Tiếp tay trục lợi chính sách, cựu Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm gây thiệt hại hơn 20,4 tỉ đồng
TAND TP Hà Nội vừa đưa nhóm cựu cán bộ huyện Gia Lâm (Hà Nội) ra xét xử về tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng', 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn do 2 bị cáo trong vụ án không đảm bảo sức khỏe.
Nhóm cựu cán bộ huyện Gia Lâm bị đưa ra xét xử, gồm: Lương Văn Thành (SN 1957, cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường – TN-MT), Lý Duy Khoa (SN 1989, cựu cán bộ phòng TN-TM), Nguyễn Bá Hoán (SN 1973, cựu Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Quỳ), Phan Thế Long (SN 1976, cán bộ địa chính) cùng bị truy tố về tội " Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần (SN 1963, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện, cựu Trưởng ban dân vận huyện ủy Gia Lâm) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, cùng bị đưa ra xét xử với nhóm bị cáo nêu trên còn có Hoàng Văn Thành (SN 1965, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và Nguyễn Quang Hải (SN 1954, cùng trú tại phường Ngọc Lâm) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, năm 2011, Hoàng Văn Thành và Ngô Thị Thanh Thủy (đã chết) góp tiền mua 9 thửa đất nông nghiệp, diện tích 5.233m2 ở tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Do đây là đất nông nghiệp trồng lúa, không được phép chuyển nhượng cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên UBND huyện Gia Lâm có văn bản yêu cầu các bên hủy bỏ giao dịch. Tuy nhiên, 9 hộ dân không trả lại tiền nên Thành và Thủy vẫn là người sử dụng khu đất trên.
Năm 2011, Thành lập ra Công ty cổ phần Kinh doanh tổng hợp – xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt (gọi tắt là Công ty Thành Đạt) với mục đích xin lập dự án xây dựng nhà liền kề để bán đất.
Năm 2012, UBND huyện Gia Lâm chấp thuận chủ trương đồng ý cho Công ty Thành Đạt lập dự án tại diện tích đất trên. Đến năm 2015, 2016, Thành và Thủy nhờ người đứng tên nhận ủy quyền định đoạt 8/9 thửa đất trên. Đồng thời, nhóm của Thành xin tách thửa, thành 29 thửa. Sau đó, Thành bán cho Nguyễn Quang Hải 2/29 thửa đất.
Để trốn tránh nghĩa vụ nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp chuyển sang đất ở, Hoàng Văn Thành và Nguyễn Quang Hải đã bàn bạc và lợi dụng chính sách của Nhà nước đối với thương binh, người có công với cách mạng được miễn giảm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đi thuê các thương binh, người có công với cách mạng đứng tên các thửa đất trên.
Cáo trạng thể hiện, các bị cáo đã thuê 29 người có công với cách mạng với số tiền thuê từ 20 triệu đồng - 50 triệu đồng/người. Những người này ký hợp đồng ủy quyền cho Thành, Thủy và Hải đi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Các bị cáo thống nhất để Hải gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm xin chuyển mục đích sử dụng đất. Nhưng do vướng quy hoạch nên có 3/29 thửa đất không chuyển đổi được mục đích sử dụng sang đất ở.
Tại cuộc họp ngày 7/6/2016, UBND huyện Gia Lâm có chủ trương cho phép chuyển hơn 5.100m2 đất nông nghiệp nằm xen kẹt trong khu dân cư tại tổ dân phố Cửu Việt và giao cho Phòng TN-MT phối hợp với Phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm giải quyết.
Sau đó, Thành và Hải thường xuyên đến UBND huyện Gia Lâm gặp Lương Văn Thành và Nguyễn Ngọc Thuần để nhờ giải quyết.
Quá trình điều tra đã làm rõ, Phan Thế Long, cán bộ UBND thị trấn Trâu Quỳ đã tiếp nhận 26 hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư của Thành và Hải.
Hồ sơ vụ án thể hiện, Phan Thế Long biết rõ khu đất này là của Hoàng Văn Thành, Ngô Thị Thanh Thủy và các thửa đất không phải là đất nông nghiệp nằm xen kẹt nhưng vẫn báo cáo sai sự thật và hoàn thiện thủ tục niêm yết công khai, trình lãnh đạo UBND thị trấn Trâu Quỳ ký tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau đó, Long được Thủy bán rẻ cho thửa đất diện tích 175,7m2. Long đã bán lại thửa đất trên và lãi 50 triệu đồng.
Căn cứ kết quả thẩm định, đề xuất của Long, Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ khi đó là Nguyễn Bá Hoán đã ký xác nhận vào 26 hồ sơ nêu trên.
Ngày 29/8/2016, Chủ tịch thị trấn Trâu Quỳ ký tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép 15 hộ dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ngày 22/2/2017, Nguyễn Bá Hoán tiếp tục ký tờ trình do Long soạn thảo gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép 14 hộ dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tại Cơ quan điều tra, Hoàng Văn Thành khai nhận, đã chi cho Nguyễn Bá Hoán ,Chủ tịch thị trấn Trâu Quỳ 15 triệu đồng/bộ hồ sơ thông qua Lương Văn Thành, khi đó là Trưởng phòng TN-MT huyện, để Hoán ký các hồ sơ kỹ thuật thửa đất.
Theo cáo trạng, khi tiếp nhận hồ sơ, Lý Duy Khoa, cán bộ Phòng TN-MT huyện Gia Lâm không kiểm tra, xem xét điều kiện miễn giảm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khoa được Thành đưa cho 30 triệu đồng và hứa hẹn sẽ bán cho 1 thửa đất ở sau khi chuyển đổi xong. Còn Lương Văn Thành ký tờ trình, đề nghị cho phép các hộ dân được chuyển mục đích đất và miễn giảm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đối với Nguyễn Ngọc Thuần, khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã không kiểm tra hiện trạng đất, không chỉ đạo kiểm tra điều kiện được miễn giảm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong hồ sơ không có kiến nghị của UBND cấp xã nơi người có công với cách mạng cư trú và kết quả xác minh lại của UBND cấp huyện.
Cáo trạng xác định, do tin tưởng cấp dưới, Nguyễn Ngọc Thuần đã ký 26 quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 26/29 thửa đất với diện tích hơn 3.400m2 và miễn giảm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 20,4 tỉ đồng.
Sau đó, Hoàng Văn Thành đã chia tách 20 thửa đất thành 43 thửa đất; Thủy tách 5 thửa đất thành 12 thửa đất và Hải tách 1 thửa đất thành 3 thửa đất để bán cho những người khác.
Ngoài ra, Hoàng Văn Thành còn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, Thành biết rõ 470m2 đất ở thị trấn Trâu Quỳ của 5 hộ gia đình nằm trong chỉ giới đường đỏ, không thể chuyển đổi nhưng vẫn khẳng định với anh Bùi Trung S. có thể chuyển đổi sang đất ở. Thành đã nhận của anh S. hơn 9 tỉ đồng và hứa hẹn sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho anh S. trong thời hạn 4 tháng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện được và đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết số tiền này.
Quá trình điều tra, Thành khai, đã nhờ Hải đưa hơn 4 tỉ đồng cho lãnh đạo huyện Gia Lâm và hơn 1,3 tỉ đồng cho 1 cá nhân nhưng cơ quan tố tụng xác định không có căn cứ về việc này.
Đối với những thương binh được nhóm Thành mượn tư cách đứng tên trên giấy xác nhận người có công với cách mạng trong hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, CQĐT xác định, họ bị lợi dụng và bản thân không nhận thức được việc đứng tên trên giấy xác nhận là hành vi phạm tội nên CQĐT không đề cập xử lý trong vụ án.