Tiếp sức trẻ học hòa nhập: Tình yêu thương của gia đình là động lực mạnh mẽ nhất
Ông Lê Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm Trung tâm Hướng nghiệp và Tiếp sức trẻ học hòa nhập trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, sự đồng hành, tình yêu thương của gia đình là động lực mạnh mẽ nhất để trẻ mắc các hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn phát triển có thể sớm hòa nhập.
Sáng nay (24/12) tại Hà Nội, Trung tâm Hướng nghiệp và Tiếp sức trẻ học hòa nhập trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) đã tổ chức tổng kết công tác năm 2023, gặp mặt sinh viên và cựu sinh viên.
Buổi lễ diễn ra trong không khí ấm cúng với sự tham dự của ông Lê Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm, bà Trương Ngọc Lan - cán bộ Trung tâm. Về phía khách mời, có TS. Mai Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Bùi Tuyết Mai - Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam; đại diện Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; bà Thu Hương - Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định.
Đặc biệt tham dự buổi lễ là các học viên và phụ huynh đã gắn bó với Trung tâm hơn một thập kỷ. Ông Lê Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm xúc động khi có những trẻ sau nhiều năm rèn luyện, được hỗ trợ tại Trung tâm từ những năm tháng đầu đời, nay đã trở thành sinh viên các trường cao đẳng, đại học.
Các em tham dự buổi lễ đều tự tin giới thiệu về mình bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có em nói được hai ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, xuất sắc đạt IELTS 7.0. Đặc biệt, có bạn vừa tốt nghiệp đại học loại khá, đi làm cách đây vài tháng, giao tiếp tự tin, hòa đồng với mọi người. Không chỉ nỗ lực tiến bộ từng ngày, các bạn còn tình nguyện hỗ trợ các em nhỏ tuổi hơn đang theo học tại Trung tâm.
“Năm 2023, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Hội BVQTEVN, Trung tâm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ công tác đã được Hội phê duyệt. Các hoạt động bao gồm: Vận động các gia đình có trẻ mắc các hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn phát triển tiếp tục tham gia can thiệp tại Trung tâm.
Duy trì, can thiệp cho những trẻ nhiều năm đã can thiệp ở Trung tâm, nay đã trở thành sinh viên các trường đại học, cao đẳng nhằm giúp các bạn trẻ rèn luyện các kỹ năng phù hợp với môi trường học tập ở bậc cao đẳng, đại học. Hiện có 3 bạn trẻ là sinh viên năm 2, 3 hằng tuần vẫn được Trung tâm can thiệp”, ông Lê Đình Tuấn cho biết.
Sau quá trình can thiệp, trẻ đều đạt được các mức độ ổn định để hòa nhập được với gia đình, xã hội. Trẻ sinh hoạt nề nếp (ăn, ngủ đúng giờ, phát triển được ngôn ngữ).
Những trẻ mắc ở mức độ nhẹ thì lần lượt hòa nhập được môi trường giáo dục phổ thông, từ tiểu học, THCS, THPT. Trẻ được học đúng độ tuổi lên lớp đều đặn, cá biệt có trẻ còn đạt được trình độ thi học sinh giỏi cấp thành phố, và vượt qua các kỳ thi vào lớp 6, lớp 10, đại học bình thường như các học sinh khác.
Trung tâm tham gia các Hội thảo khoa học chuyên đề về “Các hội cứng RLPTK, RLPT…” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức.
Đặc biệt, Trung tâm tổ chức các cuộc tập huấn cho các phụ huynh, chia sẻ kinh nghiệm can thiệp để hỗ trợ cho trẻ. Theo ông Lê Đình Tuấn, sự đồng hành, tình yêu thương của gia đình là động lực mạnh mẽ nhất để trẻ có thể sớm hòa nhập.
Tham dự chương trình, TS. Mai Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao kết quả đạt được của Trung tâm. Bà Bùi Tuyết Mai - Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam bày tỏ sự cảm phục trước sự nỗ lực của các học viên. Theo bà, để có được kết quả này, ngoài sự cố gắng của chính các em còn có sự kiên trì đồng hành tuyệt vời của cha mẹ, sự định hướng của các cán bộ Trung tâm.
Những thành công bước đầu đã tạo động lực cho cán bộ, nhân viên trung tâm vững tin vào hoạt động nhân văn của mình. Sự hỗ trợ tích cực của Hội BVQTEVN đã giúp đỡ thiết thực cho Trung tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu “Góp phần bảo vệ và chăm sóc quyền trẻ em Việt Nam”.
Trong năm 2024, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm sẽ duy trì các hoạt động và từng bước phát triển về số lượng, chất lượng, nhằm hỗ trợ được nhiều trẻ hơn nữa.
Sau gần 20 năm nghiên cứu và triển khai các hoạt động cho trẻ, Trung tâm Hướng nghiệp và Tiếp sức trẻ học hòa nhập đã thường xuyên xây dựng các mục tiêu can thiệp phù hợp với từng đối tượng trẻ. Đích đến cuối cùng là xây dựng cho trẻ sự tự giác và lòng tự trọng để trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.