TIẾP THU, GIẢI TRÌNH VÀ CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)
Tiếp tục Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 13/11/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Không quy định Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vào trong Dự thảo Luật.
Về đối tượng áp dụng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số đại biểu tán thành quy định đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế; một số ý kiến không đồng ý với quy định này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, vấn đề này hiện nay đang được Chính phủ thực hiện thí điểm với số lượng còn rất ít cả về số địa phương thực hiện, số lượng lao động đưa đi, số nước tiếp nhận, làm việc chủ yếu theo mùa vụ, mô hình thực hiện cũng khác nhau, thời gian thí điểm ngắn và chưa được tổng kết, đánh giá. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc tiếp tục thí điểm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai thí điểm để kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan và xin phép Quốc hội không quy định nội dung này trong Dự thảo Luật.
Đối với quy định về chính sách của Nhà nước đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về cơ chế, chính sách của Nhà nước về ưu đãi tín dụng, thuế đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 1 Điều 4 quy định các trường hợp được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù và giao Chính phủ quy định cụ thể. Về ưu đãi tín dụng và thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép để pháp luật chuyên ngành điều chỉnh cho bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể chính sách về bảo đảm bình đẳng giới, có các biện pháp hỗ trợ lao động nữ, lao động làm những công việc có khả năng bị xâm hại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, một số nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập tại Báo cáo số 595/BC-UBTVQH14 ngày 20/10/2020. Tiếp tục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung tại điểm e khoản 2 Điều 26 của dự thảo Luật quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ và bổ sung nội dung giáo dục định hướng tại điểm i và k khoản 1 Điều 65.
Không quy định về số lượng chi nhánh được hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, quy định về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10), một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét việc sử dụng khái niệm “vốn chủ sở hữu”, cần thay bằng “vốn điều lệ” để phù hợp Luật Doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc kỹ với các cơ quan hữu quan và thống nhất quy định “vốn điều lệ” thay cho “vốn chủ sở hữu” như dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Có ý kiến đại biểu đề nghị kế thừa và luật hóa quy định hiện hành về mức tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật quy định vấn đề này về cơ bản kế thừa Luật hiện hành và việc giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nhằm linh hoạt trong công tác điều hành, đáp ứng với thực tế đa dạng của các thị trường tiếp nhận lao động khác nhau, theo từng thời kỳ cụ thể và phù hợp với cung - cầu lao động trong nước và nước ngoài. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép được quy định như dự thảo Luật.
Đối với quy định về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ (Điều 17), một số đại biểu tán thành việc quy định doanh nghiệp dịch vụ chỉ được giao nhiệm vụ cho không quá 03 chi nhánh; một số đại biểu không tán thành quy định này vì cho rằng chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Cơ quan chủ trì thẩm tra thảo luận kỹ với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động của chính sách và đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định về số lượng chi nhánh được hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, do đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và để khắc phục những tiêu cực nảy sinh thời gian qua trong hoạt động của chi nhánh, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ điều kiện chi nhánh được hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (khoản 2); các hoạt động mà chi nhánh không được thực hiện (khoản 3) và xác định doanh nghiệp dịch vụ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh (khoản 1).
Về tiền dịch vụ (Điều 23), có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định người lao động phải trả tiền dịch vụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về lâu dài, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam, các doanh nghiệp dịch vụ cũng cần phải nâng cao năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh để khai thác thị trường, đàm phán, ký kết được các hợp đồng cung ứng lao động có chất lượng trực tiếp với người sử dụng lao động bên nước ngoài tiếp nhận lao động, giảm tối đa chi phí tiền dịch vụ cho người lao động và tiến tới người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo tinh thần khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trước mắt, để việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn được triển khai bình thường, xin phép Quốc hội cho tiếp tục quy định về tiền dịch vụ. Để bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 23 theo hướng làm rõ hơn về tiền dịch vụ (tại khoản 1); quy định chặt chẽ các nguyên tắc thu tiền dịch vụ (tại khoản 2) trong đó có quy định trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ hai bên đã thỏa thuận; quy định mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu từ người lao động (tại khoản 4). Đồng thời, bổ sung điểm n khoản 2 Điều 19 nội dung về “Tiền dịch vụ được bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả” vào nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động.
Về quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có ý kiến đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người lao động sau khi về nước thực hiện khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung tại khoản 2, Điều 6 và tại khoản 4 Điều 46 của dự thảo Luật.
Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (các điều 66, 67 và 68), có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho các địa phương để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, mở rộng và phát triển thị trường lao động ở nước ngoài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng và chi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước phải căn cứ vào nguyên tắc đóng và đối tượng đóng. Dự thảo Luật đã không còn quy định Nhà nước đóng góp vào Quỹ này và chỉnh lý quy định các trường hợp, nội dung hỗ trợ cụ thể đối với người lao động, đối với doanh nghiệp dịch vụ để tránh trùng lắp với việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép được tiếp thu, chỉnh lý như dự thảo Luật.
Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến của đại biểu đối với các quy định về điều kiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp dịch vụ; chuẩn bị nguồn lao động; Hợp đồng cung ứng lao động; Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ của người lao động; trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật và chia sẻ cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp bị giải thể, phá sản; hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi người lao động về nước; giáo dục định hướng và về quy định chuyển tiếp. Đồng thời, bỏ 01 điều của dự thảo, chỉnh lý 44 điều khác ở tất cả các chương của dự thảo Luật và chỉnh lý chuyển quy định về công việc, lĩnh vực người lao động Việt Nam không được đi làm việc ở nước ngoài thành khoản 12 và khoản 13 của Điều 7 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 08 Chương và 74 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 31 điểm mới thuộc 08 nhóm nội dung lớn./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49884