'Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới'

Đó là chủ đề của Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn tỉnh nhằm kêu gọi các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo đảm an ninh, ATTP, cũng là bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội. Trong tháng hành động Vì ATTP, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tầng lớp Nhân dân, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Bùi Tiến Thanh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường thực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chia sẻ, Tháng hành động vì ATTP năm 2024, cùng với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, tỉnh Lai Châu đã thành lập các đoàn tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Theo đó, Tháng hành động vì ATTP năm 2024, các cấp từ tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã tham mưu ban hành 355 văn bản các loại để chỉ đạo triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Tổ chức 12 hội nghị triển khai tháng hành động. Toàn tỉnh đã thành lập 115 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP; tiến hành kiểm tra 1.917 cơ sở trên tổng số 4.095 cơ sở thực phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh. Quá trình kiểm tra phát hiện 134 cơ sở có hành vi vi phạm hành chính về công tác đảm bảo ATTP (số cơ sở vi phạm giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2023).

Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng hóa vi phạm trước khi tiêu hủy.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng hóa vi phạm trước khi tiêu hủy.

Các đoàn kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính phạt tiền 5 cơ sở, với tổng số tiền là 10.250.000 đồng; nhắc nhở 129 cơ sở; 17 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; số sản phẩm thực phẩm bị tiêu hủy 32 loại sản phẩm thực phẩm do không bảo đảm ATTP (sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực phẩm, phụ gia thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn...). Ước tính số lượng hàng hóa bị tiêu hủy khoảng 7.750.000 đồng. Điển hình vào hồi 20 giờ 00 phút ngày 20/4, tại tổ dân phố số 19 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu), Đội Quản lý thị trường số 2 tiến hành kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 24G-000.03 do ông Lưu Thanh Tùng (trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 200 hộp bánh (trọng lượng 2kg/hộp) do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm đó, ông Tùng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, nhiều hộp bánh đã chảy nước, nấm, mốc không đảm bảo vệ sinh ATTP. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh xử lý vi phạm hành chính.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng; sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, môi trường theo quy định…

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024 các địa phương và các ban, ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo an ATTP bằng nhiều hình thức như: nói chuyện trực tiếp, phát thanh trên loa phát thanh, treo băng zôn tại các khu đông dân cư như thành phố, thị trấn các trung tâm chợ, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP, cũng như các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP... Qua đó, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, đáp ứng ngày càng cao công tác bảo đảm an ninh, ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP huyện Phong Thổ kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện trong tháng hành động ATTP năm 2024.

Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP huyện Phong Thổ kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện trong tháng hành động ATTP năm 2024.

Cùng với các đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng chức năng cũng triển khai hoạt động kiểm tra đột xuất, ktra theo kế hoạch và phối hợp kiểm tra về ATTP. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 50 cơ sở, sản xuất kinh doanh thực phẩm. Phát hiện xử lý 19 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 44,5 triệu đồng. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra 165/2.242 cơ sở (124/1.920 cơ sở sản xuất; 41/322 cơ sở kinh doanh). Qua kiểm tra các cơ sở chấp hành các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định.

Có thể khẳng định, công tác bảo đảm an ninh, ATTP luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hôi. Với ý nghĩa quan trọng đó, thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP tỉnh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về ATTP; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống;... Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATTP và công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường để xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, các Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã tiến hành 1.616 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm để tiến hành làm các xét nghiệm test nhanh định hướng đánh giá các chỉ tiêu xét nghiệm về: Tinh bột, dầu mỡ trên dụng cụ chứa đựng thực phẩm, nồng độ methanol trong rượu trắng, Nitrit trong nước sinh hoạt, độ ôi khét của dầu mỡ, hàn the trong thịt, cá tươi và các sản phẩm như giò, chả, bánh cuốn, bánh phở... tại thời điểm kiểm tra các test nhanh đều âm tính với test thử. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh lấy 49 mẫu gửi phân tích các chỉ tiêu (trong đó có 8 mẫu thịt gà phân tích kháng sinh (Tetracycline); 9 mẫu thịt bò phân tích chất cấm (Clenbuterol); 11 mẫu thủy sản tươi sống phân tích chất cấm (Malachite Green); 10 mẫu rau, củ, quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật 9 (BVTV) (nhóm Clo hữu cơ); 9 mẫu chè khô phân tích dư lượng thuốc BVTV (nhóm lân hữu cơ); 1 mẫu Đông trùng hạ thảo khô; 1 Đông trùng hạ thảo ký chủ nhộng khô, phân tích thuốc BVTV (Thiabendazole). Kết quả: 100% các mẫu không vi phạm các chỉ tiêu phân tích.

Bình Minh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/%C4%91%E1%BB%9Di%20s%E1%BB%91ng/ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-b%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BA%A3m-an-ninh-an-to%C3%A0n-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m-trong-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-m%E1%BB%9Bi