Tiếp tục áp lực học sinh tăng, giáo viên thiếu

Nhiều năm nay, tình trạng thiếu giáo viên luôn là nỗi trăn trở của ngành Giáo dục, nhất là vào đầu mỗi năm học. Đã cận kề năm học 2020-2021 nhưng nhiều trường vẫn chưa biết phải xử lý như thế nào khi vừa đứng trước áp lực tăng học sinh vừa thiếu giáo viên.

Đau đầu tuyển sinh đầu năm học

Một thực tế đang xảy ra ở nhiều trường mầm non hiện nay là nhu cầu nhập học của con em trên địa bàn ngày càng tăng. Mặc dù hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, ngày càng đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhưng vì thiếu giáo viên nên nhiều trường phải dè dặt trong tuyển sinh.

Điển hình, tại Trường mầm non Hoa Phượng Vàng ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) có đủ khả năng đáp ứng cho khoảng 150-200 trẻ lớp mầm non trên địa bàn nhưng hiện nay trường vẫn còn thiếu 5 giáo viên để bảo đảm tối thiểu được 2 giáo viên/lớp. Nếu tính theo vị trí việc làm, trường thiếu đến 8 giáo viên nên dù nhu cầu học tập của con em là rất lớn nhưng chỉ nhận được khoảng 130 hồ sơ trẻ đầu cấp.

 Vì thiếu giáo viên nên Trường mầm non Hoa Phượng Vàng phải thực hiện dồn lớp, dẫn đến nhiều lớp có số trẻ vượt quá quy định

Vì thiếu giáo viên nên Trường mầm non Hoa Phượng Vàng phải thực hiện dồn lớp, dẫn đến nhiều lớp có số trẻ vượt quá quy định

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Nguyên, nhiều năm nay, năm nào trường cũng đau đầu về việc tuyển sinh đầu năm học do tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Mặc dù giữa tháng 7 trường mới bán hồ sơ nhưng từ tháng 6 đã có phụ huynh đến xin cho con nhập học.

Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có chủ trương nên trường chỉ tuyển được 17 lớp, giảm 2 lớp so với những năm trước. Vì thiếu giáo viên nên trường ưu tiên bố trí đủ giáo viên/lớp cho các lớp Lá. Những hồ sơ thuộc địa bàn quản lý, trường đã nhận hết nhưng chưa thể bố trí lớp và đang xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Giáo viên khó cầm cự nếu kéo dài

Không chỉ ở các vùng trung tâm, các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cũng gặp nhiều khó khăn khi tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm chưa được giải quyết.

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) có gần 100% học sinh dân tộc thiểu số và hiện trường đang thiếu 4 giáo viên môn Toán - Tiếng Việt. Theo Hiệu trưởng Thái Mai Tịnh, đây là năm đầu triển khai dạy theo chương trình sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Tối thiểu trường phải ưu tiên 5 giáo viên/ 5 lớp 1. Các lớp khác thiếu giáo viên buộc phải thực hiện "dạy kê, dạy gác".

Thầy Tịnh cho biết: “Tình trạng thiếu giáo viên đã gây không ít khó khăn cho trường trong việc đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục đề ra. Đặc điểm của trường có phần lớn là học sinh dân tộc Mông, chưa được đi học trước đó. Việc bố trí 1 giáo viên/lớp 1 cũng rất lo ngại vì chỉ bảo đảm chương trình chứ không thể bảo đảm chất lượng, chưa nói đến sức khỏe của giáo viên. Vì các em rất hạn chế về tiếng Việt và khả năng giao tiếp nên chắc chắn giáo viên sẽ khó cầm cự được nếu kéo dài”.

 Việc thiếu giáo viên gây khó khăn cho Trường tiểu học Quảng Sơn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) khó khăn hơn khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới lớp 1

Việc thiếu giáo viên gây khó khăn cho Trường tiểu học Quảng Sơn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) khó khăn hơn khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới lớp 1

Chỗ thừa chỗ thiếu

Theo bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Gia Nghĩa, trong năm học tới, toàn thành phố còn thiếu khoảng 150 giáo viên các cấp, trong đó nhiều nhất vẫn là giáo viên mầm non. Thế nhưng, việc bổ sung giáo viên hàng năm chỉ như “muối bỏ bể” vì hàng năm thành phố vẫn phải thực hiện cắt giảm 40 biên chế giáo dục.

Năm học 2020- 2021, huyện Đắk Glong dự kiến sẽ được tuyển dụng bổ sung thêm 24 giáo viên thuộc diện biên chế; trong đó, 20 giáo viên tiểu học, 4 giáo viên bậc THCS. Riêng với bậc mầm non, huyện ưu tiên cho trẻ 5 tuổi đến trường và bảo đảm 1 giáo viên/ lớp học dù quy định là từ 2 - 2,5 giáo viên/ lớp. Mặc dù đã được bổ sung thêm giáo viên nhưng huyện vẫn thiếu khoảng 300 giáo viên từ mầm non đến THCS. Hệ lụy của việc thiếu giáo viên những năm trước để lại là hàng trăm trẻ trong độ tuổi không được đến trường và huyện vẫn nợ 5 tỷ đồng tiền "dạy kê, dạy gác" của giáo viên.

Trong khi đó, huyện Cư Jút lại đang gặp tình trạng thừa giáo viên cục bộ. Thống kê toàn huyện đang thừa khoảng hơn 70 giáo viên cấp THCS nhưng bậc mầm non và tiểu học lại thiếu giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường phải thực hiện việc sắp xếp, cân đối tiết học, sao cho bảo đảm mỗi giáo viên đứng đủ số tiết tối thiểu để nhận lương. Việc bố trí giáo viên thừa ở bậc THCS xuống các cấp học khác cũng gặp khó khăn vì không phải giáo viên bộ môn nào cũng bố trí được theo yêu cầu bậc học.

Ngày 3/7/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế giáo dục và y tế. Trong đó, đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng đối với các vị trí việc làm là giáo viên. Việc ký hợp đồng giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức nhằm kịp thời thay cho giáo viên nghỉ theo chế độ (thai sản, nghỉ hưu) chưa kịp tuyển dụng thay thế.

Chủ trương cho ký hợp đồng còn nhằm bảo đảm bố trí đủ tối thiểu giáo viên đối với cơ sở quy định dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở giáo dục vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết 102 của Chính phủ. Vì vậy, nỗi lo thiếu giáo viên vẫn là áp lực đối với các địa phương khi năm học mới cận kề.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/giao-duc/tiep-tuc-ap-luc-hoc-sinh-tang-giao-vien-thieu-81649.html