Tiếp thêm cơ hội nâng tầm cho các tay vợt bóng bàn

Khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ các tay vợt bóng bàn Việt Nam tham dự các giải thi đấu quốc tế còn eo hẹp, hành trình 'ra biển' của họ luôn cần đến sự đồng hành của các doanh nghiệp, qua đó trau dồi trình độ chuyên môn, bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Các tay vợt hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Khoa Diệu Khánh rất cần được doanh nghiệp đồng hành để thi đấu quốc tế nhiều hơn. Ảnh: SportTV

Các tay vợt hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Khoa Diệu Khánh rất cần được doanh nghiệp đồng hành để thi đấu quốc tế nhiều hơn. Ảnh: SportTV

Bài toán khó của bóng bàn

Trong làng thể thao Việt Nam, nếu nhìn sang bộ môn cầu lông hay cờ vua, những môn thể thao cá nhân khá tương đồng về tính phổ cập, dễ thấy các vận động viên (VĐV) bóng bàn có ít cơ hội thi đấu quốc tế. Những tay vợt cầu lông hàng đầu Việt Nam hiện nay như Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát..., và xa hơn là Nguyễn Tiến Minh, có thể dự hàng chục giải quốc tế trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp thế giới hằng năm. Ở môn cờ vua, nhiều kỳ thủ ra nước ngoài thi đấu với mật độ dày đặc, như gần đây là kỳ thủ Đầu Khương Duy của Hà Nội - một trong những Kiện tướng quốc tế trẻ tuổi nhất ở Việt Nam.

Trong thực tế, một số VĐV nhận được kinh phí từ phía ngành Thể thao, đơn vị chủ quản, các doanh nghiệp tài trợ cũng như từ chính gia đình thay vì chủ yếu đi thi đấu quốc tế bằng nguồn ngân sách. Với thể thao Việt Nam nói chung và bóng bàn Việt Nam nói riêng, nếu VĐV chỉ tập luyện trong nước thì khó nâng cao trình độ, bản lĩnh khi thi đấu quốc tế. Hệ thống thi đấu quốc gia của bóng bàn Việt Nam thuộc diện “dày” so với nhiều môn, với khoảng 4 giải mỗi năm với VĐV đỉnh cao. Tuy vậy, đó là sân chơi của những tay vợt quá hiểu về lối chơi của nhau, khó mang đến những điều mới mẻ cho các VĐV.

Nhìn sang một quốc gia Đông Nam Á khác đang vươn lên mạnh mẽ ở môn bóng bàn là Malaysia, thấy rõ cách đầu tư của họ để các VĐV bóng bàn có thêm cơ hội thi đấu quốc tế. Các tay vợt hàng đầu của nước này được tạo điều kiện thi đấu ở nhiều giải chuyên nghiệp trên thế giới, có chuyên gia Trung Quốc huấn luyện (chuyên gia Dư Chí Quốc từng làm việc tại đội tuyển bóng bàn Việt Nam). Cũng nhờ vậy, bóng bàn Malaysia đã đạt cột mốc mới khi lần đầu giành Huy chương đồng đội nam tại Giải bóng bàn vô địch châu Á năm 2024 (tháng 10) sau khi vượt qua đôi VĐV rất mạnh của Trung Quốc. Tại Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2024, Malaysia đã giành tới 5/7 Huy chương Vàng (Việt Nam giành 1 Huy chương Vàng).

Người trong nghề, trong đó có huấn luyện viên đội tuyển bóng bàn quốc gia Đoàn Kiến Quốc từng chia sẻ rằng, cái thiếu của các tay vợt Việt Nam hiện nay vẫn là kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Những tín hiệu tích cực

Vào ngày 12-12 này, gần chục tay vợt Việt Nam, trong đó có những tay vợt hàng đầu như Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Duy Phong..., có mặt tại Mỹ để dự giải bóng bàn Mỹ mở rộng 2024 bằng kinh phí xã hội hóa.

Trước đó, sau Giải bóng bàn vô địch Đông Nam Á 2024 (tháng 11-2024), Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Thông minh (VietED) thông báo tài trợ cho chuyến thi đấu tại giải bóng bàn thuộc hệ thống giải bóng bàn nhà nghề thế giới (WTT) tại Oman vào tháng 1-2025, ước tính cần khoảng gần 100 triệu đồng cho VĐV Việt Nam giành ngôi vô địch đơn nam, nữ. Tuy nhiên, do nhà vô địch đơn nữ Nguyễn Khoa Diệu Khánh bị chấn thương vai, muốn dành thời gian để điều trị dứt điểm nên trước mắt VĐV này không tham gia giải WTT tại Oman. Theo Công ty VietED, kinh phí tài trợ sẽ được bảo lưu cho Diệu Khánh tham dự một giải khác thuộc hệ thống WTT trong năm 2025.

Cũng trong năm 2024, VietED có hai lần tài trợ cho các tay vợt Việt Nam dự giải quốc tế tại Indonesia (tháng 6) và Kazakhstan (tháng 9). Đó là điểm nhấn thực sự của bóng bàn Việt Nam khi nhiều năm nay, vấn đề kêu gọi xã hội hóa kinh phí thi đấu quốc tế cho các tay vợt luôn là bài toán khó giải với nhà quản lý. Tay vợt Nguyễn Anh Tú, người đã được trao cơ hội thi đấu quốc tế tại Indonesia, Kazakhstan bằng nguồn kinh phí từ VietED cho rằng, anh đã nhận được trải nghiệm quý báu từ các chuyến thi đấu này.

Giám đốc VietED Phạm Ngọc Hiếu cũng chia sẻ, chỉ một mình VietED sẽ không đủ để hỗ trợ nhiều VĐV bóng bàn Việt Nam thi đấu khoảng 5 - 7 giải quốc tế mỗi năm, mà cần có sự chung tay của các nhà tài trợ khác. Từ đó, các VĐV có thêm động lực và cơ hội thi đấu ở các giải đấu quốc tế lớn.

Không ngẫu nhiên khi Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đang coi việc thu hút doanh nghiệp hỗ trợ những tay vợt hàng đầu đi thi đấu quốc tế là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Nếu không giải quyết được việc này, sẽ khó nâng tầm cho các tay vợt Việt Nam cũng như thực hiện mục tiêu giành huy chương châu lục thay vì hài lòng với mục tiêu ở Đông Nam Á.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tiep-them-co-hoi-nang-tam-cho-cac-tay-vot-bong-ban-687476.html