệm vụ của Hội Nông dân huyện chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tiep-suc-nong-dan-phat-trien-kinh-te-196201.html